Một tay khéo léo cầm mỏ hàn, tay kia cầm mặt nạ bảo hộ – đó là hình ảnh thường thấy về những bàn tay của các cô gái thợ hàn. Tưởng chừng như công việc ở mỗi Phân xưởng sửa chữa ô tô đều dành cho các đấng mày râu, nhưng nơi đây vẫn xuất hiện bóng dáng những người phụ nữ, cần mẫn và tỉ mẩn để đảm bảo cho mỗi mối hàn chính xác và chắc chắn.
Một lần, khi được tham quan Phân xưởng Sửa chữa Ô tô của Công ty CP than Cao Sơn, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ đứng trên giá, đang chăm chú hàn một chi tiết phía sau chiếc đại xa. Sở dĩ biết đó là phụ nữ, bởi phía sau tấm mặt nạ hàn, tôi chỉ kịp nhìn thấy búi tóc của chị được cuộn lại gọn gàng bằng chiếc khăn mùi xoa.
Trong tiếng ầm vang của các thiết bị máy mỏ đang được sửa chữa, bảo dưỡng, tranh thủ lúc người phụ nữ ấy ngơi tay, tôi bèn lân la hỏi chuyện:
– Em chào chị, em vừa thấy chị hàn ở trên kia chuyên nghiệp quá
– (Cười) Có gì đâu em, cả người mới vào cũng có thể làm được như chị mà
– Chị tên là gì ạ? Chị làm ở Phân xưởng ta lâu chưa?
– Chị tên Hằng, Phạm Thị Hằng em ạ. Chị là thợ hàn bậc 5/7 của Tổ Gò hàn số 2 này cũng được 14-15 năm nay rồi.
– Không biết toàn phân xưởng có đông chị em nữ công nhân không chị nhỉ?
– À, toàn Phân xưởng thì có tầm 50 chị em phụ trách các công việc khác nhau.
– Tổ mình có bao nhiêu người làm công việc giống chị ạ?
– Tổ chị á, trước có 2 người cùng làm. Nhưng giờ chỉ có mình chị thôi. Chủ yếu là hàn xe với các động cơ là chính.
– Một mình là “bông hoa giữa rừng”, chắc các anh thợ vui tính cũng hay trêu lắm phải không chị? – Tôi hóm hỉnh hỏi.
– (Cười tươi hơn) Ôi, thì anh em ở đây cũng vui tính mà. Tổ chị lại ít người. Quan trọng là cứ việc của mình, mình làm thật tốt là được thôi em ạ.
– Nghề hàn ở đây có nhận thêm các bạn nữ mới vào làm không chị?
– Có đấy em. Nhưng cũng không nhiều. Chị cũng cùng những người làm lâu ở đây cùng hướng dẫn, chỉ bảo cho các bạn ấy tận tình. Thời gian đầu thì cho các bạn ấy hàn đơn giản thôi, chỗ nào khó thì mình làm. Mà cánh trẻ bây giờ cũng thông minh, học nhanh ra phết.
– Là phụ nữ, lại làm việc trong môi trường tưởng như chỉ có nam giới như vậy, chị có thấy vất vả lắm không ạ?
– Chị và các chị em cũng quen công việc rồi em, thành ra mọi thứ đều không đến độ vất vả. Với lại, được lãnh đạo với anh em trong Phân xưởng luôn đoàn kết, quan tâm đến chị em nên chẳng ai thấy “tủi” cả.
– Dạ cho em hỏi riêng tư chút ạ, anh nhà mình có làm trong ngành không chị?
– Có em ạ, chồng chị làm ngay bên Phân xưởng Cơ giới cầu đường, cùng Công ty mà. Long với Hương (tên 2 người con của anh chị) cũng lớn cả rồi. Ngày nào hai vợ chồng cũng cùng nhau đón xe ca đi làm.
– Ô, thế là “đồng chí trên mọi mặt trận đấy” chị ơi.
Rồi cả hai chúng tôi cùng cười vang.
– Rồi đây còn gắn bó với công việc, chị có ước muốn gì cho tương lai không ạ?
– Chị á, người lao động như chị lúc nào cũng chỉ mong nhất là có sức khỏe để đi làm, có đồng lương ổn định. Môi trường làm việc của Phân xưởng Ô tô nay đã sạch đẹp hơn ngày trước nhiều. Chẳng mong gì hơn. Thôi chị chuẩn bị làm việc tiếp đây, hẹn khi nào có dịp chị em mình ngồi lâu hơn nhé
Nói rồi, chị đeo lại đôi găng to sụ vào hai bàn tay, thoăn thoát leo lên giá chuẩn bị cho mối hàn tiếp theo. Sau khi vẫy tay nói lời tạm biệt, đôi tay chị lại tiếp tục dệt những luồng sáng. Với người phụ nữ ấy, chẳng cần gì bình yên hơn thế….
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/doi-tay-det-luong-sang-201806281004181357.htm” button=”Theo vinacomin”]