Trong buổi gặp mặt, nói chuyện với Đoàn đại biểu CNCB ngành Than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968, Bác Hồ đã căn dặn: “Phải chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của công nhân”. Thực hiện lời dạy của Bác gắn với 45 năm thực hiện Di chúc của Người, các cấp lãnh đạo từ TW đến các cơ sở ngành Than, đặc biệt từ khi Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam) ra đời đến nay đã luôn cố gắng với tất cả trách nhiệm và tình cảm để không ngừng nâng cao đời
Cách đây 20 năm nhân dịp Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời, có một đoàn phóng viên báo chí TW về tìm hiểu để phản ảnh đời sống thợ mỏ Quảng Ninh. Khi đoàn đến Vàng Danh, tôi được Giám đốc mỏ Vàng Danh (nay là Công ty CP Than Vàng Danh) giao nhiệm vụ làm việc cụ thể với đoàn. Tôi vẫn nhớ lúc ấy đoàn có 3 người gồm anh Trần Tuấn Hiệp – Báo Văn hóa Thể thao (nay đang công tác tại Ban chuyên đề Đài THVN), chị Thu Nga – Đài Tiếng nói Việt Nam, anh Xuân Hồng – Ban Chuyên đề Đài THVN (cả 2 người nay đã nghỉ hưu). Sau 2 ngày tìm hiểu thực tế và làm việc với lãnh đạo mỏ, Đoàn có chung một nhận xét, đại ý: lãnh đạo rất quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt cho thợ mỏ. Cơ sở hạ tầng phục vụ công nhân mỏ khá đầy đủ; nhưng công nhân mỏ, nhất là thợ lò còn nhiều gian khổ và thiệt thòi. Các bài báo còn nêu bật sự quan tâm của lãnh đạo các cấp các ngành trong việc chăm lo xây dựng đời sống cho người công nhân mỏ. Nhưng các anh, các chị nhà báo và ngay cả chúng tôi những người trong cuộc cũng không nghĩ được 20 năm sau đời sống thợ mỏ có những đổi thay vượt bậc như thế.
Tổng Công ty Than Việt Nam thành lập chỉ sau hơn 3 năm đã bị ảnh hưởng trầm trọng của khủng hoảng tài chính khu vực. Đỉnh điểm và gay gắt nhất là 2 năm 1999-2000. Nhưng được sự quan tâm sâu sắc đầy hiệu quả từ Trung ương và địa phương, sự phấn đấu quyết liệt của toàn thể CBCN – thợ mỏ trong toàn Ngành, tình hình đã sớm ổn định trở lại. Từ năm 2001, SXKD của các đơn vị dần hồi phục và đến năm 2003 ngành Than bước vào thời kỳ phát triển mới.
Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Tập đoàn của những người thợ mỏ giàu truyền thống lại rơi vào tình trạng khó khăn. Khó khăn lần này kéo dài và toàn diện hơn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và Việt Nam. Song hơn lúc nào hết, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” được phát huy cao độ để vượt khó. Nếu như cách đây 15 năm về trước, Tổng Công ty Than chỉ mới có mấy vạn thợ mỏ là chủ yếu thì nay TKV đã là một Tập đoàn kinh tế lớn và mạnh của cả nước. Tất nhiên số đông vẫn là thợ mỏ ở Quảng Ninh. Quy mô lớn lên, tiềm lực tài chính mạnh hơn, đặc biệt kinh nghiệm và bản lĩnh xử lý tình huống khó khăn thách thức đã trưởng thành lên nhiều. Chính vì vậy dù suy thoái kinh tế kéo dài đã năm, sáu năm nay; tốc độ tăng trưởng của một số đơn vị có dấu hiệu chậm, chững lại, nhưng 100% người lao động vẫn được đảm bảo việc làm và thu nhập.
Điều đáng mừng hơn nữa là trong thời gian này, thực hiện Quyết định 314/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, Tập đoàn và các đơn vị đã và đang tích cực triển khai tái cơ cấu, cổ phần hoá theo đúng lộ trình; không ít đơn vị sản xuất than lớn thay đổi tổ chức, song trong toàn Tập đoàn, tuyệt đối không xảy ra xáo trộn lớn mà tiếp tục ổn định và có bước phát triển mới. Việc làm, đời sống mọi mặt của thợ mỏ về cơ bản bảo đảm và được quan tâm nhiều hơn, tốt hơn.
Có thể nói, TKV ra đời 20 năm nay thì có tới một nửa thời gian vật lộn với khủng hoảng to nhỏ. SXKD nhiều lúc đình đốn trước thách thức nặng nề, thu nhập đời sống của người lao động, của công nhân mỏ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Khách quan vẫn phải thêm một lần thừa nhận thợ mỏ còn nhiều vất vả và cả thiệt thòi, nhất là thợ lò. Nhưng vượt lên tất cả, đáng quý hơn tất cả là đời sống thợ mỏ đã có bước tăng trưởng vượt bậc.
Mười năm, hai mươi năm trước, chỉ một số ít đơn vị lớn có truyền thống lâu năm của ngành Than mới có nhà ở, nhà ăn tập thể, xe đưa đón công nhân đi làm, nhà tắm cho thợ lò và sân vận động với mấy sân cầu lông ngoài trời. Mỗi người, thậm chí mỗi gia đình người thợ ao ước có một chiếc xe máy và đủ ăn, đủ mặc là hạnh phúc lắm rồi, chứ nghĩ gì đến nhiều thứ khác. Thế rồi mong được ước thấy. Cùng với quá trình đầu tư phát triển SXKD, nhiệm vụ chăm lo đời sống cho công nhân cũng luôn được Tập đoàn đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Đầu tiên là về thu nhập của thợ mỏ. Còn nhớ 20 năm trước khi tôi viết bài “Người thợ lò có thu nhập gần 5 chỉ vàng mỗi tháng” , rất nhiều nơi về tìm hiểu làm sao mà lương cao thế. Tỉnh đoàn Quảng Ninh do đồng chí Đặng Huy Hậu, Bí thư Tỉnh đoàn (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) dẫn một đoàn về tìm hiểu để tham khảo nhân rộng mô hình “Thanh niên công nhân lao động giỏi, thu nhập cao” của Than Vàng Danh. Giờ thì kỷ lục 5 chỉ của 20 năm trước đã lạc hậu lắm rồi. Hiện nay có cả trăm người đạt mức thu nhập gần 8 chỉ vàng/tháng.
Khu tập thể khang trang của thợ lò Nam Mẫu
Từ những thành quả trong lao động sản xuất, hầu hết các đơn vị đều đầu tư xây nhà tập thể cao tầng, hiện đại cho công nhân. Nhiều dãy tập thể từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước dần được thay thế bởi những khu tập thể mới khang trang, đồng bộ với hệ thống các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho thợ mỏ khép kín. Đơn vị hầm lò nào cũng tổ chức đưa đón công nhân đi làm và về bằng xe chất lượng cao có máy điều hòa. Thợ lò sau ca làm việc đều được tắm nước nóng, có người giặt sấy quần áo, ủng đi lò; được ăn cơm tự chọn ngon miệng như ăn cỗ… Chẳng phải thợ lò bây giờ đang được ăn ngon, mặc đẹp đó sao! Nhiều công nhân mới xây dựng gia đình còn khó khăn về nhà ở được tạo điều kiện cho ở nhà tập thể. Và rồi, cùng với thời gian, những làng mỏ ra đời thân tình ấm áp với cả mấy thế hệ thợ mỏ. Nhiều thân nhân của thợ mỏ ở các làng quê khi ra thăm người nhà đều thừa nhận: Đời sống thợ mỏ khá giả, vui tươi quá. Không ít vợ công nhân mỏ ra thăm chồng đã thốt lên: Chả trách anh ấy ít về quê là phải!
Làm tốt, ăn ngon, ngủ khỏe, thợ mỏ cũng được “chơi sang”. Đến nay, rất dễ gặp các nhà luyện tập và thi đấu thể thao – nhà sinh hoạt mỏ hiện đại của các công ty. Không những là trung tâm luyện tập hoặc giao lưu thi đấu theo khu vực và của cả ngành, nhiều nhà thể thao – sinh hoạt mỏ của các đơn vị còn được các cấp các ngành ở địa phương chọn để tổ chức các cuộc thi tài trên địa bàn. Có thể điểm một số công trình điển hình như: Mô hình khu vui chơi giải trí của Than Mạo Khê, Tuyển than Cửa Ông… Than Vàng Danh đi vào lòng người với “5 điều quy ước nếp sống văn hóa”, cùng mô hình Cụm VHTT trong CNVCLĐ theo địa bàn dân cư và hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ phục vụ cho cả chục cơ sở trong khu vực. Than Núi Béo có khu liên hợp VHTT giữa thành phố Hạ Long cả vạn người đều thấy. Than Cao Sơn gắn liền với khu văn hóa tâm linh – Công viên Lưu Thủy nức lòng chúng bạn gần xa. Than Hòn Gai có khu dịch vụ xanh, sạch, đẹp và khang trang nhìn mát mắt trên đường phố mới mang tên ngày giải phóng khu Mỏ 25/4. Than Mông Dương có nhà ăn tự chọn sức chứa hơn nghìn người cùng khu vui chơi giải trí phục vụ cả CBCNV và gia đình của họ rất tiện lợi. Công ty Hóa chất Mỏ Quảng Ninh cũng có khu sinh hoạt VHTT không thua kém các đơn vị lớn…
Đời sống văn hoá tinh thần của thợ mỏ bây giờ, quả thực, vô cùng phong phú. Các hoạt động văn hóa từ thể thao đến văn nghệ có tiến bộ vượt bậc cả chiều rộng phong trào đến chiều sâu chất lượng. Hội diễn văn nghệ ngành Than chục năm qua đã trở thành sự đua tài của các đơn vị với tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Nhiều đội văn nghệ của các công ty than luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ biểu diễn chào mừng các sự kiện chính trị của Ngành và của các địa phương khi có yêu cầu. Không ít đoàn VĐV các cơ sở ngành Than tham gia đua tài tại giải thể thao của tỉnh luôn giành thứ hạng cao. Một chấm phá mới trong đời sống văn hóa tinh thần thợ mỏ mấy năm qua là các CLB Thơ của nhiều doanh nghiệp hình thành và phát triển. Nhiều nhà thơ – thợ mỏ đã cho ra mắt những tập thơ rất được bạn đọc yêu thích.
Vẫn ưu tiên hàng đầu
Phải khẳng định, về tổng thể đời sống của thợ mỏ, của CNVCLĐ ngành Than đã vươn lên một tầm cao mới sau 20 năm qua. Điều đó, thể hiện sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ. Dù rằng, chưa có tài liệu chính thức nào công bố 20 năm qua các đơn vị và cả Tập đoàn đã đầu tư bao nhiêu tiền để làm thay đổi, để có mới cả một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, khang trang hiện đại phục vụ người thợ mỏ như hôm nay. Nhưng nhìn cơ ngơi đồ sộ và cách sống của thợ mỏ tại Quảng Ninh từ Mạo Khê đến Khe Chàm thì phải khẳng định đó là “tiền tấn”, là cả nghìn tỷ. Quan trọng hơn là phải có Tâm và Tầm của các cấp lãnh đạo mới làm được điều ấy.
Đáp lại sự chăm lo của tập thể, của lãnh đạo, thợ mỏ thấy gắn bó và có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp. Thợ mỏ đã và đang “Xây dựng ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Thời gian tới, ngành Than – Khoáng sản còn lớn mạnh theo sự phát triển của đất nước. Trong chiến lược phát triển ấy, xu hướng “hầm lò hóa” và “giếng hóa” sẽ là chủ đạo. Để đáp ứng được yêu cầu này, đối tượng lao động đầu tiên và chủ chốt là đội ngũ thợ lò. Vì vậy, các cấp lãnh đạo Tập đoàn cũng như mỗi đơn vị cơ sở của ngành Than – Khoáng sản sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư và triển khai những biện pháp đồng bộ, hiệu quả hơn để thu hút và giữ chân thợ lò nói riêng, thợ mỏ nói chung, đảm bảo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ trọng trách là một trong ba trụ cột an ninh năng lượng Quốc gia mà Chính phủ đã tin tưởng giao cho Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/doi-song-tho-mo-hom-nay-9179.htm” button=”Theo vinacomin”]