Ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày tôn vinh những đóng góp to lớn của cộng đồng Doanh nhân Niệt Nam với sự phát triển ngày một vững mạnh của nền kinh tế – xã hội đất nước.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, doanh nhân Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần mang lại sức sống cho nền kinh tế Việt Nam, tạo công ăn việc làm, phát triển cộng đồng và xây dựng nền kinh tế đất nước. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, khi các doanh nghiệp đang phải đương đầu với nhiều thách thức, thì bản lĩnh của doanh nhân càng cần được khẳng định và ghi nhận. Chính trong thời điểm nền kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nhân không chỉ chèo lái để giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn tìm cơ hội để đưa doanh nghiệp đột phá và tạo ra được những lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Những năm gần đây, nhiều tên tuổi của doanh nhân Việt Nam được nhắc đến trong các bảng xếp hạng của các tổ chức uy tín trên toàn cầu. Tháng 9/ 2011, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trở thành người Việt Nam đầu tiên vừa được nhật báo tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Journal (WSJ) bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á năm 2011. Tháng 3/2012, Tạp chí Forbes của Anh đã bình chọn bà Mai Kiều Liên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Sữa VN (Vinamilk) là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất ở châu Á. Trước đó, tháng 2/2011, tại Thụy Điển, anh Nguyễn Quang, một thanh niên trẻ người Việt, chủ sở hữu Công ty Saigon Food AB tại Thụy Điển cũng đã được cộng đồng doanh nhân Thụy Điển tôn vinh khi đoạt được Giải thưởng Ernst & Young Entrepreneur of The Year tại Thụy Điển – một giải thưởng danh giá toàn cầu. Rõ ràng, những tên tuổi doanh nhân Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng kinh doanh quốc tế đang khuyến khích và cổ vũ doanh nhân Việt Nam vươn tới những chuẩn mực của doanh nhân toàn cầu và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên toàn thế giới.
Còn rất nhiều, rất nhiều những doanh nhân tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, từ đô thị đến những địa bàn miền núi xa xôi. Họ là những người có tầm nhìn và những định hướng chiến lược, tư duy đổi mới và tiên phong để sáng tạo và linh hoạt trong quản lý và tạo ra một môi trường phát triển cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đón đầu những xu thế mới để lãnh đạo doanh nghiệp thành công. Họ đại diện cho tinh thần doanh nhân với bản lĩnh sẵn sàng chấp nhận rủi ro và khả năng vượt qua những biến động của thị trường, đồng thời họ có cái “Tâm” của người làm nghiệp kinh doanh, tôn trọng uy tín và sự liêm chính để phát huy khả năng ảnh hưởng không chỉ đối với nội bộ doanh nghiệp, nền kinh tế trong nước mà còn đối với bạn bè quốc tế và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng nói chung.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:“Chúng ta đang trải qua một năm đầy khó khăn thách thức với nền kinh tế và với cộng đồng doanh nghiệp, lạm phát tiếp diễn, lãi suất vẫn còn cao, khát vốn, tồn đọng hàng hóa và sự khủng hoảng của ngành bất động sản, nhưng một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư phát triển. Nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố vị thế của doanh nghiệp để biến thách thức thành cơ hội, doanh nhân Việt Nam đang vươn tới những chuẩn mực quốc tế trong quản lý và điều hành doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những ưu tiên và trọng tâm trong công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp của Việt Nam”.
Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ bó hẹp trong thị trường nội địa mà đã hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khát vọng vươn xa hơn, luôn là mục tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp không ngại thách thức, không ngại thay đổi để khẳng định bản lĩnh của mình trong sân chơi toàn cầu. Trước xu thế vận động và phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế và xã hội đòi hỏi mỗi một doanh nhân phải cố gắng không ngừng nếu không sẽ bị chậm hoặc xa hơn là bị loại bỏ. Phải biết chấp nhận thách thức và thấy được thách thức từ thực tế là bài học tốt để doanh nghiệp nhìn lại mình, biết mình cần chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh gay gắt trong thời kỳ toàn cầu hoá.
Xin được trích đăng một đoạn nội dung trong “Doanh Nhân và lời khuyên của Cha” mà rất nhiều doanh nhân thế giới vẫn chiêm nghiệm như là một món quà chúc mừng các doanh nhân Việt Nam nhân ngày hội của mình, chúc cho những ước mơ xây dựng doanh nghiệp thành công và hoài bão tạo dựng được một cộng đồng kinh doanh Việt Nam lớn mạnh, mang tầm thế giới sớm trở thành hiện thực.
” Mỗi ngày một lần con hãy dành lời khen tặng vài người.
Mỗi năm con hãy chờ xem mặt trời mọc.
Nhìn thẳng vào mặt mọi người nói lời “cảm ơn” càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng hay. Đối xử với mọi người như con được đối xử như thế, kết thân với những người bạn mới nhưng trân trọng những người bạn cũ.
Hãy giữ những điều bí mật, hãy biết can đảm đừng bao giờ lừa gạt ai, đừng tự dối lòng mình. Hãy học cách lắng nghe. Đừng làm ai mất hy vọng. Đừng hành động khi con đang giận dữ, phải giữ tư thế đàng hoàng. Muốn đến một nơi nào đó thì phải luôn có mục đích và tự tin rồi hãy đi.
Hãy sẵn sàng thua một trận đánh để thắng một trận chiến. Đừng bao giờ ngồi lê đôi mách, cẩn thận với những kẻ nào mà họ không còn gì để mất. Khi gặp một hành động khó khăn, con hãy thực hiện như không thể thất bại. Hãy học cách trả lời “không” một cách dứt khoát.
Đừng mong cuộc đời đối xử sòng phẳng với con. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự tha thứ. Hãy mạnh dạn trong cuộc sống. Hãy tiếc những điều chưa làm được chứ đừng tiếc những điều đã làm xong. Đừng tập thói quen trì hoãn công việc, hãy làm ngay những điều gì cần làm đúng lúc phải làm…”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/doanh-nhan-viet-nam-va-khat-vong-vuon-ra-bien-lon-3043.htm” button=”Theo vinacomin”]