Tại Hội thao Cấp cứu mỏ do Trung tâm Cấp cứu mỏ tổ chức vừa qua, trong không khí khẩn trương chuẩn bị bài thi của các đội, tôi thấy chị chăm chú đến từng động tác nhỏ của mỗi chiến sỹ. Tôi có cảm giác những bước chân vội vã của mỗi người lính cứu hộ như tiếng trái tim chị đập rộn ràng trong hồi hộp. Chị không phải là giám khảo, cũng không lãnh đạo tổ chức Hội thao, lại càng không phải là người tham gia. Chị chỉ là người cầm tấm biển của đội đứng trong lễ khai mạc Hội thao. Vậy nhưng chị biết, nh
Ca 3 định mệnh vào một ngày mùa đông năm 2008, tại lò giếng Công ty than Khe Chàm, do hàm lượng khí mê tan thoát ra trong khai thác quá lớn dẫn tới nổ khí. Tổng số có 31 người đang làm việc trong lò. Chỉ 15 phút sau khi xảy ra sự cố, các chiến sỹ thuộc Trạm cấp cứu mỏ Cẩm Phả (Trung tâm cấp cứu mỏ) đã có mặt trong lò để đưa những công nhân ra ngoài. Từng người, từng người một, đến con số 21 người được đưa lên mặt đất đi cấp cứu thoát khỏi tử thần. Tuy nhiên, do vụ nổ quá lớn, trong số 31 người, đã có 10 người không thể qua khỏi. Càng tiến sâu vào tâm điểm vụ nổ, nhiệt độ càng cao, hàm lượng khí độc CO càng lớn khiến cho công tác cứu hộ càng khó khăn. Các chiến sỹ của cả Trung tâm, gồm các Trạm cấp cứu mỏ Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả thay nhau từng phút tiến vào sâu hơn để cứu đồng đội. Mệt nhọc do làm việc liên tục trong các đường lò bị đổ, không kịp uống nước hay ăn một mẩu bánh mỳ. Mệt nhọc do bị ngấm độc. Nhiều chiến sỹ lả đi không chịu được, trong đó có ông Phạm Văn Huyên, Giám đốc Trung tâm. Các chiến sỹ túc trực ngay tại cửa lò, thay nhau vào lò cứu hộ.
Vừa được đưa ra lò, nhưng thấy anh em chiến sỹ ai cũng mệt mỏi, Thản lại xung phong vào lò. Trước đó, tại các vụ cứu hộ khác cũng vậy, Thản luôn gắng sức xung phong vào những vị trí khó khăn nhất để cứu đồng đội. Người ta vẫn còn nhớ câu nói: “Tôi xin xung phong” trong vụ cứu hộ tai nạn bục nước hầm lò tại mỏ than Tây Khe Sim vào mùa mưa cũng trong năm 2008, chỉ cách đó vài tháng. Người thanh niên trẻ tuổi này đã quần quật làm việc suốt gần tuần lễ để cứu hộ nạn nhân Nguyễn Mạnh Hưng bị mắc kẹt trong lò. Hay trong vụ tai nạn bục nước hầm lò tại Công ty Than Mông Dương năm 2006. Có lần do quá mệt mỏi, Thản đã lả đi trong vòng tay đồng đội. Và lần này Thản đã ra đi mãi mãi khi đã kịp đưa được nhiều người đến nơi an toàn. Liệt sỹ Trần Văn Thản được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.
Trần Văn Thản sinh năm 1978 tại Tứ Kỳ (Hải Dương), là con trưởng của một gia đình nông dân nghèo có năm người con. Bố anh là bộ đội xa nhà triền miên nên người mẹ tảo tần nuôi mấy anh em Thản ăn học. Cuộc sống khó khăn, lam lũ nên ước mơ nung nấu trong anh là làm sao bớt gánh nặng khó khăn trên đôi vai gầy của mẹ và giúp các em học hành nên người. Năm 1995 sau khi tốt nghiệp PTTH, anh đăng ký học lớp khai thác mỏ tại Cẩm Phả và trở thành thợ lò của Công ty Than Khe Chàm. Trần Văn Thản có tình yêu lớn với đất mỏ và nghề thợ mỏ. Có lẽ tình yêu đó đã truyền vào những người ruột thịt của anh. Tới nay, nhiều người thân, anh em của Thản đều theo nghề mỏ. Nhà Thản có 5 anh em và có tới 3 đảng viên trẻ và đều được kết nạp tại đất Mỏ.
… Điều ước
Trong cái tất bật của Hội thao, tôi chỉ kịp trao đổi ngắn với Đinh Thị Hồng Biên. “Con em vào lớp 1 rồi. Em khỏe. Lâu lắm mới gặp anh…” Biên nói và mắt vẫn nhìn theo những động tác đeo máy thở của các chiến sỹ trong đội mình đang thi tại Hội thao. Tôi ậm ừ nói nhỏ: “Vậy mà đã 5 năm trôi qua”.
Do chưa có việc làm, ngay sau khi chồng chị, chiến sỹ Trần Văn Thản hy sinh, lãnh đạo Trung tâm cấp cứu mỏ đã tạo điều kiện đưa Biên vào làm việc tại Trạm cấp cứu mỏ Cẩm Phả để ổn định tinh thần và đảm bảo thu nhập cho chị nuôi con nhỏ. Lúc đó, cháu Trần Xuân Thi chưa đầy 20 tháng tuổi. Chúng tôi đến thắp cho Thản nén nhang, nhìn cháu nhỏ còn quá ngây thơ mà lòng nghẹn lại. Biên tâm sự: được lãnh đạo Trung tâm cấp cứu mỏ quan tâm, em có việc làm ổn định nên cũng có điều kiện chăm sóc cho cháu. Công việc của em là trực tổng đài tại Trạm. Nhà chỉ có hai mẹ con nên cũng thấy buồn và trống vắng lắm. Nhưng bù lại, xung quanh có nhà của chú thím và gia đình các em của anh Thản, mọi người hay qua lại giúp đỡ và động viên nên làm ngôi nhà bớt cô quạnh đi nhiều. Ở cơ quan cũng vậy, ai cũng quan tâm nên phần nào cũng giúp Biên sớm nguôi ngoai và ổn định cuộc sống.
Sự chia sẻ, cảm thông của những người đồng đội cùng làm việc với Thản tại Trạm cấp cứu mỏ Cẩm Phả, sự quan tâm, giúp đỡ từ ban lãnh đạo Trung tâm đã giúp chị có lại động lực đứng vững và vươn lên. Có lẽ hình ảnh của các chiến sỹ cấp cứu mỏ luyện tập hàng ngày làm Biên luôn nhớ về người chồng thân yêu của mình. Từ đó chị thêm yêu nghề và luôn ước một điều, mong sao không còn những sự cố, tai nạn đáng tiếc đến với những người thợ mỏ!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dieu-uoc-cua-vo-liet-sy-than-3707.htm” button=”Theo vinacomin”]