Vừa qua, Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc (TCT) tổ chức lễ đón mừng tấn xi măng mang thương hiệu Vinacomin thứ 2 triệu do TCT sản xuất và tiêu thụ trong năm 2012. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Sáu- nhà phân phối xi măng Vinacomin tại Bắc Giang là khách hàng tiêu thụ tấn xi măng mang tính lịch sử này. Người viết bài này được chứng kiến việc sản xuất xi măng của Công ty than III (nay là TCT) từ những ngày đầu tiên, cách đây 20 năm (1993). Khi ấy, nhiều người không tin Công ty than I
Được biết, người đầu tiên đưa ra ý tưởng sử dụng đá thải moong than Khánh Hòa để sản xuất xi măng là cụ Nguyễn Văn Xuyến (đã mất), từ khi cụ làm Giám đốc Mỏ than Khánh Hòa (cụ Xuyến là bố anh Nguyễn Văn Dũng, hiện là Giám đốc Nhà máy Xi măng La Hiên).
Tại mỏ than Khánh Hòa, nghề sản xuất vôi với nguyên liệu chính là đá thải lấy ở moong đã có từ lâu. Cụ Xuyến thấy rằng, đá thải ở đây có thể sản xuất được xi măng và cụ nẩy ra ý tưởng xây dựng một dây chuyền sản xuất xi măng, vừa tận dụng đá thải, vừa có thêm việc làm cho công nhân. Nhưng “lực bất tòng tâm”. Khi đó, Mỏ than Khánh Hòa “bung ra” nhiều nghề, nào sản xuất vôi, gạch, đá xẻ, mành cọ v.v. nhưng chẳng nghề nào duy trì được lâu, đời sống công nhân rất khó khăn; thậm chí có năm Mỏ trả lương cho công nhân bằng…than! Vậy mà Mỏ lại muốn “đẻ’ thêm một dây chuyền sản xuất xi măng. Chuyện to quá! Muốn ra đời một dây chuyền sản xuất xi măng phải qua biết bao nhiêu là thủ tục…
Nắm bắt được ý tưởng của cụ Xuyến, khi làm Phó Giám đốc Công ty than III, ông Đoàn Văn Kiển đề xuất với Giám đốc Công ty lên Khánh Hòa nghiên cứu tính chất cơ lý của đá thải và sau đó, khi làm Giám đốc Công ty này, ông quyết định cho xây dựng Nhà máy Xi măng La Hiên bằng công nghệ lò đứng, công suất 44 nghìn tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Quế là người chỉ đạo thực hiện Dự án. Dự án nhỏ bé như vậy nhưng Phó Thủ tướng Trần Đức Lương ký phê duyệt.
Dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng La Hiên được khánh thành vào năm 1994. Cuối năm 1995, dây chuyền II cũng được hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định. Nhưng nguồn đá cung cấp cho Nhà máy Xi măng La Hiên lấy từ Mỏ đá La Hiên (gần Nhà máy); nguồn đá thải Mỏ than Khánh Hòa khi đó chưa được sử dụng vào sản xuất xi măng. Mơ ước của cụ Xuyến vẫn còn bỏ ngỏ.
“Lò mẻ” của ông Hải
Như đã nêu trên, nghề sản xuất vôi ở Khánh Hòa phát triển từ lâu. Tại đây đã có lò vôi công suất 10 ngàn tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Quế, cựu Giám đốc Công ty than Nội địa từng làm Quản đốc PX sản xuất vôi ở Than Khánh Hòa, quản lý hàng trăm công nhân.
Thế nhưng đến thời ông Nguyễn Văn Hải làm Giám đốc Mỏ (ông Nguyễn văn Hải hiện là Thành viên HĐTV Vinacomin) thì nhu cầu sử dụng vôi trên địa bàn sụt giảm vì hầu hết các công trình xây dựng sử dụng xi măng thay vôi. Công nhân sản xuất vôi thiếu việc làm. Trước tình hình đó, ông Hải cho xây “lò mẻ”, sử dụng đá thải ở moong sản xuất clinke (nguyên liệu chính để sản xuất xi măng) cung cấp cho Nhà máy Xi măng La Hiên, tạo việc làm cho số công nhân sản xuất đang thiếu việc.
Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất ở Nhà máy Xi măng Quán Triều
Khẳng định hiệu quả của chiến lược “Sản xuất kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than” mang tính đặc thù
Từ một dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng công suất thấp, công nghệ lạc hậu, đến nay, Tổng Công ty có 3 nhà máy xi măng, công suất lớn, công nghệ hiện đại. Đó là Nhà máy xi măng La Hiên (Thái Nguyên), công suất 850.000 tấn/năm; Nhà máy xi măng Tân Quang (Tuyên Quang) công suất 910.000 tấn /năm và Nhà máy Xi măng Quán Triều (Thái Nguyên), công suất 710.000 tấn/năm. Mỗi năm, 3 nhà máy này có thể đáp ứng nhu cầu xi măng cho nền kinh tế quốc dân trên 2,5 triệu tấn. Đặc biệt, từ ý tưởng của cụ Xuyến, từ 2 “lò mẻ” của ông Hải, đến nay, Nhà máy Xi măng Quán Triều sử dụng nguồn đá thải trong quá trình khai thác than của Mỏ than Khánh Hòa, góp phần làm giảm thiểu diện tích đổ thải đá, giảm giá thành sản phẩm và mang lại nhiều lợi ích khác.Tại lễ đón tấn xi măng thứ 2 triệu, ông Đặng Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn phát biểu, nhấn mạnh, việc sử dụng đá thải ở moong than Khánh Hòa có thể coi là sáng kiến khoa học, cần được tổng kết, đánh giá và tôn vinh.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhà nước mở rộng sản xuất kinh doanh tràn lan, thiếu chọn lọc, hiệu quả thấp. Vinacomin nói chung và TCT Công nghiệp mỏ Việt Bắc nói riêng là doanh nghiệp mang nhiều nét đặc thù, hoạt động trên địa bàn rộng lớn, giàu tiềm năng để phát triển các ngành ngoài than và khoáng sản như điện, cơ khí mỏ, vật liệu xây dựng, hóa chất mỏ… nên chủ trương kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than có chọn lọc là hướng đi đúng của Tập đoàn. Kết quả SXKD xi măng nêu trên của TCT CN mỏ Việt Bắc chỉ là một trong những ví dụ để khẳng định điều đó!
Tiếp thị kiểu ông Quế và hơn thế
Trước đây, khi sản phẩm Nhà máy Xi măng mới ra lò, ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Nhà máy có kiểu tiếp thị “không giống ai”: Cho và “ấn”. Những đơn vị như trường học, trạm xá vùng cao, ông cho (tặng) xi măng để xây dựng công trình; những đơn vị, cá nhân chỗ thân quen, ông “ấn” xi măng vào, cứ giúp nhau, dùng xi măng La Hiên để biết chất lượng, tiền nong tính sau. Tôi đã chụp được bức ảnh ông Quế cùng bà Phương Thảo (khi ấy là Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Thái) lặc lè khênh bao xi măng tặng một trường học ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.
Cách tiếp thị của ông Quế được lãnh đạo các thế hệ sau kế thừa, phát huy và đã nâng lên thành Chiến lược xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm. Theo đó, Tổng Công ty hợp nhất ba thương hiệu xi măng và lấy thương hiệu chung là xi măng VINACOMIN; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thương hiệu; chăm lo công tác phát triển thị trường v.v. Được biết, Tổng Công ty sẽ nghiên cứu phương án thành lập một công ty con để tiêu thụ tất cả các sản phẩm xi măng của các công ty xi măng, tạo điều kiện cho các công ty xi măng tập trung vào sản xuất nhằm nâng cao được chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dieu-phi-thuong-o-cong-nghiep-mo-viet-bac-4153.htm” button=”Theo vinacomin”]