Vấn đề này không mới trên các báo Trung ương và địa phương, nhưng chuyện Nhân văn sắp kể có thể là mới, ít người biết. Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10), Nhân văn xin kể để bạn đọc biết thêm điều phi thường của chị em ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
Các ông giám đốc mỏ lý giải, đa số những người làm trong ngành ăn của các đơn vị đều là người nhà của thợ mỏ. Họ được công ty tuyển dụng vào làm việc theo tiêu chuẩn ưu tiên hàng đầu là vợ, con, em công nhân. Có thể trước mắt, họ chưa có trình độ nghiệp vụ nấu ăn, nhưng họ có tình yêu với chồng, với cha anh mình và bạn bè đồng đội của họ. Phải bằng tình yêu ấy, họ mới cảm thông chia sẻ với nỗi vất vả của thợ mỏ và hết lòng phục vụ.
Thực tế là, qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn; các cuộc thi nấu ăn do Công đoàn tổ chức, nhiều chị, quen “chém to kho mặn”, đã trở thành những thợ nấu ăn giỏi. Đến nay, vào các nhà ăn trong Tập đoàn, ta sẽ thấy chất lượng phục vụ không hề kém các nhà hàng, khách sạn; nhiều nhà ăn các đơn vị không những phục vụ mỗi ngày hàng nghìn suất ăn cho thợ mỏ mà còn phục vụ đám cưới, hội nghị v.v.
Có lần, mấy nhà văn, nhà báo thâm nhập thực tế ở Công ty than Mông Dương về, gặp Nhân văn cứ tấm tắc khen, Nhà ăn của Công ty ăn tự chọn, có đến mấy chục món, món nào cũng nóng sốt, ngon ngon là. Mỗi ngày chị em ở đây phục vụ cả nghìn suất ăn mà mọi hoạt động diễn ra trật tự, văn minh, cứ như trong khách sạn bên Tây vậy…
Nhiều tờ báo cũng đã đăng bài và ảnh giới thiệu về Nhà ăn Công ty than Mông Dương với những lời khen như vậy. Và, chẳng riêng Nhà ăn Mông Dương mà hầu hết các nhà ăn trong Tập đoàn chất lượng phục vụ tuy không bằng Mông Dương nhưng cũng rất tốt. Nhiều đơn vị cũng tổ chức ăn tự chọn cho thợ lò. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết, từ nhiều năm nay, các nhà ăn trong Tập đoàn đã phục vụ hàng chục triệu lượt ăn, nhưng chưa hề để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Trong khi các khu công nghiệp khác, các nhà hàng, các đám cưới, thậm chí trong các gia đình… liên tục xảy ra các vụ ngộ độc do ăn uống, gây hậu quả nghiêm trọng thì sự an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà ăn của Tập đoàn có thể nói là điều phi thường!
Lý giải về điều phi thường này, có người cho rằng, do thực phẩm phục vụ trong các nhà ăn của Tập đoàn được quản kiểm soát tận gốc; do được trang bị phương tiện bảo quản thực phẩm v.v. nhưng theo chúng tôi, trên hết, đó là tình cảm và trách nhiệm của những người phục vụ đối với thợ mỏ, như phần trên Nhân văn đã nêu. Phóng viên Tạp chí Vinacomin đã tận mắt chứng kiến, ở Nhà ăn Công ty than Đồng Vông, các anh, chị đã cẩn trọng nhặt những cọng rau muống già, rửa sạch, muối dưa. Thứ cọng rau già đáng lẽ vứt đi đã thành món dưa chua, thợ lò rất thích. Chúng tôi đã chứng kiến chị em Nhà ăn Xí nghiệp than Hà Ráng tỷ mẩn lau cặp lồng, chuẩn bị cơm, thức ăn cho thợ lò. Mỗi suất ăn kèm theo túi nilon, đầu buộc dây chun, thò ra ống hút. “Các anh ấy làm việc trong lò, mồ hôi ra nhiều, háo nước, gì thì gì cũng phải có tý canh” một chị nói với phóng viên như vậy. Ở than Vàng Danh, khi chuẩn bị khẩu phần cho thợ lò, mỗi suất ăn, các chị còn kèm theo một chiếc tăm. Thậm chí, nhiều chị còn biết cả thói quen của từng người; người này hay ăn ớt, người kia kiêng ăn mặn v.v. để…”chiều”. Những chi tiết nhỏ nhặt ấy, nếu không vì tình cảm với người thợ thì họ dễ bỏ qua.
Cho hay rằng, điều phi thường lại xuất phát từ những việc làm bình thường, nhỏ nhặt hàng ngày. Đó là vì có tình yêu, có sự cảm thông chia sẻ với nỗi vất vả ngày ngày của thợ mỏ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dieu-phi-thuong-3088.htm” button=”Theo vinacomin”]