Với tổng công suất 1.730 MW, sản lượng điện hằng năm hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm, Tổng Công ty Điện lực – TKV (TCT) đã đóng góp nguồn điện năng phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sau 5 năm tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, TCT đã từng bước vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy, góp phần vào sự hình thành và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh của Việt Nam.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Na Dương
Đáp ứng đủ hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực
Để chuẩn bị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, TCT đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị rất chi tiết và xây dựng hoàn chỉnh về hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm: hệ thống mạng thông tin nội bộ thị trường phát điện, hệ thống quản lý lệnh điều độ, hệ thống đọc công tơ đo đếm từ xa, hệ thống chào giá… Điều này góp phần quan trọng vào thành công của các nhà máy điện của TCT trong việc tham gia chính thức thị trường phát điện cạnh tranh.
Về nguồn nhân lực vận hành thị trường, TCT đã tuyển chọn kỹ lưỡng đội ngũ phụ trách công tác chào giá từ những trưởng ca giỏi và có kinh nghiệm của các nhà máy. Lực lượng này được đào tạo, thực hành bài bản, trực tiếp tham gia tìm hiểu, phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, thiết lập các bản chào giá thử nghiệm, chọn những giải pháp hợp lý phù hợp với nhiều tình huống khác nhau có thể xảy ra. Bên cạnh đó, TCT tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức liên quan về thị trường điện đến các phòng, phân xưởng… trong các nhà máy.
Đặc biệt, TCT đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về số liệu thị trường và bộ dữ liệu về chi phí biến đổi, giá nhiên liệu đầu vào… để làm cơ sở xây dựng chiến lược chào giá tối ưu nhằm khai thác hiệu quả các nhà máy trong TCT.
Các nhà máy nhiệt điện trong TCT đã phối hợp, quản lý, vận hành hiệu quả các hệ thống phần mềm phục vụ thị trường điện. Hệ thống thu thập số liệu đo đếm vận hành ổn định, cập nhật đầy đủ thông tin trên trang thông tin của thị trường điện theo quy định của cơ quan chức năng. Điện lực TKV đã hoàn thiện kết nối SCADA/EMS từ các nhà máy với A0 và A3 theo quy định. Toàn bộ hệ thống chào giá và hệ thống hỗ trợ tính toán thanh toán đều được kết nối qua VPN/Internet. Tất cả các thông tin phục vụ thị trường phát điện đều được truyền về phòng điều khiển trung tâm của các nhà máy với đội ngũ kỹ sư vận hành có kỹ năng thành thạo trong công tác chào giá dưới sự chỉ đạo, giám sát của Trưởng ca. Đồng thời, TCT đưa ra nhiều giải pháp trong quản lý, điều hành và đề ra những chiến lược phù hợp triển khai đến các đơn vị với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và đảm bảo việc vận hành an toàn, hiệu quả của các tổ máy sẵn sàng phát điện theo yêu cầu của thị trường.
Kết quả bước đầu & những vướng mắc, đề xuất
Sau 5 năm tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị của TCT đã chủ động nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, tính minh bạch của thị trường cùng dần được hình thành… Dựa trên sản lượng điện phát cam kết theo hợp đồng (Qc), TCT đã lập kế hoạch vận hành phù hợp, từ đó có kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp nhằm duy trì độ khả dụng của các tổ máy ở mức cao nhất đặc biệt là trong các giai đoạn mùa khô. Nhờ đó, các nhà máy thuộc TCT đã đảm bảo công tác vận hành an toàn, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng mất an toàn trong lao động. Mặt khác, các nhà máy nhiệt điện của TCT hằng năm tiêu thụ lượng than có nhiệt trị thấp vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần phát triển ổn định ngành than trong nước.
Trong quá trình tham gia thị trường điện, theo ý kiến của TCT, hiện cơ chế tính giá vẫn chưa phù hợp. Cụ thể, giá điện năng hợp đồng Pc chưa phản ánh hết chi phí thực tế sản xuất của nhà máy bởi chi phí chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng các nhà máy là rất lớn. Tuy nhiên chi phí này chưa được xem xét tính toán vào giá bán điện nên cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các nhà máy.
Thêm vào đó, căn cứ theo Thông tư 41/2010/TT-BCT và 56/2014/TT-BCT giá điện được điều chỉnh theo tỷ giá, trong hợp đồng mua bán điện ký với Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì hai bên cũng đã thống nhất được mức điều chỉnh giá điện theo tỷ giá, nhưng đến nay việc điều chỉnh theo tỷ giá vẫn chưa được áp dụng.
Đặc biệt, giá công suất thị trường (CAN) hiện nay được tính căn cứ trên cơ sở để nhà máy nhiệt điện tốt nhất thu hồi đủ chi phí. Tuy nhiên do một số nhà máy mới đi vào vận hành, chưa có giá điện chính thức nên chi phí CAN chưa phản ánh đúng chi phí phát điện của các nhà máy. Cùng với đó là vấn đề về sản lượng hợp đồng giờ, theo quy định tại TT 51/2015/TT-BCT trường hợp thời gian sự cố của tổ máy của nhà máy điện lớn hơn 72 giờ thì thực hiện điều chỉnh sản lượng hợp đồng giờ bằng sản lượng Qmq của nhà máy điện. Tuy nhiên do các nhà máy của TCT đều sử dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB), phù hợp với than có chất lượng xấu, có nhiệt trị thấp, độ tro cao, nên thời gian từ lúc dừng máy xử lý sự cố đến lúc khởi động hòa lưới trở lại thời gian thường trên 6 ngày… Đây chính là những vướng mắc mà TCT mong muốn Bộ Công Thương sẽ sớm có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dien-luc-tkv-tham-gia-hieu-qua-thi-truong-dien-201709261518497534.htm” button=”Theo vinacomin”]