Từ những hòn than thấm đẫm mồ hôi của người thợ mỏ, anh say sưa tỉa tót, đục đẽo tạo nên những những tác phẩm nghệ thuật. Vốn mưu sinh bằng nghề chế tác than đá và nhờ than đá mà anh đã thành nhà điêu khắc. Anh là Nguyễn Viết Quang, hiện sống ở phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang đang hoàn thiện một bức tượng (Title do BBT đặt lại)
Nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang, sinh năm 1964, tại Nam Định nhưng gắn bó sâu nặng với Vùng mỏ Quảng Ninh. Là nhà điêu khắc đi lên từ mỹ nghệ than đá, khẳng định được thương hiệu của mình, năm 2012, anh đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm chính của Nguyễn Viết Quang: “Chợ phiên” , “Trở về”, “Lên rẫy”, “Vang vọng”, “Nghĩa mẹ” v.v. Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Viết Quang đều làm từ than đá.
Giờ đến nhà anh, tôi hơi bất ngờ vì không còn thấy cảnh ngổn ngang như công xưởng trước kia nữa . Hỏi anh sao, lâu nay, anh bận bịu gì hay sao mà có vẻ như ít đục đẽo thế? Anh bảo vẫn làm đó chứ. Chỉ có điều không làm hàng mỹ nghệ, hàng chợ nữa thôi. Ai đặt công trình lớn thì làm. Cứ bày ra bụi bặm lem nhem cả nhà vợ con lại phàn nàn. Giờ tôi chỉ làm theo ý thích. Làm để cho mình. Thích thì đem đi dự thi, triển lãm cho vui …”.
Cái duyên để nghệ sỹ điêu khắc Nguyễn Viết Quang đến với những giải thưởng cao trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, bắt nguồn từ truyền thống gia đình. Anh còn nhớ ông nội thường làm những phiến than đá vuông vức, mỗi chiều 30.30 cm rồi đánh bóng, đóng kiện gửi đến nước Pháp. Còn bố anh, tên Nguyễn Viết Vĩnh là xưởng trưởng xưởng mỹ nghệ của Công ty mỹ nghệ Quảng Ninh, trước kia ở Cọc 2, phường Hồng Hải thành phố Hạ Long. Ngày đó, theo chân bố, Viết Quang mê mẩn với những sản phẩm than đã là hàng thủ công mỹ nghệ. Bàn tay tài hoa của các người ở đây làm ra không ít đâu, hàng nghìn sản phẩm mỹ nghệ. Viết Quang thấy những “con giống” làm từ than đá trông thật sinh động. Từ truyền thống gia đình, sản phẩm mỹ nghệ chất liệu từ than đá và làm hàng thủ công của Viết Quang “bán được’ khi anh mới 12 tuổi.
Năm 1982, anh vào làm công nhân tại Công ty Mỹ nghệ – Mỹ thuật của tỉnh Quảng Ninh. Từ nguyên liệu “phôi than đá” quen làm hàng thủ công mỹ nghệ, anh đã thay đổi mang đến những giá trị nghệ thuật là sự “thoát thai” vươn lên tự khẳng định mình.
Cơ duyên dẫn đến bước chuyển quan trọng đó là trong thời gian làm nghề, Nguyễn Viết Quang có gặp một người bạn của cha mình là nhà điêu khắc Lý Xuân Trường, một người làm nghề có kinh nghiệm, ông có rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao trong giới mỹ thuật của tỉnh và trung ương. Họa sĩ Vũ Quý, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ninh, nhận định: “Với bản tính ham học hỏi Nguyễn Viết Quang đã tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến chân thành của các bậc tiền bối, nên nhiều tác phẩm của anh trong thời gian này đã có sự thay đổi”.
Vì thế anh phải nắm chắc để thổi hồn vào sản phẩm trong từng nét chạm khắc. Chất liệu than đá ở các vỉa Đèo Nai, Cọc Sáu có 3 loại: Bóng, vảy ốc, sao (dầu màu); phải nắm chắc đặc tính từng loại để có sản phẩm mỹ thuật ưng ý. Viết Quang đã có nhiều tượng tròn mỹ thuật đạt giải thưởng cao như: “Xuống chợ”; “Lên rẫy”; “Trỉa lỗ gieo hạt”; “Trở về” v.v. Mảng đề tài dân tộc có sức hút đặc biệt với anh. Có thời kỳ Viết Quang ở cả tháng trên vùng núi đá Hà Giang để tìm đề tài sáng tác. Khi có đề tài rồi anh lại lựa chọn than đá làm chất liệu thể hiện riêng cho mình. Như bức “Gieo hạt” chất liệu than đá thể hiện một cô gái dân tộc đang vung tay gieo những hạt ngô được để trong chiếc gùi khoác bên mình. Đây là tác phẩm được sáng tác sau chuyến đi đến vùng núi cao Đại Thành (huyện Tiên Yên). Tác phẩm này đã lọt vào triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc năm 2013. Năm 2017, anh được trao giải nhất Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long lần thứ VIII.
Năm 2008, họa sĩ Nguyễn Viết Quang cùng họa sĩ Hoàng Minh Giám tổ chức triển lãm mỹ thuật chung tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Tại cuộc triển lãm này riêng họa sĩ Nguyễn Viết Quang có 35 tác phẩm tượng, đều là những tác phẩm được sáng tác mới trong thời gian đó. Triển lãm đã tạo tiếng vang trong dư luận, được anh em mỹ thuật đánh giá cao là có sự tìm tòi mới. Đặc biệt các tác phẩm trưng bày tại đây có 2 bức được giới thiệu tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc là: “Trở về” và “Chợ phiên”. Tượng của Nguyễn Viết Quang có chất ảo hóa chứ không hề lệ thực. Anh cho biết: “Trước kia làm đồ mỹ nghệ để bán thì phải tả thật hẳn. Ảo quá thì mấy ai hiểu, bán cho ai được. Còn chuyển sang làm nghệ thuật mà lại lệ thực thì làm gì có dấu ấn cá nhân, dấu ấn sáng tạo nữa. Tôi phải ảo hóa đi chứ, phải đi vào đục đẽo thế nào cho vừa giống hiện thực lại không phải là sự thực. Nghĩa là nửa thực nửa ảo. Giờ tôi đi đắp tranh tường bằng đá cũng không thể thật nổi. Đá phải lựa chọn, phải cắt ra không thể hoàn toàn theo ý mình được; nghĩa là vẫn có chỗ … trên cả sự thực”.
Mặc dù không được học cơ bản tại các trường mỹ thuật, nhưng sự ham mê đối với nghệ thuật làm Nguyễn Viết Quang không chùn bước. Quang mầy mò với các tài liệu mà bạn bè cung cấp thường xyên tiếp cận với các nghệ nhân của nghề, các giáo sư về nghệ thuật mỗi khi họ về công tác tại địa phương cùng các đồng nghiệp đã giúp cho Quang rất nhiều trong nghề. Viết Quang yêu nghề gắn bó với nghề gắn bó với hòn than dù khó khăn đến mấy. Anh tâm sự: “Thú thực với anh giờ làm tượng than mỹ nghệ khó sống được bằng nghề lắm. Cứ rời đục ra là lại hết tiền ngay ấy mà. Với lại điêu khắc than đá chỉ được cái là tạo ra chất liệu đặc trưng cho Quảng Ninh nhưng có cái khó của nó. Anh sẽ khó mà chọn được khối than lớn. Nếu làm lớn thì buộc anh ta phải chắp ghép, chồng thớt lên. Nhưng làm tượng lớn lại cực kỳ khó bán. Thêm nữa, than đá có cái vỉa rất khó làm nếu so với đá Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng chẳng hạn. Vỉa đá đó thuần hơn, tự tách vỉa ra ngay nên dễ làm, dễ gia công hàng loạt. Trong khi than đá có vỉa không đồng nhất, hoàn thiện tác phẩm rồi đôi khi vẫn bị rạn nứt. Có khi đánh bóng rồi vẫn cứ lộ vỉa ra. Nếu làm hàng loạt thì sẽ không bao giờ đều nhau giữa các sản phẩm dù cho có cùng một người làm. Nói tóm lại là tiếc lắm, nhớ nghề lắm nhưng chỉ thỉnh thoảng làm chơi còn lại thì ngồi không để… vợ nuôi. Cứ chờ đến mấy tháng cuối năm mới đến mùa làm ăn của mình…”.
Lấy mỹ nghệ để nuôi nghệ thuật, Nguyễn Viết Quang đi đắp hòn non bộ, làm tranh tường bằng đá, trang trí nhà cửa cho khách. Vào dịp cuối năm khi các công trình nhà ở, biệt thự đến giai đoạn hoàn thiện công việc của Viết Quang thường rất nhiều. Anh làm ngày làm đêm cũng không hết việc để có nguồn mà nuôi đam mê nghệ thuật điêu khắc than đá…Với chất liệu than đá sẵn có, hy vọng Nguyễn Viết Quang còn đi xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật của mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/di-tim-hinh-hai-nghe-thuat-tu-than-da-201901310933036777.htm” button=”Theo vinacomin”]