Mỏ than Mông Dương (thuộc khai trường Công ty Than Mông Dương) nổi tiếng với sản lượng than phong phú, chất lượng tốt, nhiệt lượng cao, mà còn được biết đến bởi nơi đây có di tích lò giếng đứng đầu tiên ở Việt Nam.
Mỏ than Mông Dương được Pháp khai thác từ năm 1910. Đầu năm 1934, Pháp chính thức khởi công xây dựng công trình lò giếng đứng đầu tiên ở Việt Nam. Lò than này nằm ở khu vực trung tâm mỏ Mông Dương để khai thác than hầm lò dưới độ sâu -97,5m. Đến năm 1936, toàn bộ lò giếng đứng đã được hoàn thành. Bước sang năm 1937, Pháp cho đặt trục giếng và đến tháng 4-1938 thì lò giếng đứng này chính thức được khai thác.
Ban đầu, sản lượng khai thác chỉ đạt gần 7.000 tấn/năm. Đến năm 1943, sản lượng khai thác đã tăng lên hơn 55.000 tấn. Tổng cộng 6 năm khai thác liên tục, lò giếng đứng Mông Dương đã cho sản lượng hơn 700.000 tấn. Đến cuối năm 1943, khi phong trào đấu tranh của công nhân phát triển rộng khắp thì việc khai thác than của chủ mỏ ở Mông Dương tạm dừng.
Năm 1955, giải phóng Khu mỏ, công nhân đứng lên tiếp quản mỏ Mông Dương. Cuối năm 1960, Liên Xô (cũ) đã cử đoàn chuyên gia mang theo nhiều phương tiện kỹ thuật sang khôi phục lò giếng đứng Mông Dương với sản lượng khoảng 900.000 tấn/năm. Sau đó, khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, việc khai thác ở lò giếng đứng Mông Dương lại phải tạm dừng.
Năm 1967, công trường lò giếng đứng Mông Dương chính thức được thành lập. 104 cán bộ, công nhân mỏ ở công trường được cử sang Liên Xô (cũ) để tập huấn kỹ thuật khai thác lò giếng đứng. Sau 18 tháng, đoàn trở về nước bắt tay khai thác trở lại lò giếng đứng Mông Dương. Sau 15 năm khai thác từ 1967-1982, lò giếng đứng Mông Dương đã cho sản lượng tăng dần từ 200.000 tấn/năm lên đến 400.000 tấn/năm. Sau đó, mỏ than được đổi mới cách thức sản xuất chuyển từ làm ăn bao cấp sang cơ chế thị trường. Đến năm 2001, Công ty Than Mông Dương được thành lập quản lý mỏ than giếng đứng Mông Dương.
Di tích lò giếng đứng đầu tiên ở Công ty Than Mông Dương bao gồm 5 công trình: Khối giếng chính, khối giếng đứng phụ, quạt thông gió, kho chứa than và nhà điều hành sản xuất với diện tích hơn 3.300m2. Khối giếng đứng chính có diện tích gần 900m2. Trục chính có nhiệm vụ tải than từ dưới giếng về kho chứa than, tháp giếng cao 18m, được kết cấu bằng thép lắp ghép. Trong giếng có thùng skip có thể tích 7m3 trọng tải 6 tấn. Quạt thông gió được đặt trong giếng chính có nhiệm vụ lưu thông gió liên tục trong toàn bộ đường lò, với lưu lượng gió khoảng 20m3/giờ. Khối giếng phụ nằm cạnh giếng chính dài 70m được chuyên gia Liên Xô thiết kế với diện tích 335,7m2 chống bằng bê tông và trang bị máy trục tải hai thùng cũi. Lò giếng phụ có nhiệm vụ vận chuyển thiết bị dụng cụ khai thác và đưa thợ mỏ đi về. Kho chứa than được kết nối với giếng đứng bằng hệ thống băng chuyền tải than. Diện tích kho chứa than khoảng hơn 400m2, có máy nghiền loại nhỏ và một máy sàng có công suất khoảng 79 tấn/giờ. Nhà điều hành sản xuất cao 2 tầng có diện tích hơn 1.300m2, được trang bị hệ thống tắm nước nóng, trạm y tế, phòng giao ca. Lò giếng đứng Mông Dương thể hiện trí tuệ, năng lực quản lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào việc khai thác mỏ, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tuất, Phó Chánh Văn phòng Công ty Than Mông Dương, cho biết: “Hàng năm, lò vẫn được gia cố tu bổ để giữ gìn hiện trạng vừa bảo tồn vừa khai thác. Hiện nay, lò giếng đứng vẫn hoạt động bình thường”. Do đó, đây là di sản văn hoá động, cần có sự bảo tồn và phát huy truyền thống, kết hợp hài hoà lợi ích kinh tế với giá trị lịch sử văn hoá trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế và bảo tồn di tích. Di sản này còn thể hiện tình hữu nghị đặc biệt giữ Việt Nam và Liên Xô (cũ) nay là Liên bang Nga. Ngày 10-12-2007, UBND tỉnh đã công nhận Di tích lịch sử văn hoá lò giếng đứng – công nghệ khai thác than của Công ty Than Mông Dương là di tích cấp tỉnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/di-tich-lo-than-gieng-dung-dau-tien-o-viet-nam-201603141648000246.htm” button=”Theo vinacomin”]