Tại một cuộc họp về công tác đào lò XDCB của Tập đoàn mới đây, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 báo cáo về kinh nghiệm tổ chức “đi” lò nhanh (đào lò). Theo báo cáo của ông, mặc dù địa bàn hoạt động phân tán (Đồng Rì (Bắc Giang), Khánh Hòa (Thái Nguyên), Mạo Khê, Vàng Danh, Nam Mẫu v.v.), diện sản xuất không ổn định và nhiều khó khăn khác, nhưng kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm của Công ty toàn “số đẹp”. Trong đó, chỉ tiêu mét lò XDCB đạt 55 % KH năm
Đào lò đối hướng chính xác từng xăng ti mét
Từ hai hướng trong lòng đất, người ta đào hai đường lò trên cùng một mặt phẳng (so với mặt phẳng thủy chuẩn), ngược chiều nhau, gọi là đào lò đối hướng. Khi hai đường lò nối thông nhau, gọi là “bục” (nhạc sỹ Hoàng Vân trong ca khúc “Tôi là người thợ lò” gọi là “thủng” “ơ, mỗi khi lò thủng…) Trước đây, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 đào đối hướng hầm tuynen Tây Khe Sim. Hầm tuynen đèo Hải Vân cũng đào lò đối hướng.
Trong các mỏ hầm lò của Tập đoàn Vinacomin, nhiều đơn vị đào lò đối hướng thành công, thể hiện trình độ cao về công nghệ đào lò. Năm trước, Phân xưởng 12/11 của Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 đã đào lò đối hướng, nối thông đường lò từ mức + 10 Bắc Mông Dương với trung tâm Mỏ than Mông Dương tại mức âm 250. Hai đường lò gặp nhau (thủng, bục) chính xác đến từng xăng ti mét; “đẹp như tranh vẽ”! Và đây, Phân xưởng Đào lò 8, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 cũng vừa đào lò đối hướng, nối thông với giếng nghiêng trong Dự án khai thác xuống âm 150 mét, khu Tràng Khê (Uông Bí). Tôi đã xuống đường lò này, khi đang thi công ở hướng bên kia. Đó là lò dọc vỉa vận tải ở mức âm 150, diện tích tiết diện 9.4 m2, chống bằng sắt, chèn bê tông, bốc xúc bằng máy cào đá, vận tải bằng tàu điện. Ông Nguyễn Hải Nam, Quản đốc Phân xưởng cho biết, Phân xưởng đã đào xong đường lò này, nối thông từ Đông Tràng Khê sang Trung tâm Tràng Khê, về trước kế hoạch Công ty giao 2 tháng. Tôi hỏi ông Nam:
– Tại điểm “bục” hai đường lò lệch nhau nhiều không?
– Chính xác đến từng xăng ti mét, anh ạ. Cụ thể là so với tim lò, lệch mười xăng ti về hai bên hông lò; độ cao lệch năm xăng ti phần nóc lò.
Ông Nguyễn Đình Quế, Chủ tịch Công đoàn Công ty nói:
– Chính xác hơn cả tuyến đèo Hải Vân đấy anh ơi. Biết tin lò “bục”, chúng tôi (lãnh đạo Công đoàn Công ty) lên ngay hiện trường, bật sâm banh chúc mừng và thưởng cho hai Phân xưởng lò.
Kinh nghiệm “đi” lò nhanh
Công ty này có 9 phân xưởng đào lò. Qua báo cáo, kết quả đào lò và các chỉ tiêu khác của PX Đào lò 8 và Đào lò 5 có nhỉnh hơn, còn lại sàn sàn như nhau. Nghĩa là, trong cùng một điều kiện sản xuất, “anh” nào “đi” lò cũng nhanh. Ví như ở PX Đào lò 8 này, với tiết diện 9,4 m2, điều kiện sản xuất như đã nêu trên mà đạt từ 100 – 120 mét/tháng là rất cao; tốc độ này ít nơi thực hiện được. Theo ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc và các ông Quản đốc mà chúng tôi đã gặp, có thể rút ra mấy kinh nghiệm thế này:
Về kỹ thuật công nghệ, Công ty đặc biệt chú trọng đến công tác khoan, nổ mìn, vận tải trong lò. Theo ông Minh, đây là những công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất trong một chu kỳ đào lò. Tôi đã vào gương lò, thấy việc khoan, nổ mìn, vận tải ở đây khác với một số đơn vị mà chúng tôi đã biết. Ở đây họ “khoan sâu, bắn nặng” (thuật ngữ hầm lò). Nếu lò có tiết diện nhỏ, họ khoan một tầm, nổ mìn một đợt, chống được 2 vì; nếu tiết diện lớn (trên 13 m2) họ khoan sâu 2,5 mét, bắn mìn 1 tầm, chống được 3 vì. Tôi thắc mắc, hỏi ông Nam, bắn mìn như thế liệu có đảm bảo an toàn hay không? Ông Nam giải thích, nếu đất đá ổn định, củng cố tốt, hộ chiếu lập sát với thực tế thì luôn đảm bảo an toàn.Trong khâu vận tải, nếu vận tải bằng đường sắt, thợ ở đây cứ đủ 4 cầu đường tạm họ mới bắc đường chính nên tiết kiệm được thời gian.
Về lực lượng sản xuất, Công ty chủ trương đào tạo thợ tại chỗ. Trong 1 ca, thợ cả luôn ở gương, đảm nhận công việc chính. Các thợ phụ như thợ bắn mìn, thợ vận tải…luân phiên nhau vào gương, được thợ chính rèn cặp. Với cách làm này, thợ lò của Công ty, dù bậc thợ thấp vẫn có thể đảm đương các việc chính trong chu kỳ đào lò.
Giao nhận ca hiện nhiều nơi vẫn dềnh dàng, mất nhiều thời gian. Ở Lò 2, các phân xưởng đều trang bị điện thoại phòng nổ từ nhà điều hành xuống lò. Trước giờ giao ca, Trưởng ca của ca trước báo cáo diễn biến trong ca, tiến độ thực hiện, những việc cần làm, những biện pháp về kỹ thuật an toàn v.v. với ca sau, thông qua điện thoại. Nhờ đó mà công việc bàn giao ca nhanh, sát với thực tế.
Một vấn đề quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ “đi” lò, đó là Giám đốc Công ty cho phép quản đốc các phân xưởng giữ lại 10 % quỹ điểm để phục vụ cho công tác quản lý điều hành phân xưởng. Quỹ này được chi cho công tác quản lí thuộc các vị trí tổ trưởng, nhóm trưởng v.v. và những vị trí khó khăn, phát sinh trong quá trình sản xuất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/di-lo-nhanh-2522.htm” button=”Theo vinacomin”]