Chúng tôi chỉ có một đêm nghỉ lại Varanasi (Ba – la – nại), một trong số kinh thành cổ xưa nhất nằm bên bờ trung lưu của sông Hằng thiêng liêng. Trong quan niệm của tín đồ đạo Hindu, đây là nơi ngự trị của thần Shiva vĩ đại và ứng thân của người chính là vừng mặt trời hiện lên vào lúc ban mai. Trong đời người, chỉ cần một lần được tắm trong ánh sáng ấy đã là đại hạnh.
Tôi đã thao thức suốt đêm để đợi khoảnh khắc này. Bây giờ, trước mặt tôi đã là một “Ghat” (bến) rộng với những bậc đá trải dài từ chân các lâu đài xuống tận mặt nước hãy còn mờ tối nhưng đã rào rạt tiếng mái chèo. Một chiếc xuống bất ngờ tấp vào chẳng cần mời gọi và chỉ ít phút sau chúng tôi đã lênh đênh giữa mặt sông êm đềm, thoả sức ngắm nhìn những toà lâu đài cổ kính nằm dọc suốt dải bờ tây sông Hằng đang mỗi lúc một rõ dần sau màn sương đang tan. Đối nghịch với bờ đông là khung cảnh tít tắp hoang vu không một bóng nhà, không một thứ gì ngoài cát. Một chiếc xuồng chở đầy những bát nến màu mỡ bò, cuốn rất khéo bằng lá cây tựa như những chiếc tổ chim, áp mạn. Thày Huyền Diệu, nhà tu hành đưa đường trả tiền và phân phát đủ cho cả nhóm mỗi người một ngọn. Ông dặn: “Quý vị hãy tự thắp lấy và cầu nguyện điều mình muốn trước khi thả nến xuống mặt dòng”. Mọi người đều khum tay, mắt nhắm nghiền, nâng bát lửa rất lâu. Những ước muốn thầm kín bỗng khiến các khuôn mặt trở nên xa xăm, u ẩn và già đi trông thấy. Cuộc hành lễ đầu tiên vừa xong xuôi đã lại thấy một chiếc xuồng khác xuất hiện. Lần này là một anh chàng bán cá phóng sinh. Tất nhiên không ai muốn chối từ. Và thế là cả một xô cá quả sống trên trăm con cỡ ngón tay tiếp tục được đưa lên chuyển quay vòng cho từng người. Chốc chốc, tôi lại bắt gặp những thân luồng dài vút, nổi lờ lững trên mặt nước. Thày Huyền Diệu bảo: “Đấy là người ta thả cho chim trời khi mỏi cánh thì có chỗ mà đáp xuống”. Và tôi cứ thầm tự hỏi: Không biết có phải sinh khí của Hymalaya vĩ đại đã làm cho sông Hằng trở nên linh thiêng hay chính tình yêu thiên nhiên và lòng nhân ái sâu xa của con người đã truyền linh hồn cho dòng sông? Bất giác, tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ đêm qua. ấy là khi tôi vừa bước ra khỏi tam cấp của tiệm ăn để trở về ngôi chùa Myanmar nơi chúng tôi nghỉ lại. Từ đâu đó, một chú chó to xù phóng thẳng tới chỗ tôi khiến cả nhóm người cùng đi phát hoảng. Nhưng mà không, nó chồm lên tôi không phải để tấn công mà là hức lên những tiếng kêu mừng rỡ. Và rồi sau đó, nó còn chạy quấn quanh chân tôi vừa vẫy đuôi rối rít, vừa hít lấy hít để đôi ống quần bò đầy bụi bặm. Tôi móc chiếc bánh kẹp trong túi đưa ra cho nó nhưng con vật chỉ nhìn mà không hề có cử chỉ nào tỏ ra thèm muốn. Tôi bảo: “Cậu không thích ăn thì ta cũng chẳng còn thức gì khác cả. Thôi, khuya rồi, về đi nhé!” Trước khi từ biệt chúng tôi, con vật còn vẫy đuôi chạy một vòng quanh chân mọi người vẻ vô cùng quyến luyến. Chưa hết, vừa ra tới ngã ba, tôi lại đụng một chú bò choai đi ngang qua. Tôi gọi: “Này, lang thang đi đâu đấy!”. Không ngờ, con bò lững thững quay lại. Nó nghếch nghếch mũi trước ngực tôi một cách vô cùng thân thiện. Tôi xoa xoa cái “đầu bò” và chợt nhận ra cổ tay dính đầy rớt dãi – anh bạn mới đang liếm tay tôi. Chẳng cần phải phiên dịch cũng hiểu được cái lưỡi ấy nói gì. Tôi bỗng quên biến mình đang đứng giữa một trời khuya vắng giữa một xứ sở hoàn toàn xa lạ không một bóng dáng quê nhà.
Cầu nguyện trên sông Hằng (tác giả – giữa)
Chưa sáng hẳn. Chiếc xuồng của chúng tôi vẫn chậm rãi bơi ngược dòng nước xanh thâm trầm dọc các “Ghat” mé bờ tây. Dải cát sát mép nước, cạnh các đống lửa thiêu xác sắp tàn, những dàn củi mới lại tiếp tục được xếp lên. Tôi nhìn rõ vị pháp sư râu quai nón, mình trần, phần dưới quấn một tấm vải vàng đang đi vòng quanh cái thây bọc kín trong lần vải trắng nằm thẳng căng trên dàn củi. Gần đó là mấy người ngồi trầm ngâm chuẩn bị đưa tiễn người quá cố. Chẳng phải ai khi từ giã cõi đời cũng có được diễm phúc thiêu xác bên sông Hằng nếu không phải là gia đình giàu có đủ khả năng thuê xe đưa xác người thân từ hàng nghìn cây số tới đây. Bởi thế, trên mặt bến lúc nào cũng thấy những đống lửa cháy bập bùng và có người cầm quạt, quạt luôn tay cầu vọng cho người thân ở một phương trời xa xôi nào đó. “Ôi, bắt đầu rồi kìa!” – một ai trong đám reo lên. Tất cả chúng tôi hướng lại phía bờ đông. Vừng dương lớn như vành chiêng, chầm chậm cất dần lên khỏi cát với một thứ ánh sáng đỏ pha vàng huyền hoặc, quyền quý toả ra từ chiếc miện ngọc đế vương. Sông Hằng lúc này hệt như người đàn bà sung mãn đang đê mê trong làn môi đầu tiên của ngày. Khắp các bậc “Ghat” phía sau tôi mỗi lúc một ồn ã tiếng người. Khách du lịch dạo chơi; các đạo sĩ toạ thiền; tín đồ Hindu ào xuống tắm, giặt giũ hoặc đội nước về làm phép. Làn nước tháng 2 lạnh giá dường như chẳng nghĩa lý gì với họ. Ngồi nhấm nháp trà sữa giữa một quán ngoài trời nhìn mấy người bạn làm massage yoga dưới bến, tôi bỗng phát hiện ra trên tháp các lâu đài chim anh vũ, bồ câu, sáo và khỉ mặt đỏ nhiều vô kể. Chúng bay liệng, nhảy nhót thả sức chẳng bao giờ biết tới sự đe doạ. Thềm đá trước mặt tôi, một cô gái tóc vàng đang khe khẽ xướng âm với cuốn vở trải rộng những dòng nhạc viết sẵn. Tên cô là Emilie, sinh viên ngành xã hội học thuộc Đại học Nantes. Emilie tới từ nước Pháp. Cô sẽ có 5 tuần ở Varanasi để nghiên cứu âm nhạc cổ truyền ấn Độ. Emilie kể với tôi, sáng nào cô cũng dậy từ tinh mơ ra ngồi bên sông Hằng: “Chẳng vì một lý do nào cả. Sự yên tĩnh ở đây luôn gợi cho tôi nguồn cảm hứng” – cô nói, mắt hướng về phía một toà lâu đài ghép bằng đá khối, chân dầm sâu dưới mặt nước và thời gian đã làm cho nó bị xô nghiêng như ngọn tháp Pisa. ít nhất, Varanasi đã có tuổi trên 3000 năm. Đây là đô thị cổ xưa của “Con đường tơ lụa”. Thời tuổi trẻ, cận thần của Thái tử Tất Đạt Đa, sau này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từng tới tận kinh thành này chọn lụa cho hôn lễ của Người. Bây giờ, đây vẫn là nơi bán những tấm sari thượng thặng mà khi gấp lại, có thể đặt vừa trong một vỏ bao diêm. Hơn 2.000 năm trước, Chúa Jesu cũng đã từng có thời gian sống ở đây trước khi trở thành nhà truyền giáo. Nhưng hơn mọi câu chuyện cổ là những phiến đá màu hoàng thổ đang nằm rải rác dọc bến nước này. Cho đến tận bây giờ, những người phụ nữ nghèo ở đây vẫn ngày ngày ngồi tắm và giặt giũ ngay trên những bàn đá ấy chẳng cần biết tới xà phòng. Tuổi đời của chúng có thể còn xưa hơn cả hòn đá mà nàng Tây Thi của đất Tô Châu – Trung Hoa từng đập lụa. Bất giác, tôi ngỡ như mình đang đứng bên bờ quá khứ của nghìn kiếp trước với vừng mặt trời vĩnh cửu vẫn đậu mãi không đi như là sự chứng cho khoảnh khắc tuyệt diệu này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/di-dong-di-tay-khoanh-khac-song-hang-2223.htm” button=”Theo vinacomin”]