Người đó là Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1981) – cán bộ công tác thi đua văn thể của Công ty CP than Hà Lầm. Đam mê từ hồi còn nhỏ, song phải đến khi vào Đại học, anh mới có điều kiện tiếp cận và học thổi sáo. Sẵn có khiếu, Tùng nhập tâm rất nhanh và đến bây giờ thì thổi hay không kém các chàng trai Mông…
Chả thế mà ở các dịp Liên hoan, giao lưu hay Hội diễn văn nghệ của Công ty không thể thiếu tiết mục độc tấu sáo mèo của Tùng. Những âm thanh trầm đục của cây sáo đực, và âm véo von bay bổng của cây sáo cái (sáo mèo thường có một cặp) với tiết tấu, âm điệu đặc biệt không thể lẫn với các loại sáo trúc thường khác. Tiếng sáo véo von của bài “Xuân về trên bản Mông” Tùng thổi như mê hoặc lòng người. Từng giai điệu, từng tiết tấu như vẽ ra trước mắt người nghe khung cảnh đào xuân tươi thắm của bản Mông trên đỉnh núi, người nghe như mường tượng ra những chiếc váy áo sặc sỡ của các thiếu nữ bên tiếng sáo dập dìu của các chàng trai Mông. Và khi tiếng sáo vừa dứt, những tràng pháo tay rộn rã vang lên. Không ít người hô lên hào hứng: Thổi lại đi! Thổi tiếp đi!
Hết chương trình văn nghệ, tôi lân la hỏi chuyện, Tùng khẽ khàng bảo: “Ngày trước em mê nghe sáo mèo lắm, mãi khi vào Đại học em mới có điều kiện để tập thổi sáo mèo. May mắn cho em là trong nhóm các bạn yêu âm nhạc ấy có một anh biết thổi sáo mèo, thế rồi em theo để nhờ anh ấy chỉ bảo”. Ban đầu, do không biết lấy – nhả hơi, tiếng sáo nghe cứ khè khè như gà ốm. Rồi cứ kiên trì, mỗi ngày học một ít, nhờ có năng khiếu nên sau vài tháng luyện tập, Tùng đã thành thạo kỹ thuật thổi hơi vào lam (thường gọi là lưỡi gà, đặt giữa miệng cây sáo – một trong những điểm khác biệt so với sáo trúc). “Gọi bạn” là bài sáo đầu tiên được Tùng học và thổi rất hay. Tiếp đến học thổi các bài Người Mèo ơn Đảng, Lên nương, Mừng rượu, Xuân về trên bản Mông…
Ra trường, Tùng về công tác tại Mỏ than Hà Lầm. Chàng kỹ sư trẻ không chỉ là người thợ mỏ có trình độ cao mà còn mang cả tiếng sáo mèo độc đáo về Công ty. Thế rồi, từ tiếng sáo, Tùng được tham gia vào Đội văn nghệ của Công ty. Từ đấy, Tùng càng có điều kiện để học tập, rèn luyện thêm kỹ năng để cho tiếng sáo mượt mà hơn, hay hơn để phục vụ anh em công nhân. Tiếng vang của cây sáo Mèo đã vươn cả sang những buổi liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng và giành được rất nhiều giải thưởng của tỉnh Quảng Ninh. Nhưng có lẽ vinh dự nhất là sáo mèo của Tùng luôn được các công nhân mỏ yêu thích mỗi khi thanh âm đặc trưng của loại sáo này cất lên. Và cái tên đáng yêu “Sáo Mông Tùng than” cũng là do các công nhân dành tặng cho anh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dem-tieng-sao-meo-ve-dat-mo-201705291137329402.htm” button=”Theo vinacomin”]