Những năm gần đây, nhiều đơn vị trong Tập đoàn khánh thành hoặc nâng cấp khu nhà ở mới cho người lao động. Đó là “tham vọng” rất nhân văn mà nhiều thế hệ lãnh đạo Ngành đang theo đuổi một cách nghiêm túc…
Sống tiện nghi, sống trách nhiệm, sống vui vẻ!
Đến các khu tập thể dành cho thợ lò, đâu đâu cũng thấy sự khang trang, tiện nghi, sạch sẽ.
Lãnh đạo Công ty than Nam Mẫu cho rằng, nếu không lo được 2 điều cơ bản nhất “nơi ăn, chốn ở” cho người lao động thì thật khó mà nói chuyện giữ chân họ. Mỗi đơn vị giờ đã hạch toán độc lập, chẳng ai dám chắc người lao động có thể gắn bó mãi nếu đơn vị đó không cho họ tâm lý thoải mái cùng một mức sống tương xứng với công sức mình bỏ ra.
Còn ông Trần Văn Bàn – Chánh văn phòng Công ty than Mạo Khê – lại cho rằng, thực tế, đa số anh em thợ lò đều trẻ, trên dưới 25 tuổi và còn độc thân. Trước đây, khu vực Mạo Khê – Uông Bí khá phức tạp bởi tệ nạn cờ bạc, vay nặng lãi, ma túy. Kẻ xấu nắm bắt tâm lý xa nhà, trẻ lại độc thân của thợ lò nên tìm cách lôi kéo họ. Bởi vậy, nếu thợ lò ở rải rác và dần hình thành những “xóm trọ” thì khả năng bị kẻ xấu đưa vào tầm ngắm là có thật. Tuy nhiên, nhờ công tác vận động thường xuyên và đặc biệt là sau khi các công ty tăng tốc dự án xây nhà tập thể thì thợ lò đã sinh hoạt lành mạnh, chất lượng hơn.
Tại khu tập thể của Công ty than Nam Mẫu, anh Trần Chí An (quê ở Phú Thọ), công nhân Phân xưởng Thông gió – Đo khí, tâm sự: Tôi làm việc ở Công ty tính ra đã trên 20 năm, thuộc dạng “cựu binh” ở đây. Trước đây, tôi phải ra ngoài thuê phòng trọ ở với giá 400.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, cuộc sống ở căn phòng trọ chật hẹp, tồi tàn, những sinh hoạt tối thiểu không đảm bảo nên cuộc sống rất tạm bợ. Khi được Công ty thông báo về khu nhà tập thể mới xây dành cho công nhân độc thân, tôi đã đăng kí ngay. Hiện tại, tôi được phân ở cùng ba người khác trong căn hộ số 501 thuộc lô nhà CT1 này.
Theo quan sát của chúng tôi, căn hộ rộng chừng 60m2, có hai phòng ngủ, một phòng khách và khu vực nấu nướng, vệ sinh riêng biệt. Ngoài việc được trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết như bàn ghế, giường tủ, chăn, ga, gối đệm, căn hộ còn có thêm hệ thống đầu chờ thông tin liên lạc, đầu chờ truyền hình ăng ten, truyền hình cáp…
Bạn cùng phòng với anh An cho biết thêm, các vật dụng trên là do Công ty sắm sửa. Ngoài khoản tiền 150.000 đồng chi phí sinh hoạt phải đóng hàng tháng, các anh không phải lo thêm bất cứ khoản nào nữa. Không những có nơi ăn chốn ở sạch sẽ, đàng hoàng và an toàn, xe của Công ty đón công nhân đi làm ngay tại sảnh tầng 1. Hơn nữa, ở khu tập thể này còn có bếp ăn của Công ty, nếu thích bọn tôi có thể đăng kí ăn với giá cả khá hợp lý…”.
Nhà ca ba – Nhỏ bé mà tinh tế, ân tình
Đến với các khu tập thể của các đơn vị hiện nay, sự khang trang, tiện nghi là ấn tượng ban đầu, nhưng dư vị đọng lại sâu trong chúng tôi lại là những điều nhỏ bé mà đầy ý nghĩa, tinh tế và chứa đựng biết bao ân tình. Nhà ca ba là một ví dụ như vậy.
Đến khu tập thể công nhân ở khu vực Mạo Khê của Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II, nhìn những dãy nhà sạch sẽ với nền gạch hoa sáng bóng, điều hoà khép kín, các bếp ăn đảm bảo vệ sinh, thực đơn được thay đổi thường xuyên, khu tập thể có thư viện với hơn 300 đầu sách, sân chơi thể thao, nhà tắm nước nóng, có căng tin phục vụ, và đặc biệt những căn phòng dành riêng cho thợ lò làm ca 3 với sự yên tĩnh tuyệt đối… mới thấy hết ân tình với người lao động của những người đứng đầu ở một đơn vị còn bộn bề khó khăn. Còn nhớ thời điểm ông Phạm Công Hương còn làm Giám đốc ở đây, ông có nói: Do đặc thù nay đây mai đó của dân xây lắp mỏ nên chúng tôi không có điều kiện xây những khu tập thể khang trang cho thợ lò, nhưng trong điều kiện của mình, chúng tôi cố gắng tối đa cho thợ lò có nơi ăn chốn ở đảm bảo nhất. Và với Hầm lò II, khu tập thể nào cũng phải có nhà ca ba cho thợ lò, đó là điều bắt buộc.
Còn tại khu tập thể của Công ty CP than Vàng Danh, anh em thợ lò ở đây thường tếu táo đùa nhau “Ca 1 là ca tương lai, ca 3 mất ngủ, ca 2 thất tình”. Đó là lý do mà tôi không thể gõ cửa khi thợ lò ca 3 đang ngủ. Yên tĩnh tuyệt đối để thợ lò nghỉ ngơi, tái thiết sức lao động.
Xin kết thúc bài viết với câu nói của một vị cán bộ Ngành: “Người lao động không thể yêu nghề nếu đói, cũng không thể làm việc tốt hơn nếu phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn. Càng chẳng thể đòi ai hăng say nếu bản thân họ không vui. Và chúng tôi đang làm tất cả để mọi người ở đây đều có được niềm vui giản dị nhất”. Điều đó quả rất đúng sao?
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/de-tho-lo-an-cu-lac-nghiep-20160527163506191.htm” button=”Theo vinacomin”]