Nghệ thuật hội hoạ trên vùng Mỏ về những người thợ mỏ xuất hiện từ rất sớm và luôn là đề tài không vơi cạn của các hoạ sỹ. Nhiều tác phẩm hội hoạ đã ghi lại cuộc sống lao động sản xuất sôi nổi và đời sống tinh thần phong phú của các thế hệ thợ mỏ Quảng Ninh.
Dưới lòng moong Cọc Sáu – tranh của Phạm Ngô Vương
“Đến với những người thợ mỏ”
Đó là tên gọi của triển lãm hội họa về Thợ mỏ do Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong các chương trình chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ – Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016). Triển lãm giới thiệu gần 100 tác phẩm tranh tượng và ký họa của 38 tác giả thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước, với chất liệu phong phú như Bột màu, Sơn dầu, Acrylic, Than đá… về cuộc sống lao động sản xuất và đời sống của Thợ mỏ.
Trước đó, được sự giúp đỡ của Tập đoàn, đất mỏ Quảng Ninh đã được đón đoàn Họa sỹ thuộc Hội mỹ thuật Việt Nam đi thực tế sáng tác tại các đơn vị thuộc ngành Than. Đoàn đã đến trực tiếp các đơn vị khai thác, chế biến, sàng tuyển tiêu thụ than như Công ty than Nam Mẫu, Hòn Gai, Cọc Sáu, Mạo Khê, Công ty Tuyển than Cửa Ông…và sáng tác nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại. Nội dung các tác phẩm đều phản ảnh rõ nét cuộc sống lao động sản xuất sôi nổi và đời sống văn hóa tinh thần phong phú của Thợ mỏ. Qua các tác phẩm được trưng bày, người xem thấy được sự đổi thay và phát triển của con người và cuộc sống Vùng mỏ, đặc biệt là hoạt động sản xuất trong hầm lò, trên tầng than hay trong các nhà máy của Thợ mỏ.
Đề tài không vơi cạn
Nghệ thuật hội họa trên Vùng mỏ xuất hiện từ rất sớm và luôn là đề tài không vơi cạn của các họa sỹ. Từ lớp vẽ đầu tiên tại Cẩm Phả năm 1959 do các họa sỹ tên tuổi truyền đạt, đã tạo hiệu ứng tốt cho toàn Vùng Than. Sở Văn hóa và Liên hiệp Công đoàn coi triển lãm mỹ thuật là hoạt động không thể thiếu vào dịp lễ hội Truyền thống Vùng mỏ 12/11 hàng năm. Vùng mỏ Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long là nơi thường được các họa sỹ Hội Mỹ thuật Việt Nam, thầy trò các trường mỹ thuật về thâm nhập thực tế để sáng tác. Đó cũng là môi trường thuận lợi cho anh chị em mỹ thuật vùng mỏ như các họa sỹ danh tiếng học hỏi, trau dồi kiến thức các họa sỹ danh tiếng như Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Huỳnh Văn Gấm…). Từ các lớp học, trại sáng tác, nhiều anh em đã trưởng thành, đã có phong cách riêng, được giới mỹ thuật biết đến như họa sỹ Nguyễn Hoàng, Bùi Đình Lan, Đặng Đình Liên, Ngô Phương Cúc… Nhiều người là công nhân trực tiếp sản xuất, tác phẩm được vẽ tại không gian nơi họ làm việc, nhiều tác phẩm đoạt giải như: Tác phẩm “Cuộc đình công 1936” của tác giả Bùi Đình Lan, khai thác về đề tài lịch sử, bức tranh tái hiện một giai đoạn đấu tranh của công nhân vùng mỏ thời Pháp thuộc, được Hội đồng Nghệ thuật trao Giải Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1985. Tác giả Ngô Phương Cúc được trao Giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc cho tác phẩm “Công trường than năm 1980”. Đặc biệt, ông có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…
Năm 1980, Mỹ thuật Quảng Ninh được trao giải chính thức của Bộ Văn hóa và Hội mỹ thuật Việt Nam và được cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Văn Cẩn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng cho phong trào mỹ thuật Quảng Ninh Giải thưởng riêng của họa sỹ. Đây là một chặng đường đáng tự hào của phong trào mỹ thuật vùng mỏ. Thế hệ tiếp theo rất cần phải trau dồi nhiều hơn nữa, để nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước. Đó cũng là những thách thức lớn của những người hoạt động nghệ thuật hội họa thế hệ trẻ Vùng mỏ hiện nay.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/de-tai-khong-voi-can-201608221731527797.htm” button=”Theo vinacomin”]