Với những chiến công hiển hách của những người thợ mỏ – “Binh đoàn Than” ra trận trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ – Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016), Tập đoàn đề nghị tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích địa điểm xuất quân và có thể xây dựng bia hoặc tượng đài “Binh đoàn Than” để ghi nhớ những chiến công của những người thợ mỏ năm xưa.
Vào đầu năm 1967, trước tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Trung ương quyết định tuyển quân tăng cường cho chiến dịch. Mặc dù, công nhân mỏ được ưu tiên sản xuất than cho Tổ quốc không phải ra trận, nhưng ngày càng có nhiều người tình nguyện, trong đó tỉnh Quảng Ninh tuyển được 3 tiểu đoàn, hầu như đều là công nhân mỏ tham gia.
Do chủ yếu là công nhân mỏ tham gia, ngày 30-7-1967, tại cửa rạp chiếu phim Bạch Đằng (TX Hồng Gai), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ tuyên bố thành lập “Binh đoàn Than” tiễn đưa những người con ưu tú của Đất mỏ vào miền Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Buổi mít tinh đó diễn ra trong khí thế sôi sục lên đường ra tiền tuyến với sự tham gia của nhiều đơn vị, cơ quan, đoàn thể, bà con nhân dân, thân nhân chiến sĩ đến tiễn đưa. Và mặc dù chiến sĩ ta lên đường chưa có quân phục, đều mang màu áo thợ… nhưng khí thế vẫn rất hùng tráng. Ai nấy đều rất hăng hái, vững tin vào ngày chiến thắng trở về.
Binh đoàn gồm gần 2.000 công nhân mỏ đã tập luyện, hành quân và có mặt ở những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến như chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, những chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, Mậu Thân năm 1968… và đã có nhiều người con Đất mỏ hy sinh. Lịch sử còn ghi lại nhiều trận đánh vang dội của những người con đất mỏ. Đó là trận đánh vào sào huyệt Quân cảng kho xăng Nhà Bè đã tiêu hủy hàng vạn lít xăng dầu của địch, hay như trận đánh cứ điểm cầu Mương Chuối, Long An; rồi trận đánh trên sông Rạch Dừa… Tất cả đã khiến cho cái tên Binh đoàn Than ngày càng lừng danh. Chiến công rất hiển hách, và sự hy sinh cũng thật to lớn. Sau trận chiến cuối cùng năm 1975, đã có hơn 300 người lính Binh đoàn Than ra đi năm ấy không bao giờ trở lại; gần 400 người khác là thương binh, bị nhiễm chất độc màu da cam. Số còn lại sau chiến tranh, đa số những người lính Binh đoàn Than lại tiếp tục trở về đất mỏ sản xuất đúng như lời thề ngày xuất quân năm 1967…
Với ý nghĩa đó, Tập đoàn đề nghị tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích địa điểm xuất quân và có thể xây dựng bia hoặc tượng đài “Binh đoàn Than” để ghi nhớ những chiến công của những người thợ mỏ cũng như tưởng niệm những người thợ đã hy sinh trong trận chiến. Theo nhiều ý kiến, địa điểm dựng tượng đài (hoặc bia tưởng niệm), có thể đặt tại vị trí ở khu vực sân rạp Bạch Đằng hiện nay, hoặc xây dựng bia hoặc tượng đài là khu vực bến phà Bãi Cháy cũ (phía Hồng Gai). Bởi thời điểm xuất quân, những người lính tập trung chờ phà rất đông tại đây. Tại đây, đại diện Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã đến trao tặng cho mỗi chiến sĩ một chiếc khăn tay làm vật kỷ niệm. Với chi tiết này, một số người cho rằng hoàn toàn có thể sáng tác nên tượng đài một cô gái trao khăn cho một người chiến sĩ là thợ mỏ trước lúc lên đường…
Đây là việc làm có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với lớp lớp các thế hệ thợ mỏ trẻ nói riêng cũng như nhân dân Quảng Ninh và cả nước nói chung hôm nay và mai sau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/de-nghi-tinh-quang-ninh-cong-nhan-di-tich-dia-diem-binh-doan-than-xuat-quan-201604032022392934.htm” button=”Theo vinacomin”]