Chỉ tính trong khoảng 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm toàn Tập đoàn phải bỏ ra số vốn hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nhằm duy trì và nâng cao sản lượng than. Tuy nhiên, có một thực tế diễn ra là khá nhiều dự án khi hoàn thành đã bị lạc hậu nếu không muốn nói là tụt hậu.
Chỉ tính riêng ở Công ty than Nam Mẫu đã có tới 3 dự án lập ra để phục vụ sản xuất than của đơn vị, nhưng cả 3 dự án đó đều bị sản lượng khai thác thực tế cho “hít khói”. Đầu tiên là năm 2001, khi Công ty đang vừa sản xuất vừa thực hiện dự án 300.000 tấn/năm (dự án này chưa hoàn chỉnh), thì ngay trong năm đó, Nam Mẫu đã đạt sản lượng gần 362.000 tấn. Rồi tiếp đó là dự án 600.000 tấn/năm được triển khai và cũng đang trong giai đoạn thực hiện dự án thì đơn vị đạt sản lượng tới 810.000 tấn/năm.
Chưa kịp rút kinh nghiệm từ sự chậm chân của hai dự án trước, Nam Mẫu tiếp tục được đầu tư dự án thứ ba để tăng năng lực sản xuất. Lần này, quy mô của dự án cũng chỉ được nhích lên chút ít, công suất khai thác ở mức 900.000 tấn/năm. Điều khó hiểu là ngay trước đó thôi, sản lượng khai thác của đơn vị đã tiến sát ngưỡng 900.000 tấn, nhưng dự án mới cũng chỉ được lập ở mức khiêm tốn như vậy. Kết quả là vào năm 2005, khi dự án này vẫn chưa được hoàn chỉnh thì ngay cuối năm Nam Mẫu đã khai thác đạt tấn than thứ 1 triệu trước khi kết thúc năm hơn 10 ngày. Vậy là thêm một lần nữa, dự án lại ngậm ngùi đứng nhìn sản lượng băng băng tiến lên trước.
Thiệt hại lớn khó tính hết
Việc dự án không đáp ứng sự phát triển sản xuất một cách trọn vẹn khiến cho nhiều đơn vị được hưởng thụ dự án gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại từ sự chậm trễ này không hề nhỏ.
Cũng tại Công ty than Nam Mẫu, đơn vị vẫn đang hoạt động theo quy mô của dự án 900.000 tấn/năm. Dự án này thực tế đã bị lỗi thời từ năm 2005 nhưng hiện hơn 4.500 CNCB Công ty vẫn phải làm việc trong khuôn khổ khá “chật hẹp” của dự án không phù hợp với quy mô đó. Kết quả là từ văn phòng làm việc, khai trường cho tới các công trình phục vụ sản xuất khác đều không đủ năng lực đáp ứng. Thực tế này khiến cho Công ty gặp khá nhiều khó khăn do phương tiện phục vụ sản xuất và hoạt động mọi mặt của đơn vị đều thiếu so với yêu cầu thực tế.
Nhưng thiệt hại lớn nhất của Nam Mẫu chính là chi phí sản xuất bị đội lên khá cao. Hiện tại, diện tích xưởng sàng mức +130 của đơn vị quá nhỏ. Theo thiết kế cũ, xưởng sàng này chỉ có thể phục vụ dự án 900.000 tấn/năm, trong khi công suất hiện tại của Nam Mẫu là 2 triệu tấn/năm, gấp hơn 2 lần công suất thiết kế nên than thành phẩm làm ra không chứa hết ở kho mức +130, mà phải chuyển đi ngay. Nếu than được tiêu thụ ngay thì còn đỡ khó khăn, nếu không thì phải chuyển tới kho chế biến ở cảng Điền Công bằng ô tô để chờ tiêu thụ. Than tiêu thụ càng chậm, lượng than ứ đọng ở tất cả những nơi có thể chứa than càng đầy ứ lên, khiến sản xuất nhiều phen có nguy cơ phải tạm ngừng. Gần đây, đơn vị phải liên tục đánh tải ở kho sàng và đánh tải ở cửa lò. Theo tính toán sơ bộ của đơn vị, từ nguyên nhân kho bãi chật hẹp, khối lượng xúc, gạt, gom than (đánh tải) bằng khoảng hơn 5 lần so với sản lượng than nguyên khai. Như vậy, “bỗng dưng” đơn vị phải gánh thêm một khoản chi phí không hề nhỏ mà trước đó Nam Mẫu không thể lường hết được.
Tuy vậy, có điểm khó cho Nam Mẫu là dù các dự án chưa thật mỹ mãn, theo đúng trù tính về mọi mặt thì đơn vị này vẫn cứ phải triển khai thực hiện sản xuất trên cơ sở quy mô của dự án đã xây dựng. Vì những tấn than cung cấp cho thị trường, vì công ăn việc làm và đời sống của người lao động… khiến họ phải tranh thủ sự chỉ đạo của Tập đoàn để khắc phục khó khăn đó.
Thực trạng trên chắc chắn thời gian tới sẽ được khắc phục nếu các nhà quản lý đầu tư XDCB quan tâm hơn đến hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là sự thiếu tầm nhìn của công tác tư vấn khiến cho việc lập dự án không sát với thực tế. Thứ hai là những ách tắc từ các khâu thuộc về thủ tục đầu tư, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, lại hay bị “ngâm” trong thời gian khá dài. Cả hai việc này ngành Than đều có thể tập trung khắc phục trong tầm tay và đó là việc phải chấn chỉnh ngay nếu chúng ta không muốn nó gây lực cản cho chiến lược tăng nhanh sản lượng khai thác than những năm tới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/de-cac-du-an-khong-con-bi-tut-hau-588.htm” button=”Theo vinacomin”]