Mới đây, Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 đã được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh thông qua. Để hiểu rõ hơn về những điểm nổi bật cũng như ý nghĩa chiến lược quan trọng của Đề án, phóng viên Tạp chí TKV đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Mạnh Dũng – Phó Giám đốc phụ trách công tác môi trường, Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường (VITE) – đơn vị chủ trì tư vấn, trực tiếp xây dựng Đề án này.
+ Tại sao cần thiết phải xây dựng Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 -2020, thưa đồng chí?
– Phải khẳng định rằng, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói riêng tại tỉnh Quảng Ninh đã được ngành Than quan tâm thực hiện thông qua việc di dời các cơ sở sản xuất khỏi trung tâm các khu đô thị, đầu tư cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, xây dựng đê đập chắn đất đá chân các bãi thải, nạo vét hệ thống sông suối thoát nước, xây dựng các trạm xử lý nước thải mỏ, thu gom xử lý chất thải rắn, thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi ồn và giải quyết các vấn đề môi trường khác. Tuy nhiên, quá trình khai thác than tại Quảng Ninh cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, nhất là thể hiện qua đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 như sạt lở bãi thải, trôi lấp đất đá; bồi lấp sông suối thoát nước, mặt bằng sản xuất, khu dân cư…
Để khắc phục những tồn tại nêu trên cũng như thực hiện đúng định hướng phát triển chuyển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh nên đặc biệt cần thiết phải xây dựng Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, nhằm xác định kế hoạch, lộ trình các công việc cần thực hiện trước mắt cũng như trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
+ Đồng chí có thể giới thiệu một cách khái quát những điểm chính của Đề án?
– Trong khuôn khổ của một bài báo khó có thể khái quát được đầy đủ những điểm chính của Đề án. Do đó, ở đây tôi chỉ xin đề cập đến một số vấn đề như:
Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than được lập trong phạm vi các thành phố, huyện thị của tỉnh Quảng Ninh có các hoạt động sản xuất than nhằm xác định các công trình môi trường trọng điểm cần triển khai thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo đến năm 2020, trong đó tập trung vào các vấn đề phát sinh do đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015. Quan điểm xuyên suốt thực hiện Đề án là đưa ra các giải pháp, các dự án, công trình cấp bách cụ thể để sớm khắc phục những tác động tiêu cực do hoạt động khai thác than, ảnh hưởng đến môi trường mà trực tiếp là môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo Đề án, giai đoạn từ năm 2017 – 2020 có 75 công trình đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than sẽ được thực hiện. Trong đó cụ thể, đê đập ngăn đất đá (8 công trình), cải tạo phục hồi môi trường bãi thải (9 công trình), nạo vét hệ thống thoát nước (33 công trình), di dời dân cư (10 công trình), xử lý nước thải mỏ, rửa xe và quan trắc (10 công trình), băng tải than, cầu vượt và giảm thiểu bụi, ồn (6 công trình) với tổng kinh phí thực hiện 3.826.820 triệu đồng.
+ Có thể nói, đây là một trong những đề án có ý nghĩa chiến lược quan trọng, nhất là trong việc thể hiện trách nhiệm của ngành Than đối với việc thực hiện các cam kết về môi trường với tỉnh Quảng Ninh?
– Chắc chắn là như vậy, bởi mục tiêu của Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2020 được lập nhằm xác định rõ danh mục các công trình môi trường cấp bách, kế hoạch và lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020 để đảm bảo an toàn cho dân cư, giảm tác động đến môi trường đô thị do các hoạt động sản xuất than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Đề án giúp tăng tính chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển của ngành Than hài hòa với môi trường, cộng đồng và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, Đề án giúp định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả lâu dài công tác bảo vệ môi trường của ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể và khả thi khi tích hợp với các quy hoạch có liên quan của địa phương.
+ Với vai trò là đơn vị tư vấn lập Đề án, đồng chí có thể cho biết những nỗ lực, sự vào cuộc tích cực của Công ty VITE trong việc lập Đề án này?
– Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc xây dựng Đề án đảm bảo môi trường ngành Than, TKV đã giao cho Công ty VITE chủ trì, phối hợp với các sở, ngành,địa phương của tỉnh Quảng Ninh, các phòng ban liên quan của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc để lập đề án. Nhận thức được đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp bách của ngành Than đối với công tác bảo vệ môi trường, Công ty VITE đã ưu tiên và huy động tối đa nhân lực, thiết bị để thực hiện lập đề án từ khâu khảo sát, thu thập tài liệu, xin ý kiến các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh, các phòng ban liên quan của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc.
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện lập Đề án này, Công ty VITE chúng tôi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn TKV, sự phối hợp các ban liên quan như Ban Môi trường, Ban Đầu tư và những đóng góp ý kiến cũng như cung cấp tài liệu về kế hoạch sản xuất, các kế hoạch bảo vệ môi trường… của các đơn vị khai thác, chế biến than và tiêu thụ than tại Quảng Ninh.
+ Trong cuộc họp với tỉnh Quảng Ninh mới đây nhất về việc thông qua Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than, ý kiến đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ra sao về Đề án này, thưa đồng chí?
– Như đã nói ở trên, đây là một đề án môi trường quan trọng mang tính cấp bách được UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đặc biệt quan tâm. Do vậy, Đề án đã được tổ chức họp báo cáo 9 lần từ cấp sở, ngành, địa phương đến Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh để xin ý kiến và thông qua đề án. Tại cuộc họp, ngày 24/6/2017 tại UBND tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì nghe báo cáo, Đề án đã được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá đây là một Đề án được lập rất công phu. Tại Thông báo số 180/TB-UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 27/6/2017 về việc ý kiến kết luận của đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng đã đánh giá cáo việc TKV cũng như đơn vị tư vấn đã khẩn trương chỉnh sửa Đề án trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Thông báo số 158/TB-UBND ngày 07/62017 về kết luận cuộc họp Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ngày 02/6/2017.
+ Tới đây, sau khi được phê duyệt, Đề án sẽ được triển khai như thế nào?
– Sau khi đề án được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cam kết ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các hạng mục công trình theo đúng tiến độ như đã ghi trong Đề án. Mặt khác, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TKV, Tổng Công ty Đông Bắc phải báo cáo tiến độ thực hiện các hạng mục công trình như trong đề án 6 tháng/lần và sẽ giao cho các sở, ngành, địa phương giám sát việc thực hiện đề án.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/de-an-dam-bao-moi-truong-cap-bach-trach-nhiem-cua-nganh-than-201712301838325009.htm” button=”Theo vinacomin”]