Làng thợ mỏ Mông Dương khởi thủy năm 1985 chỉ có 20 nóc nhà, nay là tổ 2, khu 12 phường Mông Dương có trên 200 hộ và đang đổi thay từng ngày
Giáp Tết, chúng tôi đến thăm ông Hà Văn Hồng, Anh hùng Lao động, nguyên là công nhân Xí nghiệp xây lắp mỏ Mông Dương, nhà ở tổ 3, khu 12 phường Mông Dương. Ông Hồng ở tuổi 65, ít rượu bia, chuẩn bị đón xuân có bạn tốt đến chơi nhà thì hứng khởi uống vại bia đầy. Trong man mác hơi men tiết xuân, người thợ mỏ già này như được đánh thức lại những kỷ niệm xưa. Cũng Xuân Đinh Dậu, cách đây 60 năm, khi ấy khu mỏ mới giải phóng còn ngổn ngang dấu tích chiến tranh, tàn dư lán thợ, những túp lều ổ chuột ẩn dật bờ khe, cuối bãi. Ngày thuộc Pháp, nơi tá túc của “cu li” gọi là lán thợ. Ví dụ: Nơi quần cư của người Nghệ An, gọi là Lán Nghệ; một vạt đồi tranh có 14 túp lều, gọi là Lán 14. Nay khu 12, địa danh trong văn bản, còn dân thổ cư vẫn quen gọi là làng mỏ Mông Dương. Làng mỏ Mông Dương, trầm tích hằn sâu trong mỗi cuộc đời, bia miệng cùng năm tháng.
Đầu thập kỷ 80, công nhân tuy không còn phải ở lều lán ổ chuột nhưng cơ chế bao cấp, thợ mỏ vẫn thiếu nhà ở. Có cảnh 2 cặp vợ chồng trẻ ở chung một gian nhà tranh vách đất, chỉ rộng 24m2. Vùng than tưởng đất rộng, nhưng trên là núi cao, dưới là bãi triều ngập mặn, đất xây dựng được nhà ở chủ yếu trông chờ vào nguồn đổ thải vượt thổ. Công nhân không dễ có tiền, có đất để tự làm nhà ở.
Ông Hà Văn Hồng, ngập ngừng giây lát, hốc mắt chân chim, nheo nheo, chả biết vui hay buồn: Thổ đất này, trước đây như một hoang đảo. Con sông Mông Dương mùa lũ, nước xiết cách bức nó với đất liền. Ngày ấy, ông Đoàn Văn Kiển là Giám đốc xí nghiệp, chả hiểu manh nha từ đâu, nảy ra ý kiến biến khu đất này thành một làng thợ mỏ. Nhà xây mái ngói, có cả vườn tược, thợ mỏ tan ca về nhà tăng gia, trồng trọt, cải thiện bữa ăn.
Cây cầu bắc qua sông Mông Dương từ đầu thập kỷ 80, công nhân từ nơi ở đến công trường không phải đi phà. Nay cầu đã được trùng tu, xây dựng lại nhưng nhân dân địa phương vẫn quen gọi là cầu ông Kiển
Chuyện ấy, giờ nghe là bình thường, nhưng ngày đó là việc làm viển vông. Bởi ngoài giờ làm than, thợ mỏ lại tay choòng, tay cuốc, đôi vai, sức người hạ sơn. San được thổ đất đồi, đá cứng thành nền một căn nhà nhỏ, chí ít cũng phải mất một năm ròng, có khi còn lâu hơn nữa. Vật liệu xây dựng, thì từ hòn gạch, viên ngói, cân sắt, cân xi măng… đều phân phối. Đối tượng nhà tư không thuộc diện được cấp. Làm cây cầu “khỉ” từ đường cái qua sông Mông Dương đến chân quả đồi này, tính vội cũng phải ngốn hết hàng tấn sắt thép. Làm cây cầu xe cải tiến đi được, sắt thép, chi phí còn tăng lên gấp bội. Nền kinh tế chỉ huy, moi đâu ra vật liệu xây dựng thuộc hàng quý hiếm ấy. Thậm chí nhiều người còn e ngại, cho là phiêu lưu.
Một hôm thợ mỏ vui mừng đón ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về thăm xí nghiệp, thị sát hiện trường. Rồi ông Đông đồng ý cho xí nghiệp tự xây lắp cây cầu vượt sông Mông Dương, nối thổ đất này với khu dân cư bờ Đông Giếng Đứng mỏ Mông Dương. Cầu xây dựng bằng khả năng tự có của xí nghiệp, tỉnh chỉ giúp đỡ thiết kế, thẩm định kỹ thuật và cấp phép xây dựng.
Được tỉnh “bật đèn xanh”, xí nghiệp tức tốc xây dựng cây cầu. Mở mạch máu giao thông trước, sau đó vận động công nhân làm việc ngoài giờ, giúp nhau xẻ núi, san nền. Xí nghiệp hỗ trợ mỗi hộ gia đình một ca máy ủi để giảm sức người.
Bài toán gỡ thế bí về vật liệu xây dựng được giải đáp bằng cách: Xí nghiệp cho mỗi nhà một xe than, một xe đá xanh. Xóm thợ rừng rực canh thâu, nhà nhà nung vôi, đóng gạch xỉ. Tan ca, vạt đồi này như một công trường sản xuất vật liệu xây dựng. Chỗ này vôi ra lò, chỗ kia người nhào vữa đóng gạch xỉ, cát thì vớt từ sông Mông Dương lên. Xí nghiệp còn phân phối cho mỗi nhà 1.500 viên ngói, 1.000 viên gạch nung, 4 bao xi măng Hải Phòng, 1 tạ sắt 6,… loại vật liệu xây dựng công nhân không tự làm được.
Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Giám đốc xí nghiệp, từng làm Tổng Giám đốc TKV, nay hưu trí ở số 114, ngách 50, phố Yên Lãng (Hà Nội), mãi xuân này mới tiết lộ: Có được ngần ấy sắt thép, xi măng, gạch ngói cho công nhân tự xây nhà ở, xí nghiệp phải nhờ xe của một đơn vị bộ đội “kết nghĩa”, vượt hàng rào “ngăn sông cấm chợ” chở than tận thu đến huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đổi lấy gạch ngói. Sắt thép cũng làm theo cách “đối lưu” ấy, với đơn vị bạn ở Thái Nguyên đưa về mỏ cho công nhân làm nhà. Mùa khô, xây dựng cấp tập. Ông Kiển còn “đánh liều” mở kho cho công nhân vay nóng 30 tấn xi măng làm nhà riêng. Trong khi “sếp” trên là ông Trương Công Điểu, Giám đốc Công ty xây lắp Cẩm Phả đã có ý định chuyển 20 tấn cho ông Nguyễn Ngọc Thảo, Giám đốc xí nghiệp xây lắp mặt bằng dùng vào việc công. Ông Kiển phải giải trình lên, giải trình xuống là vì đời sống người thợ, mới tránh được cái án kỷ luật. Chuyện cũ, xuân mới nghe mà cười đến rơi nước mắt vì xúc động.
Làng mỏ Mông Dương với 50 căn nhà cấp 4 (khu 1 có 10 căn, khu 2 có 40 căn), nhà nhà có khuôn viên, kiểu cách tân thời, hiên tây máng thượng, mái ngói đỏ tươi. Nổi trội giữa vùng than còn nhiều dấu tích lán thợ, dãy nhà cai ký, kiểu “trại lính” thuộc Pháp lưu dung. Xí nghiệp xây lắp mỏ Mông Dương ngày ấy, ông Đoàn Văn Kiển làm Giám đốc còn kéo văn hóa về làng mỏ. Xí nghiệp dành khu văn phòng (cũ) cho trường cấp II, khu kho vật tư cho trường cấp III làm lớp học, rút ngắn độ đường con em thợ mỏ đến trường. Vị Giám đốc năng động ấy còn vận động mỗi công nhân góp 30 viên gạch xỉ, chung lưng với xí nghiệp xây dựng rạp chiếu bóng 750 chỗ ngồi. Một rạp chiếu bóng xây dựng theo hình thức xí nghiệp và công nhân cùng làm, hình thành đầu tiên ở khu mỏ.
Dân Mông Dương còn nhớ, mỗi khi hay tin Quốc doanh chiếu bóng đến mỏ chiếu phim lưu động ngoài trời, chưa tắt nắng người người đã rục rịch ra sân, giải chiếu, xếp gạch xí chỗ ngồi xem. Có lần sắp đến giờ chiếu phim thì trời bất chợt đổ mưa, phải hoãn, bao người thất vọng. Từ ngày làng mỏ có rạp như được đổi đời, phim chiếu trong nhà, không phụ thuộc thời tiết nữa.
Một làng mỏ đầy ắp nét đẹp văn hóa như vậy mà vẫn chưa níu chân được người thợ, nhiều anh vẫn còn chân trong, chân ngoài, nhấp nhổm bỏ việc về quê. Lý do thì ai sống trong thời kỳ ấy mới biết rõ. Xí nghiệp chỉ tuyển dụng được nam giới, phụ nữ không thể xuống lòng đất đào lò được, mỏ rất ít chân phục vụ. Vợ con công nhân ra mỏ, khó tìm việc làm. Không có việc làm, đương nhiên không có lương thực (sổ gạo), trong khi bát cơm, con cá, lá rau… đều phân phối. Nhà vài miệng ăn nhìn vào đồng lương và chế độ 24kg gạo/tháng (mức cao nhất của thợ lò), không thể yên lòng được. Vị Giám đốc có tâm ấy còn chạy đôn chạy đáo, gõ cửa cơ quan ngoài ngành than tiếp nhận vợ con thợ mỏ vào làm việc, như trường hợp vợ anh Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Văn Bổn,… nay hưu trí vẫn ở Mông Dương.
Làng mỏ Mông Dương, ký ức ban đầu là như vậy nay đã thay màu áo mới. Tiên công 50 nóc nhà, nay là khu phố văn hóa với trên 200 hộ, nhà xây dựng tiện nghi hơn. Vùng than bắt nhịp với cơ chế mới, nhiều khu đô thị của mỏ được xây dựng như phố mỏ Cao Sơn thay thế làng mỏ xưa. Mái ấm Công đoàn TKV xóa nhà thợ mỏ dột nát. Các tòa chung cư dành cho thợ mỏ độc thân vút lên ngay giữa đô thị. Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 133 tòa chung cư với 3.532 phòng ở cho công nhân.
Công ty xây dựng mỏ Hầm lò 1, hậu duệ của Xí nghiệp xây lắp mỏ Mông Dương, kế thừa truyền thống của lớp cha anh đi trước, luôn chăm lo nơi ăn, chốn ở cho người lao động. Phong trào mái ấm Công đoàn xóa nhà tạm, nhà dột nát, phấn đấu mục tiêu 100% gia đình thợ mỏ có nhà xây kiên cố, nội ngoại thất đẹp, tiện nghi đầy đủ. Tòa chung cư của Hầm lò 1 ở khu phố Tân Lập I, phường Cẩm Thủy (Cẩm Phả) cao 6 tầng, 120 phòng khép kín, đáp ứng chỗ ở cho 480 công nhân, còn góp thêm nét đẹp đô thị vùng than.
Xuân này, toà chung cư của Công ty xây dựng mỏ Hầm lò I luôn ríu rít tiếng người. 3 phòng hạnh phúc ấm hơi người, các cô vợ trẻ ra thăm chồng trực ca ngày Tết, đon đả gặp ai cũng cười, chuyện “tế nhị” chả nói ra. Những người thợ xuân này bám mỏ, bảo vệ đường lò,… Bữa cơm tập thể, mỏ lo đủ hương vị: bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, còn có lon bia tạo hơi men ấm áp ngày Tết.
Xuân mới, phố thợ đổi thay, người vùng than không quên ký ức về một làng mỏ Mông Dương chênh vênh lưng núi. Khu phố nay có khác nhưng Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc Đoàn Văn Phên và bao người thổ cựu ở làng mỏ Mông Dương vẫn nặng lòng với ông Đoàn Văn Kiển. Họ coi vị Giám đốc xí nghiệp ngày ấy như vị Tiên Công mở đất dựng làng. Những cán bộ, thợ mỏ ngày nay của Hầm lò 1 đang kế nghiệp lớp lớp cha anh, tiếng thơm để lại, xây dựng doanh nghiệp văn hóa, mỗi khu chung cư, mỗi ngôi nhà thợ mỏ là một công trình tiện nghi, xây dựng đẹp, vẽ lại bức tranh làng mỏ Mông Dương.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-xuan-nghe-tich-lang-mo-201701231119118159.htm” button=”Theo vinacomin”]