Một ngày đầu mùa hạ, khai trường Than Cọc Sáu như bừng lên trong ánh nắng vàng. Những cỗ xe khổng lồ cần mẫn cõng trên lưng hàng trăm tấn đất đá ầm ầm leo theo các cung đường xoắn trôn ốc đưa đất đá từ các tầng than ra bãi thải. Những chiếc máy xúc gầm lên xoay vòng xúc đất đá lên đoàn xe ra vào tấp nập. Những chiếc máy khoan rít lên khoan sâu vào lòng đất… Khai trường rộng mênh mông ngút tầm mắt, nhưng tất cả đều trong một guồng máy làm việc liên tục. Chúng tôi hiểu, điều đó chính là câu trả lời cho mỗi năm Than Cọc Sáu khoan nổ và bốc xúc, vận chuyển trên 30 triệu mét khối đất đá với cung độ vài cây số… Những điều mắt thấy tai nghe trên khai trường khiến chúng tôi là người dẫu quen vì đã bao năm trong Ngành nhưng vẫn thấy ngỡ ngàng.
Kỹ sư Trần Đức Kha (phải) triển khai nhiệm vụ tại khai trường
Dẫn chúng tôi lên khai trường, Kỹ sư Trần Đức Kha, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Công ty, người đã nhiều năm lăn lộn trên khai trường Công ty cho biết: Đứng trên cao nhìn xuống moong có vẻ thưa thớt vậy thôi chứ hiện tại trên toàn bộ khai trường có tới gần 250 xe ô tô lớn nhỏ đang hoạt động. Tất cả chủ yếu với một mục tiêu là vận chuyển đất đá, một trong những quy trình quan trọng nhất của công nghệ khai thác lộ thiên. Chúng ta đã thường thấy thợ lò bước chân đến mức âm 300 để khai thác than theo công nghệ hầm lò là một trong những kỳ tích. Tuy nhiên, thợ mỏ lộ thiên Cọc Sáu cũng đã vượt ngưỡng âm 200 rồi. Vấn đề xuống đến âm 300 chỉ là trong nay mai. Để khai thác đến độ sâu như vậy, lòng moong ngày càng được mở rộng. Mỗi năm thợ mỏ Cọc Sáu tổ chức khoan nổ và bốc xúc, vận chuyển từ 35-37 triệu mét khối đất đá để khai thác trên 3 triệu tấn than nguyên khai. Vào mùa mưa, lòng moong này cũng chứa hàng chục triệu mét khối nước mà Công ty cần phải bơm khô để hạ moong hàng năm. Mới thấy, khai thác lộ thiên cũng ngày càng khó khăn, làm cho chi phí sản xuất, giá thành khai thác cũng vì thế mà tăng cao hơn. Làm thế nào để vận tải mấy chục triệu mét khối đất đá, hạ giá thành khai thác than đang là câu hỏi lớn đặt ra với công nhân, cán bộ Công ty.
Tại Phân xưởng Sửa chữa ô tô, nơi Kỹ sư Trần Đức Kha có một thời làm Quản đốc có tới trên 500 công nhân và thợ sửa chữa làm việc. Những cỗ máy to bằng cả tòa nhà ngất ngưởng đang được bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên phục vụ vận tải. Kỹ sư Trần Đức Kha cho biết, Công ty có hai phân xưởng chủ lực có nhiệm vụ sửa chữa các loại máy móc, thiết bị để duy trì sản xuất là Phân xưởng Sửa chữa ô tô và Phân xưởng Cơ điện. Phân xưởng Sửa chữa ô tô có nhiệm vụ sửa chữa tất cả các loại máy móc thiết bị liên quan đến máy nổ. Còn Phân xưởng Cơ điện sửa chữa tất cả các loại máy móc thiết bị liên quan đến động cơ điện. Đây là hai phân xưởng quan trọng của Công ty với nhiệm vụ là duy trì cho toàn bộ các loại thiết bị hoạt động trên khai trường. Kỹ sư Trần Đức Kha tâm sự, do ngày càng có nhiều loại thiết bị hiện đại nên đã cơ bản thay thế được sức lao động của con người. Trước đây, khai trường, người làm việc như nêm nhưng sản lượng vẫn không cao, nhất là các công việc làm đường cho xe chạy thường bằng thủ công nên tốn kém nhân lực và sức lao động. Tuy nhiên giờ đây, trên khai trường chủ yếu là máy móc, thiết bị. Con người vận hành ở trên các máy, mà năng suất lại cao. Làm đường giờ chủ yếu bằng máy, san gạt, là đường. Hiện nay, theo chỉ đạo của Tập đoàn, không chỉ các đơn vị trong khối khai thác than hầm lò mà cả các đơn vị khai thác lộ thiên cũng tiếp tục từng bước hiện đại hóa trong công tác vận tải đất đá. Hiện tuyến băng tải đá Cao Sơn đã đi vào hoạt động và cho hiệu quả rõ rệt. Trong trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Cọc Sáu, Cao Sơn và Đèo Nai, tuyến băng tải đá này là một trong những bước hiện đại hóa quan trọng giúp các đơn vị khai thác lộ thiên trên cùng một vùng này nâng cao sản lượng khai thác, hạ giá thành sản phẩm…
Trao đổi với chúng tôi, Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa ô tô Nguyễn Đức Thược cho biết, năm 2016, Công ty giao cho Phân xưởng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng khoảng trên 430 lượt thiết bị các loại của tất cả các máy móc, thiết bị có liên quan đến động cơ nổ. Những thiết bị hiện đại nhất cũng được anh em thợ sửa chữa của đơn vị phán đoán “bệnh” và bổ máy sửa chữa kịp thời. Anh tâm sự, bây giờ do máy móc tốt hơn nên số lượng công nhân sửa chữa cũng giảm đi chỉ còn trên 300 công nhân, “không như thời anh Kha”. Tuy nhiên, số lượng đầu xe máy được giao sửa chữa lại lớn hơn. Yêu cầu sửa chữa nhanh để giải phóng xe cho sản xuất luôn là nhiệm vụ quan trọng. Do vậy, việc tiếp cận công nghệ mới, nắm bắt được các loại thiết bị hiện đại để sửa chữa nhanh luôn được Phân xưởng quan tâm, trong đó quan trọng nhất là làm sao phải nâng cao trình độ tay nghề cho anh em. Do có nhiều chính sách ưu tiên cho người thợ có tay nghề và động viên anh em học tập nâng cao trình độ nên hiện nay trình độ tay nghề của anh em sửa chữa trong Phân xưởng ngày càng cao. Hiện nay, Phân xưởng có tới 35% anh em đạt trình độ tay nghề bậc 6/7 và 7/7, trên 50% anh em đạt bậc thợ 5/7. Chỉ còn lại một số ít anh em mới ra trường đang được tiếp tục kèm cặp nâng cao tay nghề. Công ty có chế độ phụ cấp riêng tiền lương cho anh em có tay nghề bậc cao. Chẳng hạn như thợ bậc 7 sẽ được phân công làm tổ trưởng từng tổ sửa chữa và mỗi tháng có mức phụ cấp thêm khoảng 1,7 triệu đồng/tháng chưa kể phụ cấp tổ trưởng.
Còn tại Phân xưởng Cơ điện, Quản đốc Đào Văn Đoàn cho biết, nếu như Phân xưởng Sửa chữa ô tô chuyên sửa chữa các loại động cơ, máy nổ thì Phân xưởng Cơ điện có nhiệm vụ sửa chữa bảo dưỡng toàn bộ các loại thiết bị liên quan đến động cơ điện như: Máy xúc EKG, các loại khoan điện, xúc điện, băng sàng, máy bơm nước… Vừa làm công tác sửa chữa thiết bị, nhưng Phân xưởng cũng luôn tham mưu với lãnh đạo Công ty nhiều giải pháp hiện đại hóa thiết bị như: Áp dụng hệ thống GPS để theo dõi lịch trình vận hành của thiết bị, lắp đặt hộp đen theo dõi quản lý dầu liệu, quá trình vận hành quản lý thiết bị… nhằm nâng cao tính tự giác của người lao động và công tác quản lý, điều hành thiết bị được chủ động hơn.
Chỉ tay về phía xa, trên các tầng than, nơi có những chiếc xe có vẻ chỉ nhỏ như những hòm diêm, anh Võ Cường, cán bộ Văn phòng Công ty vui cười: Nhìn xa những chiếc xe bé như vậy, nhưng thực chất chúng là những cỗ máy to như một tòa nhà mà chúng ta vừa thấy trong xưởng. Hiện toàn Công ty có 10 xe trọng tải lên đến 96 tấn. Anh đọc vanh vách, đó là loại xe CAT-777-D. Riêng tỷ trọng của loại xe này đã gần 76 tấn. Chỉ trọng lượng của động cơ đã là 5 tấn, như vậy nó mới có thể cõng được gần 100 tấn đất đá. Đường kính lốp của loại xe này là 2,7 mét. Giá trị xe lên đến trên 20 tỷ đồng, tức là khoảng hơn một triệu dollar. “Riêng một quả lốp có giá trị bằng một chiếc xe Camry rồi” – Anh Cường nói. Ngoài ra, Công ty có 31 xe Komatsu D785 có trọng tải 91 tấn. Còn lại, các loại xe đều có trọng tải từ 36-58 tấn. Tổng số gần 200 đầu xe ô tô. Bên cạnh đó, Công ty còn quản lý hàng trăm đầu thiết bị máy xúc điện, xúc thủy lực các loại, máy khoan, máy gạt, bơm nước, thiết bị sàng tuyển…
Với một lượng xe máy thiết bị khổng lồ như vậy, tôi nhẩm tính, thợ mỏ Cọc Sáu mới có thể thực hiện “di dời” hàng mấy chục triệu mét khối đất đá, bằng cả một quả núi như vậy mỗi năm. Nếu tính bằng đơn vị Tkm thì mỗi năm có tới cả trăm triệu Tkm đất đá được vận tải…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-quen-van-ngo-ngang-201607061355452157.htm” button=”Theo vinacomin”]