Cứ độ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, trên những tán lá dâu da xoan vươn rộng xòe bóng mát, những cành quả lúc lỉu trĩu trịt xen lẫn trong màu trắng tinh khôi của những cành hoa rung rinh trong gió. Cứ nhẹ nhàng như thế, cây dâu da xoan tự bao giờ đã trở thành một nét riêng thân thuộc của người dân phố mỏ Cẩm Phả.
Không đỏng đảnh trước sự đổi thay của thiên nhiên, loài cây ấy cứ bền bỉ vươn lên, dù bám trên sườn núi hay mạnh mẽ cắm thẳng rễ vào lòng đất khô cằn. Như bao loài cây khác khi đi qua mùa đông lạnh giá, dâu da chỉ còn lại trơ trọi những cành khẳng khiu. Nhưng khi xuân sang hạ tới, những chồi non lại thi nhau mọc lên tua tủa như chứng minh sức sống dẻo dai của mình. Thời gian này, nếu ghé thăm Thành phố công nghiệp xinh đẹp Cẩm Phả, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những cây dâu da ở ngay đầu cầu Lộ Phong, khúc cua Tài Còng quen thuộc, những cây dâu da lâu năm ven đường cầu 1 Cẩm Đông hay chân cầu Cọc Sáu. Dưới gốc dâu da, buổi sáng là quán chè xít của một bà cô tần tảo, chắt chiu từng đồng với mỗi chai nước ngọt, tép thuốc lào… Chiều đến, lũ trẻ con tíu tít nô đùa, tinh nghịch trèo lên cành cây, hòng bói cho được chùm quả vàng vàng, đo đỏ mới vừa chín tới cho thỏa chí tuổi thơ. Bình dị và lặng lẽ, dâu da đã đi vào kỷ niệm của bao thế hệ người thợ mỏ, và trong cả vần thơ của cố thi sỹ Ngô Tiến Cảnh:
Cẩm Phả ơi!
Miền đất xa xôi mà sao quen thuộc
Nhịp máy âm vang dòng than xuôi ngược.
Trăng sáng mơ màng đường hoa dâu da
Ríu rít tiếng cười vào đêm ca ba …
Và ngày hôm nay, dẫu cho sự xuất hiện ngày càng nhiều của “những người bạn mới”: Những gốc phượng non, những cây sưa xanh mới trồng hay sắc vàng của những chùm muồng hoàng yến… thì loài cây bình dị ấy vẫn cứ vươn cao từng ngày, hòa mình trong ánh nắng vàng như rót mật và sẽ luôn là một trong những điều đặc biệt khi mỗi người hướng lòng mình về hai tiếng “Cẩm Phả” thân quen.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-da-mot-mien-ky-uc-201809061604107431.htm” button=”Theo vinacomin”]