Công ty Luyện đồng Lào Cai được thành lập ngày 1/8/2007 theo Quyết định 324/ QĐ – HĐQT của Hội đồng quản trị Tổng Công ty Khoáng sản. Đứng chân trên địa bàn khu công nghiệp Tằng Loỏng – Bảo Thắng – Lào Cai, Công ty có nhiệm vụ chủ yếu là tiếp nhận và chế biến sâu tinh quặng đồng từ Nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền. Cùng với Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Luyện đồng Lào Cai là hai mắt xích quan trọng của Tổ hợp đồng Sin Quyền nhằm thực hiện chủ trương khai thác và chế biến sâu tài nguyên khoá
Luyện đồng Lào Cai là Nhà máy luyện đồng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Nhà máy bắt đầu khởi công ngày 15/2/2005, nhưng phải đến tháng 3/2006 mới chính thức xây dựng và 15/10/2007 kết thúc xây lắp. Ngày 13/11/2007, ngọn lửa đầu tiên được đưa vào lò SKS để nhóm sấy lò lần đầu, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Công ty. Tuy nhiên, giai đoạn này, công tác nấu luyện gặp rất nhiều khó khăn. CBCNV đều trẻ, lần đầu tiên thao tác nấu luyện công nghệ lò SKS do đó các sự cố do thao tác và lắp đặt thiết bị rất nhiều. Có thể kể tới như: hệ thống nồi hơi nhiệt thừa phải dừng để xử lý cặn và phốt phát hóa đường ống; bơm tuần hoàn không đảm bảo các thông số kỹ thuật để hoạt động, hệ thống két nước cửa nạp liệu 7 lần bị bục; hệ thống ô xy, khí nén trục trặc không hoạt động được do các yêu cầu kỹ thuật không đạt, đặc biệt là hệ thống quạt gió nhà 306, quạt gió SO2 hạng mục 318… Song tập thể CBCNV vẫn kiên trì cùng các nhà thầu cố gắng khắc phục các sự cố để đưa dây chuyền vào hoạt động.
Đến ngày 31/1/2008, Công ty tiến hành cho ra mẻ đồng đầu tiên; dù rằng, công tác thiết kế vẫn còn nhiều khâu không phù hợp, phải thay đổi, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện trong quá trình sản xuất. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, Nhà máy 3 lần gặp sự cố thủng lò SKS. Phải tới ngày 1/6/2008, Nhà máy mới bắt đầu quay lò cấp liệu thổi luyện bình thường, duy trì sản xuất tương đối ổn định, sản lượng đồng dương cực trong tháng 6/2008 đạt 348 tấn, trong 6 tháng đầu năm 2008 đạt 374 tấn. Và cũng trong năm 2008, Tổng công ty Khoáng sản chính thức tách, giao khoán toàn bộ công tác tổ chức sản xuất để Công ty Luyện đồng Lào Cai tự chủ và tổ chức cắt băng khánh thành vào ngày 25/8/2008.
Đến những kết quả ấn tượng…
Sứ mệnh của Công ty là chế biến sâu khoáng sản tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế; luyện và chế biến kim loại đồng, vàng, bạc và các khoáng sản đi kèm; sản xuất a – xít Sunfuríc, đất hiếm từ tinh quặng đồng; thiết kế, gia công, chế tạo, sửa chữa thiết bị luyện kim, vận tải, cơ điện. Theo thiết kế, công suất của Nhà máy là sản xuất mỗi năm 10.000 tấn đồng tấm ca tốt 99,95%; 42.000 tấn a – xít H2SO4 95%; 350 kg vàng 99,99%; 150 kg 99%.
Tuy nhiên, do liên tiếp gặp phải sự cố trong quá trình vận hành nên những năm đầu đi vào hoạt động, Nhà máy đạt sản lượng thấp. Năm 2008, năm đầu tiên ra sản phẩm, Công ty chỉ sản xuất được 2.550 tấn đồng, 55 kg vàng với doanh thu 146 tỷ đồng. Sau đó, Công ty nhanh chóng tăng tốc cả về sản lượng, cũng như chất lượng sản phẩm. Năm 2009, sản lượng đồng âm cực đã tăng hơn gấp đôi so với 2008, đạt 6.003 tấn; sản lượng vàng thỏi tăng gấp 4 lần, đạt 258 kg… Đặc biệt là năm 2011 vừa qua được coi là năm “được mùa” của Luyện đồng Lào Cai khi Công ty cán đích kế hoạch năm trước 20 ngày, với các chỉ tiêu sản xuất rất ấn tượng như 8.138 tấn đồng âm cực, 302 kg vàng thỏi, 190 kg bạc thỏi và 34.600 tấn a – xít H2SO4; Doanh thu đạt 1.400 tỷ, thu nhập bình quân của CBCNV – LĐ là hơn 8,5 triệu đồng/người/tháng. So sánh với năm 2008, sản xuất đồng đã tăng 371%; vàng tăng 687%; bạc thỏi tăng 210%; doanh thu tăng 939%, thu nhập của người lao động tăng 276%.
Theo ghi nhận của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp của Tỉnh đã nỗ lực triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm, duy trì sản xuất ổn định và tiếp tục phát triển. Trong số này, Công ty Luyện đồng Lào Cai được đánh giá là đơn vị giữ vững đà tăng trưởng với nhiều sản phẩm chế biến tăng cao so với cùng kỳ. Hết 6 tháng, Công ty đã sản xuất được 4.781 tấn đồng ca – tốt 95%, đạt 53% kế hoạch năm; 194,78kg vàng 99,9%, bằng 72%; 167,8 kg bạc thỏi, bằng 84,9% và 19.919 tấn a xít sulfuaric, đạt 55,3% kế hoạch năm. Công ty đã cơ bản làm chủ được công nghệ, bán thành phẩm quay vòng sinh ra trong kỳ được xử lý tương đối triệt để và đảm bảo bố trí đủ việc làm cho 590 công nhân, cán bộ, kỹ sư với mức thu nhập bình quân từ lương và ăn ca là 7,4 triệu đồng/người/tháng.
Với những kết quả ý nghĩa này, Công ty đã được Tổng công ty Khoáng sản, Tập đoàn và Tỉnh Lào Cai khen thưởng về thành tích trong hoạt động SXKD. Nhà ăn, khu tập thể của Công ty nhiều năm liền được Tập đoàn công nhận và tặng bằng khen “Khu tập thể văn minh, lịch sự”. Nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động đã được Bộ Công thương tặng Bằng khen như kỹ sư Vũ Ngọc Quý – Phó Giám đốc Công ty, công nhân Nguyễn Chí Thành – PX Điện phân…
Đội ngũ công nhân, kỹ sư trưởng thành nhanh chóng
Một trong những kết quả nổi bật trong chặng đường 5 năm xây dựng và phát triển của Luyện đồng Lào Cai chính là sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân viên lao động của toàn Công ty. Có được điều đó là bởi sự quan tâm đầu tư cho yếu tố “con người” của lãnh đạo Tổng Công ty Khoáng sản ngay từ những ngày đầu. Tổng Công ty đã đưa công nhân đi đào tạo, học tập công nghệ mới ở Vân Nam (Trung Quốc). Riêng đối với khâu sản xuất đồng qua lò SKS, Công ty đã tuyển chọn 10 người đi học ở nước bạn tại tỉnh Hồ Nam. Những công nhân này đã tiếp thu kinh nghiệm và trình độ công nghệ mới rất tốt về vận dụng vào quá trình làm việc tại Nhà máy. Bên cạnh đó, xác định con người là yếu tố trung tâm, Công ty luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực một cách khoa học, bài bản. Ngoài các khóa đào tạo định kỳ hàng năm cho cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật, Công ty chú trọng tập trung đào tạo tại chỗ cũng như khuyến khích từng CNCB tự trau dồi, học hỏi. Chính vì vậy, từ những công nhân còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, giờ đây, các kỹ sư và người lao động của Công ty đã tự tin vận hành Nhà máy một cách an toàn, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển không ngừng của Công ty.
Theo Giám đốc Trịnh Văn Tuệ, do địa bàn đơn vị ở vùng sâu, vùng xa nên Công ty có chiến lược cụ thể để thu hút, “giữ chân” người lao động nhất là lực lượng trẻ. Bất cứ ai có năng lực, tâm huyết gắn bó lâu dài với Công ty đều được đơn vị tạo mọi cơ chế thuận lợi từ điều kiện làm việc, thu nhập đến môi trường sống để anh em yên tâm công tác. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, Công ty đã đầu tư 21 tỷ đồng xây dựng khu tập thể khang trang, hiện đại H76 với 3 dãy nhà cao tầng trang bị đầy đủ tiện nghi. Đồng thời Công ty cũng xây dựng 1 nhà ăn tập thể 300m2 x2 tầng để phục vụ người lao động. Không chỉ quan tâm, tạo điều kiện mà lãnh đạo Công ty còn mạnh dạn trao cơ hội, sắp xếp nhiều người trẻ vào những vị trí quan trọng trong Công ty để họ phát huy hết năng lực. Bởi thế, các kỹ sư, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề ở nhiều đơn vị đã tìm đến Công ty.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được sau 5 năm đã khẳng định sự trưởng thành không ngừng của tập thể CBCNV Công ty, nhất là trong việc nắm bắt làm chủ công nghệ tiến tới phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Thành công ban đầu trong giai đoạn khởi nghiệp chính là tiền đề vững chắc để Công ty luyện đồng Lào Cai vững bước trên con đường xây dựng và phát triển bền vững. Nhìn lại chặng đường đã đi, những dấu ấn để lại trong những ngày khởi nghiệp đầy khó khăn sẽ là những kỷ niệm đẹp cho những người lao động chân chính yêu nghề, gắn bó với Công ty. Luyện đồng đã thay màu áo mới, những người lao động hôm nay đang mang trên mình một trách nhiệm nặng nề hơn đó là: “khẳng định thương hiệu”, song với những thành tích đã đạt được, tin rằng, sẽ có một “Luyện đồng sáng ngời” trong tương lai.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-an-5-nam-cua-luyen-dong-lao-cai-2321.htm” button=”Theo vinacomin”]