Từ ngày 22 đến 24/8/2017, theo lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Indonesia. Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải tham gia Đoàn công tác của Bộ Công Thương tháp tùng Tổng Bí thư và đã có các hoạt động xúc tiến quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp đối tác của Indonesia trong lĩnh vực cung cấp than.
Qua bài viết dưới đây, Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về đất nước Indonesia cũng như các triển vọng về hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp than.
Đất nước “vạn đảo”
Indonesia thuộc vùng Đông Nam Á, có diện tích khoảng 1.919.000 km² và có chung đường biên giới đất liền với 3 nước: Malaysia, Đông Timor, Papua Tân Ghi nê, gồm tất cả hơn 16.000 đảo lớn, nhỏ với hơn 5.000 hòn đảo có người sinh sống. Indonesia có thủ đô là Jakarta, đồng thời đây cũng là thành phố lớn nhất.
Đa số người dân Indonesia theo đạo Hồi. Bởi vậy, trong lối sống cũng như văn hoá sinh hoạt của người Indonesia luôn mang ảnh hưởng của tư tưởng Hồi giáo. Hiện tại, Indonesia là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới với hơn 238 triệu người và dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới. Khoảng 86,1% dân số theo đạo Hồi (tương đương với trên 200 triệu người).
Sự đa dạng chủng tộc, sự đa dạng tôn giáo đã góp phần tạo nên những nét văn hoá đặc sắc cho đảo quốc này. Trải qua hàng thế kỷ đến nay, những hòn đảo xanh biếc màu ngọc bích của quần đảo Indonesia đã có sức quyến rũ mạnh mẽ đến nhân loại. Những cánh rừng gỗ đàn hương xanh ngút ngàn, vùng đảo thiên đường Bali xinh đẹp, những đền đài trạm trỗ sắc sảo, những bức điêu khắc tinh tế, những bãi biển rợp nắng kỳ diệu, những ngọn núi vĩ đại và cả những núi lửa oai hùng luôn làm hút hồn những ai ghé thăm đảo quốc Indonesia.
Indonesia là một cường quốc kinh tế của Đông Nam Á và là thành viên của nhóm G20. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Indonesia là một trong số ít các quốc gia có thể tiếp tục tăng trưởng nền kinh tế. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của quốc gia là hàng dệt may, cao su, than đá và dầu khí.
Đôi nét và ngành công nghiệp than Indonesia
Than của Indonesia, về chất lượng, tính theo nhiệt năng khô (ADB, kcal/kg) được phân thành 4 nhóm: nhiệt năng rất cao (>7100); nhiệt năng cao (6100÷7100); nhiệt năng trung bình (5100÷6100); nhiệt năng thấp (<5100).
Tổng tiềm năng than (coal resources) của Indonesia khoảng 161 tỷ tấn. Trong đó, than có thể khai thác bằng phương pháp lộ thiên khoảng 121 tỷ tấn và bằng phương pháp hầm lò khoảng 40 tỷ tấn.
Ngành than Indonesia trong thời gian qua, có mức tăng trưởng rất nhanh. Độ mở của ngành than Indonesia thuộc loại lớn nhất thế giới (hơn 75% sản lượng than của Indonesia đã được xuất khẩu). Chính sách của Indonesia liên quan đến xuất khẩu than là tương đối rõ ràng. Trong thời gian tới, nguồn than xuất khẩu từ Indonesia sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cân bằng năng lượng của các nước châu Á và đặc biệt trong khu vực ASEAN.
Tiềm năng “mở”
Từ ngày 22 đến 24/8/2017, theo lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Indonesia. Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải tham gia Đoàn công tác của Bộ Công Thương tháp tùng Tổng Bí thư và đã có các hoạt động xúc tiến quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp đối tác của Indonesia trong lĩnh vực cung cấp than.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Giám đốc và Đoàn công tác của Tập đoàn đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia tổ chức, làm việc với một số khách hàng than tại Jakarta – Indonesia và tham gia buổi lễ ký kết hợp tác của các doanh nghiệp hai nước. Dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải và ông Hamid Mina – Phó Chủ tịch Công ty PT. BINTANG DELAPAN CAPITAL đã ký kết “Bản ghi nhớ về cung cấp than dài hạn”. Theo đó, TKV sẽ cung cấp than antracite của Việt Nam cho PT. BINTANG DELAPAN CAPITAL để sử dụng cho các dự án sản xuất Nicken của BINTANG. Thời hạn hợp tác dự kiến trong giai đoạn 2018 – 2022.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Công ty PT Intra Asia Indonesia của Indonesia đã ký kết biên bản ghi nhớ với một công ty của Việt Nam để hợp tác xây dựng một cảng vận chuyển than tại miền Nam Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo Quy hoạch điện VII, sẽ có 61 dự án nhiệt điện than phải xây dựng với tổng công suất là 71.710MW, từ đó, tính ra nhu cầu than của ngành Điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn, năm 2030 là 171 triệu tấn. Trong khi đó, theo Quy hoạch ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 thì sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2020 chỉ đạt 60 – 65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn. Do đó, để giải quyết nguồn than cho ngành Điện không còn con đường nào khác là phải nhập khẩu.
Hơn nữa, than của Việt Nam là loại than antraxit có độ tro khá cao và độ bốc (nhiệt trị) không cao. Nên việc phối trộn với than nhập khẩu để tăng hiệu quả kinh tế cho các nhà máy nhiệt điện chạy than là cần thiết.
Trước thực trạng đó, TKV đã xác định 4 đối tác nhập khẩu than là: Australia, Indonesia, Nga và Nam Phi. Đặc biệt, Indonesia là quốc gia có điều kiện địa lý gần Việt Nam và là thành viên của Asean.
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp)
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dat-nuoc-van-dao-va-tiem-nang-hop-tac-201709261415388853.htm” button=”Theo vinacomin”]