Tiếp tục với tư duy chiến lược “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”, năm 2017, Trường Quản trị Kinh doanh – Vinacomin (VBS) đã phối hợp tốt với Tập đoàn mở nhiều khoá bồi dưỡng đào tạo cán bộ từ trung đến cao cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển của các đơn vị trong tình hình mới. Tạp chí TKV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đăng Phú, Hiệu trưởng nhà trường, xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Đăng Phú, Hiệu trưởng Trường Quản trị Kinh doanh – Vinacomin (trái), nhận Bằng khen của TGĐ Tập đoàn Đặng Thanh Hải
PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí TKV. Được biết năm 2017, VBS đã khá thành công trong lĩnh vực bồi dưỡng đào tạo cán bộ, được Tập đoàn và các đơn vị đánh giá cao. Vậy đâu là điểm nhấn trong công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ của Tập đoàn trong năm qua, thưa ông?
Ông Phạm Đăng Phú (P. Đ.P): Công tác bồi dưỡng và đào tạo cán bộ trong Tập đoàn là chức năng và nhiệm vụ của nhà trường, đây là công tác được Tập đoàn, các đoàn thể cũng như các đơn vị đặc biệt quan tâm. Trong nhiều năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đã có nhiều hình thức tổ chức như học tập trung, học tại các đơn vị hay gửi đi đào tạo tại các nước tiên tiến… Nhà trường đã liên kết nhiều học viện, các trường đại học để tham gia đào tạo, bồi dưỡng các chương trình. Cũng trong năm 2017, VBS đã có đột phá trong công tác tổ chức thực hiện các chương trình, đó là tự chủ trong việc thiết kế và xây dựng chương trình cũng như tổ chức thực hiện, chương trình đào tạo hiện nay đã thực sự thiết thực đối với yêu cầu đặt ra của nguồn nhân lực quản lý trong Tập đoàn và các đơn vị mang những kiến thức, kỹ năng hiện đại đối với công tác lãnh đạo, quản lý hiện nay. Điều đáng nói ở đây đó là nhà trường đã mạnh dạn tham gia tư vấn về bồi dưỡng đào tạo cho cán bộ các đơn vị trong Tập đoàn trên cơ sở khảo sát nhu cầu và phân tích thực trạng tại đơn vị, do đó mỗi chương trình đào tạo tại mỗi đơn vị đều được thiết kế riêng, phù hợp với yêu cầu đặt ra đối với công tác cán bộ, các chương trình đều thiết kế theo hướng hiện đại hơn, tiếp cận được với các công nghệ cao trong cả phương pháp đào tạo bồi dưỡng cũng như kiến thức mới hiện nay. Ngoài ra, nhà trường đã đưa vào đào tạo, bồi dưỡng nhiều công cụ quản lý hiện đại đã được áp dụng hiệu quả ở các nước tiên tiến như: KPI, 5S, TPM…
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các chương trình đó?
Ông P.Đ.P: Chẳng hạn như chương trình KPI, đây là một công cụ quản trị nhân sự hiện đại đã được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, hiện nay nhiều DN của Việt Nam cũng đang áp dụng và mang lại hiệu quả cao như một số ngân hàng, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Traphaco… Nó giải quyết được bài toán về đánh giá hiệu quả và công bằng về kết quả công việc mà mỗi cán bộ, nhân viên thực hiện theo từng tháng, năm qua đó khuyến khích nâng cao năng suất lao động của mỗi cá nhân tham gia công việc. Hay như công cụ quản lý 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng) là mô hình làm việc hiệu quả đã được áp dụng tại Nhật Bản, chương trình này được Trường đưa vào đào tạo cho cán bộ cấp công trường, phân xưởng và triển khai thực tế tại một vài đơn vị đã cho thấy có những chuyển biến tích cực. Chương trình đào tạo trực tuyến, bước đầu nhà trường đang áp dụng cho mô hình đào tạo tiếng Anh online, các học viên được tham gia học tập bất cứ khi nào bố trí được thời gian của mình, hệ thống sẽ kiểm tra đánh giá tự động… Việc tổ chức học tập như vậy giúp các cán bộ không bị mất thời gian ngừng làm việc tại đơn vị và cũng là thực hiện chủ trương của lãnh đạo Tập đoàn là tăng cường đẩy mạnh tin học hoá, tự động hoá để nâng cao hiệu quả làm việc…
PV: Được biết, năm 2017, nhiều chương trình đào tạo bồi dưỡng các chuyên ngành được các đồng chí lãnh đạo, các Ban chuyên môn Tập đoàn trực tiếp tham gia giảng dạy. Cá nhân Ông đánh giá thế nào vấn đề này?
Ông P. Đ.P: Đúng là năm vừa qua có nhiều khoá bồi dưỡng chuyên ngành đã được các đồng chí lãnh đạo và chuyên gia các Ban trực tiếp tham gia truyền đạt. Đây là đội ngũ giảng viên kiêm chức thực sự có hiệu quả. Năm 2017, nhà trường đã mở lớp bồi dưỡng kiến thức sư phạm cho các Giảng viên kiêm chức này, qua đó mà các đồng chí giảng viên có thêm phương pháp truyền giảng hiện đại để tăng hiệu quả đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng hơn. Các giảng viên kiêm chức là các chuyên gia đầu ngành và có kiến thức thực tế nhất và hiểu biết cặn kẽ nhất, về điều kiện kỹ thuật, điều kiện tự nhiên cũng như có nhiều kinh nghiệm “xương máu” trong sản xuất của các đơn vị. Sau mỗi khoá học, Nhà trường đều kiểm tra, đánh giá lại kết quả học tập cũng như trao đổi ngược lại với học viên để rút kinh nghiệm cho các lớp bồi dưỡng sau. Qua đó cho thấy, các lớp bồi dưỡng do các giảng viên kiêm chức Tập đoàn trực tiếp truyền đạt luôn được các học
viên đánh giá cao và tham gia học tập có nhiều cảm hứng hơn. Vừa qua nhân dịp lễ kỷ niệm 82 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng chí Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải đã đến tặng hoa và chúc mừng đối với 52 đồng chí Giảng viên kiêm chức đã tham gia giảng dạy trong thời gian qua. Tổng Giám đốc đã nhấn mạnh: Đây là vốn quý của Tập đoàn, làm sao để các đồng chí giảng viên có nhiều cơ hội tham gia và truyền lửa cho thế hệ sau.
PV: Vậy đâu là điều Ông trăn trở nhất về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ hiện nay, thưa Ông?
Ông P.Đ.P: Tôi cho rằng, công tác bồi dưỡng, đào tạo luôn là nhiệm vụ quan trọng. Nó là điều kiện cần thiết đối với một doanh nghiệp triển khai chiến lược phát triển. Hiện nay, cán bộ nói chung cũng đã được qua nhiều khóa đào tạo, vốn kiến thức rất nhiều, song qua thực tế có nhiều điều khác biệt, đồng thời khoa học ngày càng phát triển, chúng ta không quan tâm đến bồi dưỡng, đào tạo thì con người sẽ đi vào lối mòn của chủ nghĩa kinh nghiệm mà không theo kịp tiến độ phát triển của xã hội, trong khi đó hiện nay, sức cạnh tranh vô cùng khốc liệt, không chịu đổi mới, tư duy sáng tạo, không áp dụng khoa học tiên tiến mà chỉ dùng sức người thì không thể cạnh tranh nổi. Với vai trò là đầu mối tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, được sự quan tâm của Đảng uỷ, HĐTV và lãnh đạo điều hành, đặc biệt là sự sâu sát của Ban TCNS Tập đoàn, Nhà trường luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo cũng như phục vụ tốt nhất cho các học viên đến học tập tại trường. Tuy nhiên, trăn trở nhất hiện nay là làm sao để nhà trường phát huy mạnh hơn nữa vai trò của đào tạo, đưa nhiều chuyên đề thực tiễn, lôi kéo sự tham gia của nhiều chuyên gia các đơn vị để cùng đào tạo, mỗi một con người tăng hơn được năng suất lao động có thêm được giải pháp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí thì sẽ tạo lên một sức mạnh thực sự của nguồn nhân lực trong Tập đoàn. Ngoài ra, cơ sở vật chất của Nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu đối với đào tạo, cơ sở đào tạo hiện nay còn quá nghèo nàn và ngày càng xuống cấp, trong khi đó yêu cầu mà Tập đoàn đã đặt ra đối với cơ sở đào tạo là phải hiện đại hóa, phải xây dựng theo mô hình của công viên khoa học, hội đồng thành viên của Tập đoàn đã có nghị quyết đồng ý cho nhà trường tìm địa điểm mới để đâu tư xây dựng mới từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ, nhiều học viên tham gia khóa học kêu nhiều, hiệu trưởng đã phải lên lớp để kêu gọi sự thông cảm nhiều nhưng kêu mãi rồi, thông cảm mãi rồi mà vẫn chưa đáp ứng được.
PV: Vậy lãnh đạo Nhà trường đã có phương hướng khắc phục như thế nào để tiếp tục làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, thưa Ông?
Ông P.Đ.P: Nhà trường đang trình Tập đoàn về mô hình sau tái cơ cấu và chiến lược phát triển của Nhà trường, trong đó nhấn mạnh yêu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học đào tạo, mạnh dạn đưa mô hình tư vấn quản trị doanh nghiệp nhằm chung tay với doanh nghiệp trong phát triển mô hình quản trị hiện đại, con người hiện đại. Về cơ sở vật chất, Nhà trường cũng đã báo cáo với lãnh đạo Tập đoàn và sẽ từng bước được đầu tư. Tuy nhiên, về nội dung đào tạo mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Lãnh đạo nhà trường đã xác định trong giai đoạn Tập đoàn các Công ty than, khoáng sản Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc hiện nay, vấn đề đặt ra với mỗi cán bộ là phải luôn thay đổi tư duy, có kiến thức thực tế để làm việc theo hướng: Áp dụng công nghệ hiện đại cho sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh trong từng sản phẩm… Và đặc biệt là tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu trong công việc. Đây là những đòi hỏi từ thực tiễn khách quan trong giai đoạn hiện nay. Do đó, công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ cũng phải có cách nhìn mới. Nhà trường đang đề xuất các giải pháp đào tạo “Nghề” cho cán bộ. Tức là cán bộ được định hướng có chuyên môn sâu, chuẩn hoá các tiêu chuẩn cho từng vị trí, chức danh, mang tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn như: Nghề Giám đốc; nghề Bí thư; nghề Chủ tịch, nghề kiểm soát, hay đầu tư, xây dựng… tại sao không?
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dao-tao-nghe-cho-can-bo-tai-sao-khong-201802081805027301.htm” button=”Theo vinacomin”]