Gần đây, có vị Giám đốc cho xem tin nhắn và chia sẻ với chúng tôi: Đúng là thời đại công nghệ thông tin, Giám đốc mỏ nhận tin nhắn rào rào của người lao động. Tin nhắn về các hoạt động sản xuất hàng ngày cũng có, họ thông tin thường xuyên những diễn biến trong mọi mặt đời sống lao động, nhưng cũng có những tin nhắn trách móc về sự thay đổi của kế hoạch sản xuất…
Cầm trên tay chiếc điện thoại, vị Giám đốc nói lớn: Đây nhà báo xem, đây là một tin: Mời ông Giám đốc vào mà tắm. Nước nóng thế này ông có tắm được không? Đấy, nước nóng quá cũng kêu Giám đốc. Đây là tin nhắn của thợ lò trẻ thôi, chứ thợ lò lâu năm phải tắm nước nóng mới đã, do thói quen rồi. Khó chiều lắm. Một tin khác: Sao đầu năm ông nói một đằng, bây giờ làm một nẻo? Giảm kế hoạch, giảm lương thế hả ông Giám đốc!? Khổ lắm, làm Giám đốc ai đời lại muốn giảm sản lượng đâu, chỉ muốn tăng. Nhưng thị trường tiêu thụ chậm, cả Tập đoàn cùng phải điều chỉnh. Phải sản xuất loại than nào phù hợp với thị trường mới tiêu thụ được chứ!…
Nói vậy thôi, chứ tin nhắn nào ông cũng trả lời hết. Nếu nhiều tin nhắn xoay quanh những vấn đề này là ông tổ chức gặp mặt công nhân, đối thoại, giải thích để đông đảo người lao động nắm được chủ trương, định hướng hay những thay đổi trong SXKD. Các cụ nhà ta đã có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Để người lao động chưa hiểu thấu đáo về kế hoạch sản xuất kinh doanh hay những điều chỉnh trong điều hành sản xuất, ắt là mình có lỗi ở khâu tuyên truyền tới người lao động. Không thể coi thường một khâu nào cả. Tư tưởng không thông, đeo bình tông không nổi. Nếu một người hay mười người có thể không sao, nhưng đến cả trăm người không hiểu là thành chuyện không nhỏ nữa. Rất có thể sản xuất sẽ bị ảnh hưởng bởi những khâu tưởng chừng như vô hại này. Mặc dù còn có nhiều vấn đề cần bàn, nhưng đây thực sự là một kênh quan trọng giữa người lao động với nhà điều hành doanh nghiệp để hai bên gặp được nhau để cùng hướng tới một mục tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Bên cạnh đó, qua các sự việc từ những tin nhắn cũng cho thấy, chính người lao động cũng phải thực sự chia sẻ cùng với doanh nghiệp trong các giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh. Giữa thời đại kinh tế thị trường và hội nhập, bất cứ một thay đổi nào trên thị trường cả về kinh tế lẫn chính trị đều có thể tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, điều hành linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh là một trong những yêu cầu quan trọng. Có thể lúc này phải tăng cường sản xuất sản phẩm này, giảm sản phẩm kia và ngược lại là chuyện hết sức bình thường. Vì vậy, thu nhập và việc làm có thể bị xáo trộn, thậm chí, trong trường hợp khắc nghiệt hơn có thể còn bị thiếu hoặc mất việc, giảm thu nhập… Lâu nay, nhất là trong thời kỳ bao cấp, chúng ta luôn trong điều kiện ổn định vì được sự bảo hộ gần như toàn diện của Nhà nước. Nhưng giờ đây, trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp tham gia thị trường với sân chơi công bằng, minh bạch. Nếu không linh hoạt trong điều hành sản xuất theo thị trường, doanh nghiệp sẽ giảm sức cạnh tranh, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, và nguy hiểm hơn là khó có thể tồn tại. Đúng như lời vị Giám đốc chia sẻ, không ai đứng đầu doanh nghiệp lại muốn doanh nghiệp của mình hoạt động kém đi. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các nhà điều hành, các nhà quản lý trong vận hành doanh nghiệp mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng cần được sự cảm thông chia sẻ của người lao động. Khi dân chủ được phát huy, người lao động cần lấy tinh thần làm chủ doanh nghiệp của mình, cùng đứng về phía các nhà quản lý để vừa sản xuất, vừa tham gia quản lý góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển. Đó cũng chính là quyền lợi để ổn định việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho mình và đồng nghiệp.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dan-chu-nhung-can-su-se-chia-201608031442485143.htm” button=”Theo vinacomin”]