Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng là một trong hàng chục huyện được xếp vào danh sách những huyện nghèo nhất nước. Theo Chương trình 30a của Chính phủ, Tập đoàn TKV được Chính phủ giao là đơn vị giúp đỡ 3 huyện nghèo Đam Rông (Lâm Đồng), Mèo Vạc (Hà Giang) và Ba Bể (Bắc Kạn) kể từ năm 2009. Từ đó đến nay, TKV đã giúp các huyện này tổng số gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, con đường thoát nghèo quả là còn nhiều gian nan bởi không chỉ khó về tiền vốn, mà cái khó nằm ngay trong những tập tục lạc hậu không dễ gì thay đổi của chính bà con nơi đây…
Từ Đà Lạt, thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, phải đi mất gần 3 giờ đồng hồ với trên 100 kilômét đường rừng mới đến được nơi xa nhất của huyện Đam Rông. Không giống như các vùng đất khác trên Tây Nguyên, Đam Rông thực sự là một huyện miền núi với địa hình phức tạp hơn khiến cho việc trồng trọt, canh tác, đi lại, lưu thông hàng hoá của bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn. Về điểm này, các huyện Ba Bể (Bắc Kạn) hay Mèo Vạc (Hà Giang) cũng có điểm chung như vậy. Nhưng Đam Rông dường như còn khó hơn bởi cả huyện có tới trên 70% bà con nhân dân là dân tộc thiểu số với những tập tục lạc hậu khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều…
Chuyện của Liêng Hót Ha Hai
Tiếp chúng tôi, ông Liêng Hót Ha Hai, Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đam Rông nói chuyện như vừa thoát ra khỏi cái gông cùm của những tập tục ngay trong gia đình, dòng họ và thôn bản của mình. Liêng Hót Ha Hai là người dân tộc K’ho-Cil, một trong những dân tộc chiếm đa số trên địa bàn huyện Đam Rông. Ngoài K’ho-Cil còn có nhiều dân tộc khác nữa cùng sinh sống trên địa bàn. Ông bảo, ông là người may mắn và đã vượt qua nhiều khó khăn để bước ra khỏi những lạc hậu khiến người dân K’ho-Cil cũng như những dân tộc thiểu số khác chìm trong đói nghèo nhiều năm qua. Trong đó, sinh con nhiều và con cái không được ăn học đầy đủ là một trong những nguyên nhân chính trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Gia đình Liêng Hót Ha Hai có tới 10 người con. Cuộc sống khó khăn đã khiến 2 người anh chị không qua khỏi số mệnh. Tám anh em còn lại ngày ngày làm lụng vất vả nhưng cũng chỉ khá hơn những gia đình khác đôi chút. Nhận ra điều đó, Liêng Hót Ha Hai ngày ngày đi kiếm củi, kiếm măng rừng và dốc tâm học tập. Tuổi thơ của ông dường như chỉ biết đến học và làm khiến nhiều bạn bè xa lánh. Đi học xa, vất vả nhưng ông luôn tự thầm nhắc mình vượt qua mặc cho nhiều bạn bè dè bỉu. Thường trong đám bạn bè của ông chỉ học hết cấp tiểu học, một số học được đến hết THCS. Còn Liêng Hót Ha Hai cứ cắm đầu, cắm cổ học hết THPT rồi học Đại học Sư phạm Đà Lạt. Học xong, Liêng Hót Ha Hai là “mỳ chính cánh” của huyện vì giáo viên là người dân tộc thiểu số khá hiếm. Ông được điều về giảng dạy tại huyện rồi được bầu làm lãnh đạo huyện. Trong quá trình vừa giảng dạy, Liêng Hót Ha Hai cũng đã tiếp tục hàm thụ cao học và đạt trình độ Thạc sỹ Quản lý giáo dục. Với cương vị lãnh đạo và đã trải qua nhiều vất vả, ông sắn tay vào tuyên truyền, vận động bà con sinh đẻ kế hoạch, rồi tìm mọi cách cho con em được học hành.
Với người dân tộc K’ho Cil, chuyện học đã như vậy, chuyện lấy vợ, gả chồng tại thôn bản cũng là chuyện khá đặc biệt. Ông kể, dường như trai gái thôn bản chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn làm ăn trong thôn bản với cái nghề chăn nuôi, nương rẫy. Lớn lên, bố mẹ có con gái thường ngắm lấy một trai bản rồi đến gia đình hỏi cưới thay cho con gái. Nếu chẳng may, con gái nhà nào bị chê thì sẽ chẳng đi hỏi đâu được chồng nữa, chỉ có nước ở vậy với gia đình. Tập tục lạc hậu này khiến không ít người con gái trong làng làm bà cô trong nhà. Giờ thì cũng có nhiều đổi khác nhưng về tập tục thì cơ bản vẫn vậy.
Những công trình phúc lợi của TKV trên Đam Rông
Kể từ năm 2009 đến nay, sau khi được Chính phủ giao là đơn vị đỡ đầu cho Đam Rông thoát nghèo, năm nào TKV cũng giúp Đam Rông bình quân trên 6 tỷ đồng. Với số vốn trên, lãnh đạo huyện cho biết, huyện chủ yếu xây dựng các công trình phúc lợi như các trường và điểm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để con em các dân tộc tại các vùng sâu, vùng xa được học hành. Số còn lại giúp bà con canh tác, chăn nuôi, phát triển kinh tế. “Nhưng quả là tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Lãnh đạo huyện luôn căn cơ với phương châm chủ đạo là phải cho con em có cơ sở vật chất tốt trong việc học hành, lấy việc học tập nâng cao trí thức làm cơ sở cho sự thoát nghèo bền vững. Do vậy, trong những năm qua, đã có nhiều ngôi trường khang trang được xây dựng bằng nguồn vốn do TKV giúp đỡ…” – Ông Trần Phú Vinh, Trưởng phòng giáo dục huyện Đam Rông bộc bạch như vậy với đoàn cán bộ TKV trong đợt kiểm tra các công trình TKV tài trợ theo chương trình 30a của Chính phủ tại huyện Đam Rông.
Ông Trần Phú Vinh cho biết thêm, nguồn vốn do TKV tài trợ trong năm 2016 là 7 tỷ đồng, huyện chủ yếu xây dựng các hạng mục mới và nâng cấp, trang sắm thiết bị học tập tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trường mầm non như: Xây dựng 4 phòng học và bếp ăn, giếng đào, bồn nước, sân bê tông trường mầm non Đạ K’Nàng; xây dựng 4 phòng học và bếp ăn, giếng khoan, bồn nước, san gạt mặt bằng, sân, cổng và hàng rào Trường mầm non Liêng Srônh; xây dựng nhà hiệu bộ (nhà làm việc giáo viên) và hạng mục san gạt mặt bằng, xây dựng sân, hàng rào, xử lý mái Taluy, xây dựng nhà vệ sinh Trường THCS Đạ K’Nàng; xây dựng 4 phòng học Trường mầm non Đạ Rsal… Các hạng mục này được cơ bản hoàn thành năm 2016 và một phần chuyển tiếp sang năm 2017. Huyện đã sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn vốn trên. Bà con, nhân dân và các em học sinh rất vui mừng, phấn khởi, cảm ơn lãnh đạo TKV đã giúp nguồn vốn để xây dựng những ngôi trường khang trang.
Ông Đỗ Xuân Lý, Phó trưởng Ban Tổ chức Nhân sự, Trưởng đoàn cùng đoàn công tác của Tập đoàn kiểm tra thực hiện nguồn vốn do TKV tài trợ đã đến mục sở thị các công trình và thăm hỏi thày cô giáo, các em học sinh tại các trường học, trường mẫu giáo tại các xã Đạ Rsal, Đạ M’Rông, Đạ K’Nàng… thuộc huyện Đam Rông. Ông Đỗ Xuân Lý cho biết, năm 2017, Tập đoàn tiếp tục tài trợ huyện Đam Rông 6 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các hạng mục công trình trường Mầm non Đạ Rsal và một số công trình phúc lợi khác cũng như giúp bà con có nguồn vốn canh tác phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình…
Trong cái nắng chói chang, bầu trời Tây Nguyên xanh ngắt, tiếng trẻ thơ ríu rít tại những điểm trường cao đẹp, những niềm vui hoan hỉ gặp gỡ của những người đến từ hai miền xa xôi của đất nước, bất chợt tôi nghĩ đến cái lạnh thấu xương của mùa đông Lâm Đồng trong vụ cứu hộ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng, Đạ Chomo đầy kịch tính cuối năm 2014. Mới thấy, vùng đất cao nguyên ngập tràn nắng gió và những khó khăn khắc nghiệt nhưng chất chứa tình người…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dam-rong-tren-duong-thoat-ngheo-201705291417207742.htm” button=”Theo vinacomin”]