Năm nay rét kéo dài và mưa phùn nhiều; vùng Quảng Ninh bị ảnh hưởng của khí hậu biển, khí hậu núi đồi, lại là nơi địa đầu đón những đợt gió mùa đông bắc nên càng rét và mưa phùn nhiều hơn. Tuy vậy, thời tiết thế này lại có lợi cho việc trồng cây đầu xuân; đất ẩm, đỡ phải tưới tắm, cây dễ hồi sức sau khi trồng. Hầu hết các đơn vị trong ngành Than, ở Quảng Ninh, đều tổ chức tết trồng cây dịp này.
Một ngày trời chợt hửng, mưa phùn chợt ngớt, trời ấm lên, khoảng 16-17 độ, tôi theo anh Phi, Trưởng phòng môi trường; chị Trang, Phó chánh văn phòng phụ trách văn thể và anh Hảo, lái xe, của mỏ than Đèo Nai đi công trường, để xem cây mới trồng, những héc ta cây đã trồng ở các khu vực hoàn nguyên môi trường bãi thải đã dừng đổ thải và các hoạt động khác về công tác môi trường của mỏ. Đích chúng tôi định đến là khu vực hồ Ba Ra nằm trên đỉnh núi, nơi các anh chị cho biết các vạt cây thông và keo trồng quanh hồ đã 11-12 năm tuổi lên xanh tốt và tạo cho nơi đây một cảnh quan trông rất mát mắt. Song chiếc xe 12 chỗ của anh Hảo, quả nhiên, leo núi, đường mỏ nhầy nhụa bùn nhão, nó cứ trơn truội, chệch choạc, liên tục lúc trượt dài sang mé phải đường, lúc lại vọt sang mé trái, thấy rất nguy hiểm. Cuối cùng, không lên đến được khu vực hồ Ba Ra, chúng tôi đành dừng lại ở khu vực bãi thải Mông Giăng. Tại đây cây cối đã được phủ kín. Anh Phi chỉ và bảo, cao trên cùng, đỉnh bãi thải, vạt các cây thông đã có tuổi 7 năm, tầng dưới, vạt cây keo, đã được 6 năm, dưới nữa, keo, 5 năm và quanh chúng ta đứng đây, là keo, phi lao, chỗ thì 4, chỗ thì 3 năm; còn quanh Phân xưởng vận tải phía xa kia, mới được chuyển đến khu vực này, chỗ núi Trọc, thông, keo, phi lao… mới được trồng cách đây dăm ngày, hôm tổ chức lễ ra quân trồng cây đầu xuân, có cả lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Tập đoàn Vinacomin tham gia. Hôm đó chúng tôi trồng được hơn 3000 cây, trên diện tích khoảng 0,75ha.
Thấy tôi chăm chú nhìn những vạt cây, tìm chọn góc để chụp ảnh, anh Phi chợt bảo, hồi mới lên đây trồng cây, nhìn các sườn bãi thải xám xịt một màu, chỉ thấy đất đá ngổn ngang, khô khốc, nghĩ mà ngán quá. Vậy mà, bây giờ nhìn nó, cây lên xanh tốt, thấy cũng thích. Tôi bảo, trên “đường đi lên mỏ hôm nay”, dọc đường thấy nhiều cây đã thành cổ thụ… Anh phi bảo, ở Đèo Nai, đường đi lên mỏ, có những cây đã được trồng từ thời Pháp; còn từ khi Bác Hồ phát động tết trồng cây, những người thợ mỏ Đèo Nai liên tục trồng, cây nhiều năm tuổi, trở thành cổ thụ. Lại bảo, không kể cây trồng phân tán, ở ven đường, ở quanh các văn phòng công sở, Đèo Nai còn trồng và chăm sóc cây tập trung ở các bãi thải đã dừng đổ thải, như ở Mông Giăng này, 30ha; bãi thải Nam, 120 ha, bãi thải Bắc, quanh hồ Ba Ra… tất cả, đã được khoảng 180ha. Tôi hỏi, trồng cây tập trung, ai trồng? Tiền cây giống, tiền công trồng lấy ở đâu? Rồi ai chăm sóc? v.v. Anh Phi: Trồng cây diện rộng như thế, thường chúng tôi thuê, các đội trồng rừng lâm nghiệp, hoặc như ở Trung tâm lâm- nông Quảng Ninh. Họ có nhân lực có nghề, có luôn cây giống. Còn vốn, chủ yếu là kinh phí cho công tác môi trường hàng năm, hạch toán trong chi phí sản xuất; dự án nào thuộc Tập đoàn đầu tư (như bãi thải Nam Đèo Nai) thì có vốn từ Quỹ môi trường của Tập đoàn. Kinh phí cho công tác môi trường hàng năm của mỏ nhiều đấy, khoảng 25-30 tỷ. Ngoài trồng và chăm sóc cây, chúng tôi còn làm các việc khác. Về chăm sóc cây, chúng tôi có Phân xưởng phục vụ, khoảng 20 người làm. “Anh có nói, môi trường, ngoài trồng cây phủ xanh các bãi thải đã dừng đổ thải, các khu vực đất trống, còn những việc gì khác nữa?”. “Nhiều đấy. Đó là công việc thường xuyên trong quá trình sản xuất. Như xe tưới đường; chúng tôi có hẳn một Phân xưởng xe phục vụ, có tới 20 xe téc chuyên tưới rửa đường; một năm tiền tưới đường khoảng 15 tỷ. Như hệ thống phun sương dập bụi ở các cụm sàng. Cấp nước dập bụi máy khoan. Bạt phủ xe chở than. Nạo vét các suối Cầu 2, Cầu 5, Hóa chất do Tập đoàn và thị xã Cẩm Phả phân công, làm trước mùa mưa hàng năm. Làm công tác phục hồi đất để trồng cây. Làm các cống rãnh thoát nước. Làm công tác thu gom các chất thải nguy hại. Rồi công tác giám sát môi trường, quan trắc môi trường để đánh giá tác động môi trường v.v. Tất cả cũng 12-15 tỷ nữa”. “Năm vừa rồi – anh Phi nói – Đèo Nai đã bỏ tiền ra sửa chữa, nâng cấp lại đường phố Phan Đình Phùng ở thị xã Cẩm Phả, thảm lại nhựa, bó vỉa hè, làm rãnh thoát nước, lắp đặt đèn đường… xong trước tết Nhâm Thìn để chuẩn bị đón nhận thị xã lên thành phố. Tiền cũng lấy trong kinh phí cho công tác môi trường hàng năm”.
Đứng trên các đồi cây Mông Giăng hay Núi Trọc (bây giờ gọi là đồi cây được rồi, chứ không còn là bãi thải trơ sỏi đá nữa), nhìn xuống, ngay gần sát chân chúng là thị xã Cẩm Phả, nay đã là thành phố Cẩm Phả, nhà cửa san sát, lô xô, trải dài; cái thành phố được hình thành bởi công cuộc khai thác than, người dân thành phố vài trăm vạn người hầu hết là thợ mỏ, có những gia đình đã tới 5 đời làm mỏ đang sinh sống con đàn cháu đống đông đúc ở đây, tôi chỉ muốn thốt lên: Hỡi những người dân ở dưới đó, có nghe chăng tiếng cây xanh đang rì rào ở trên này! Bao nhiêu năm sống trong than bụi, nay ta càng hiểu hơn giá trị của cây xanh, hiểu hơn thế nào là một môi trường sống trong lành! Những người thợ mỏ chúng ta nay ý thức được điều đó đã và đang gắng sức để phục hồi, hoàn nguyên môi trường, giành lại không gian xanh, không gian sống trong lành cho chính chúng ta!…
Mải suy nghĩ đắm chìm trong miên man xanh của cây lá, bỗng nghe thoảng khẽ tiếng nói của chị Trang: Có thể về được chưa anh? Đã gần 12 giờ trưa rồi đấy…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dam-chim-giua-mien-man-xanh-1173.htm” button=”Theo vinacomin”]