Nghề thợ lò là… lầm than, là ăn cơm dương – làm việc âm, là vất vả, nhọc nhằn, là hiểm nguy, may rủi…- là những cụm từ thường nghe. Vậy hôm nay, hãy thử lắng nghe một thợ lò trẻ nói chuyện. Dung dị và chân thật, hóa ra nghề lò cũng không quá… kinh khủng.
Thay bởi một cuộc hẹn làm việc tại đơn vị, ông Trần Bá Khang, Chủ tịch Công đoàn Công trường KTCB 4 (Công ty X (*) lại hẹn tôi đi mừng tân gia. Thấy tôi có vẻ ngần ngừ, ông Khang trấn an: Nhà báo cứ đi khắc biết, sẽ có nhiều bất ngờ…
Và quả là bất ngờ khi tôi được đến mừng tân gia một thợ lò trẻ vừa ra trường được chưa đầy một năm. Cuộc trò chuyện với anh có lẽ sẽ cho chúng ta hiểu thêm về tâm tư, tình cảm và khát vọng của những người thợ lò trẻ. Tên anh là N.Đ.N (*), hiện đang làm thợ lò bậc 4/6 tại Công trường KTCB 4, nơi ông Trần Bá Khang làm Chủ tịch Công đoàn. Ông Khang đồng thời cũng làm Phó Quản đốc và phụ trách ca của N.Đ.N. Đó là một căn nhà cấp 4 không rộng rãi nhưng khá thoáng mát nằm trên lưng chừng đồi của một xóm thợ cũng đã lâu năm. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện đầy thú vị.
Chà, mới ra trường, chưa vợ con mà đã mua được nhà riêng như thế này quả là thanh niên tu chí đây!
– Có gì đâu anh. Em trọ ở đây, thấy vị trí ở cũng thích. Vả lại mảnh đất đồi nên cũng rẻ, chỉ chưa đến 100 triệu mà lại có nhà ở ngay, thế là em mua. Em mới đi làm vài tháng tích cóp được vài chục triệu, còn lại vay mượn thêm gia đình và anh em bạn bè. Đây, cá nhân bác Khang cũng cho em mượn hơn chục triệu… (cười)
Vậy còn trẻ, chưa xây dựng gia đình sao em không xuống khu tập thể ở. Anh biết khu chung cư Công ty còn rộng rãi lắm. Vả lại các điều kiện ăn ở chung cư Công ty cũng hỗ trợ nhiều?
– Em cũng biết vậy, nhưng phần cũng muốn tự do, phần cũng thấy đây là vị trí có thể sau này xây dựng nhà ở lâu dài.
Vậy là xác định làm việc gắn bó lâu dài với mỏ chứ?
– Vâng, em xác định gắn bó với nghề ngay từ khi chọn nghề để đi học rồi. Thực sự là gia đình em cũng không có điều kiện kinh tế, nên khi học xong phổ thông, em nghe nói ngành Than đào tạo nghề hoàn toàn miễn phí, lại có đầy đủ chỗ ăn, ở, gia đình không phải lo gì nên em lựa chọn đi học nghề cũng là để giúp đỡ gia đình không phải gánh nặng lo cho em học hành. Giờ học Đại học dưới Hà Nội mỗi tháng bố mẹ cũng phải lo vài triệu đồng trong mấy năm trời cũng không hề đơn giản.
Quê em ở đâu?
– Được cái quê em ở Bắc Cạn nên cũng quen với việc leo đồi rồi. Vị trí này cũng không phải là cao lắm.
Em biết Công ty hay Tập đoàn tuyển dụng thợ lò qua kênh nào?
– Bây giờ thông tin có nhiều kênh nên trước khi đi học em cũng biết qua. Khi quan tâm tìm hiểu em mới biết quê em cũng khá nhiều người xuống Quảng Ninh làm mỏ. Có bạn cùng quê cũng về đây ở với em cho vui.
Em đã có người yêu chưa?
– Em chưa, em mới ra trường về đây đi làm được chưa đầy một năm nên cũng chưa quen biết nhiều.
Em có cảm nhận về nghề thế nào?
– Vất vả, nhưng em thấy có thể làm việc lâu dài được vì làm rồi cái gì cũng quen.
Ngày đầu đi lò thế nào?
– Quả thực, lúc đầu cũng thấy hoang mang vì đi vào lò thấy cứ hun hút, tối đen. Gió vù vù. Nhiệt độ thì càng đi sâu vào càng nóng. Nhưng thấy mọi người cứ làm việc ầm ầm. Mình cũng làm, rồi vài hôm thấy bình thường. Giờ thì ok rồi. Em thấy, nhiều nghề còn vất vả hơn mà chẳng ra tiền…
Vậy dự định trong tương lai của em sau này là gì?
– Trước mắt thì cứ như thế này đã. Em thấy ổn mà. Nhưng em cũng tìm hiểu rồi, em sẽ kết hợp giữa công việc làm trong mỏ và có thể dành thời gian đi học thêm nâng cao trình độ chuyên môn. Em nghĩ sẽ phải học tập thêm bởi thực sự vào mỏ em mới thấy kiến thức của mình còn ít quá. Trong quá trình làm việc, các bác thợ đi trước phải bảo ban nhiều…
(*) Theo nguyện vọng của nhân vật, Tạp chí xin phép không công khai tên đơn vị và nhân vật.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cuoc-tro-chuyen-gian-di-201712301836148563.htm” button=”Theo vinacomin”]