Đã hồi sinh nhưng sau một vài năm “khởi sắc”, mỏ lại “chết lâm sàng”. Câu chuyện về Cromit Cổ Định, Thanh Hóa – nhà máy đã trên nửa thế kỷ sinh ra – là một câu chuyện luẩn quẩn, chưa có hồi kết… Tuy nhiên, gần đây, những thiện chí từ địa phương; sự quyết tâm, nỗ lực thay đổi của những người mới… là những tín hiệu lạc quan cho vùng mỏ có nhiều biến động này.
Ra mắt Ban lãnh đạo mới
Thăng trầm
Cách đây hơn 61 năm, ngày 28/2/1956, Bộ Công nghiệp đã có Quyết định thành lập mỏ Cromit Cổ Định. Từ chỗ ban đầu phải ở nhờ nhà dân, nhà tranh tre nứa lá, chỉ trong thời gian ngắn, thế hệ đầu tiên của Mỏ đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ đó là: Xây dựng nhà máy khai thác và tuyển khoáng tạo nên cơ sở vật chất gồm 3.500m2 nhà ở tập thể, 2.400m2 khu gia đình, khu hội trường có sức chứa hơn 1.000 người, nhà ăn tập thể 500 người, xây dựng nhà trẻ, bệnh xá phục vụ cho cán bộ công nhân viên và nhân dân địa phương. Đời sống vật chất tinh thần của người thợ mỏ được nâng cao. Trong giai đoạn từ ngày thành lập mỏ đến năm 1975, dù trong khói lửa của chiến tranh, công tác sản xuất quặng Crom vẫn được duy trì và phát triển, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu cải tiến chế tạo phụ tùng thay thế để không phải nhập khẩu của nước ngoài. Cán bộ công nhân của Mỏ có thời điểm lên tới hơn 2.000 người.
Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, Mỏ bắt tay vào xây dựng lại. Chỉ trong 5 năm (1976-1980), Mỏ đã có những phát triển vượt bậc. Số lượng máy thi công tăng; các công trình văn phòng, phụ trợ phục vụ sản xuất khang trang. Mỏ đã xây dựng mới khu văn phòng gồm 3 dãy nhà diện tích 1.200m2 đủ chỗ cho hơn 200 cán bộ quản lý, kỹ thuật làm việc; xây dựng 8.220m2 nhà ở, nâng cấp bệnh viện đa khoa lên 50 giường, xây 1000m2 nhà trẻ 2 tầng đủ chỗ cho 175 cháu học hành, vui chơi; xây dựng 650m2 trường cấp I, II cho 240 học sinh học tập…
Từ cuối năm 1978 đầu năm 1979 nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng khủng khoảng trầm trọng, giá cả leo thang. Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp đã để lại hậu quả nặng nề, sản phẩm làm ra bị tồn đọng không tiêu thụ được. Những năm cuối cùng của giai đoạn này Mỏ gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn có nguy cơ phải đóng cửa.
Năm 1989, Xí nghiệp Cromit Cổ Định được bộ Cơ khí Luyện kim sát nhập vào Xí nghiệp liên hợp luyện kim màu (nay là Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên).
Từ năm 1993 thị trường quặng Crom bắt đầu soi động trở lại, mỏ đã kịp thời tổ chức sản xuất với quy mô đầu tư một số dây chuyền khai thác cơ khí sức nước công suất 3.000 tấn/năm và tổ chức thêm một số đơn vị khai thác thủ công để tạo thêm việc làm cho công nhân và tăng sản lượng. Lúc này thị trường thu mua quặng có nhu cầu cao và tự do, các đơn vị xuất khẩu trong nước cũng tìm cách thu gom để xuất khẩu, dẫn đến người dân ở khu vực có mỏ và xung quanh đã tiến hành khai thác quặng để bán. Do đặc điểm địa bàn quản lý rộng trải dài trên 5 xã nên lực lượng bảo vệ ít, số dân khai thác đông gấp bội nên công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó ngày 13/4/2004, tỉnh Thanh hóa có chỉ thị số 10/CT-UB về việc tạm ngừng khai thác, chế biếu tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh Thanh hóa. Chấp hành chỉ thị đó, Mỏ đã ngừng sản xuất, một bộ phận trông coi bảo vệ vật tư, tài sản công trường, một bộ phận làm công tác quản lý, còn lại đa số nghỉ không lương, sống nhờ vào trợ cấp của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên.
Năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai dự án khai thác Cromit tại Cổ Định – Thanh Hóa, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai tái cơ cấu Công ty CP Cromit Cổ định thành công ty con của Tập đoàn, trong đó, TKV chiếm 94,8% vốn điều lệ.
Công ty CP Cromit Cổ Định đã triển khai thực hiện nâng công suất khai thác quặng cromit từ 40.000 lên 80.000/năm và đầu tư xây dựng Nhà máy Ferocrom các bon cao 20.000 tấn/năm. Công ty cũng đã hợp tác với các đối tác nước ngoài để khai thác, chế biến quặng cromit bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo hiệu quả và an toàn môi trường. Đồng thời tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên diện tích 16,6km2 do Công ty quản lý.
Tuy nhiên, hiện tại giấy phép khai thác cũ đã hết hạn. Trong quá trình xin cấp giấy phép mới theo quy định, Công ty đang gặp một số vướng mắc về thủ tục nên phải dừng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến… Do đó, Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động.
Nỗ lực cứu Mỏ
Trước thực trạng trên, Tập đoàn một lần nữa chỉ đạo Công ty thực hiện tái cơ cấu và điều chỉnh bộ máy hoạt động của Công ty để đảm bảo tiếp tục triển khai có hiệu quả việc khai thác, chế biến quặng cromit.
Ký kết phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa về bảo đảm an ninh, tài nguyên, ranh giới mỏ
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt ban lãnh đạo điều hành mới của Công ty CP Cromit Cổ Định, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo Công ty và tập thể CNCB: Thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa tại Hội nghị quán triệt công tác quản lý tài nguyên ranh giới mỏ và định hướng khai thác chế biến quặng cromit, tổ chức ngày 14/5/2017; triển khai công tác bảo vệ ranh giới mỏ. Bên cạnh đó, Công ty cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án khai thác, tuyển quặng cromit công suất 150.000 tấn/năm trình các cấp có thẩm quyền để xin cấp phép khai thác mỏ. Tập đoàn TKV cam kết dự án này sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, thu hồi triệt để cromit và các khoáng sản khác đi kèm, nhằm cung cấp đủ quặng cho Nhà máy luyện Ferocrom, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và xây dựng Công ty CP Cromit Cổ Định – Thanh Hóa thành doanh nghiệp vững mạnh.
Bày tỏ thiện chí của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch thường trực tỉnh – khẳng định, Thanh Hóa sẽ làm hết trách nhiệm trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như các công việc liên quan trong quá trình công ty triển khai khai thác và sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Còn theo ông Nguyễn Anh Toán – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty – “dẫu đâu đó có những vị lão thành cách mạng, những con người đã có công xây dựng mỏ còn nhiều băn khoăn trăn trở, nuối tiếc, thậm chí cả những sự trách cứ nhưng mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đóng góp để giữ gìn dựng xây đất mỏ ngày càng ổn định và phát triển”. Đó cũng là tâm nguyện chung của những người đã, đang và sẽ gắn bó với mỏ, quyết tâm để mỏ “hồi sinh”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cromit-co-dinh-binh-cu-ruou-moi-20170703145029376.htm” button=”Theo vinacomin”]