Hễ có dịp về thăm vùng than Cẩm Phả, qua đường quốc lộ khu vực Cao Sơn, khi nhìn về phía biển, hẳn ai cũng sẽ thấy một mái đình cong cong tọa lạc trên đỉnh núi đá. Đó là Đài vọng cảnh – một công trình trong cụm danh thắng Công viên Lưu Thủy. Giữa làng mỏ, công viên Lưu Thủy như một viên ngọc xanh mát, sáng ngời, người mài giũa “viên ngọc” ấy chính là AHLĐ Lê Đình Trưởng – nguyên Giám đốc Công ty CP than Cao Sơn.
Đảm nhận vai trò thống lĩnh đội quân nơi “núi cao” giai đoạn 1988 – 2006, ông Lê Đình Trưởng là người được coi nối nghiệp thành công thế hệ bác Nguyễn Duyệt đi trước. Người trong Ngành và người Cao Sơn vẫn đùa nhau rằng: Cao Sơn là núi cao, núi cao là cáo lui. Câu nói lái đầy hài hước nhưng cũng cho thấy được sự gian truân khi chinh phục mỏ than nơi đây. Ai cũng biết Cao Sơn có núi cao nhất, đá rắn nhất. Bằng nhiều nỗ lực, đến nay Cao Sơn là một trong những mỏ có sản lượng khai thác lớn nhất của ngành Than.
Dưới thời ông Trưởng, mọi ách tắc ở Than Cao Sơn được phát hiện nhanh nhất và khắc phục sớm nhất. Một phong cách lao động mới được hình thành nhanh chóng, tạo thành sự đồng bộ của dây chuyền, buộc mọi người phải siêng năng và sáng tạo. Tác phong công nghiệp tự giác trong từng con người đã làm cho Than Cao Sơn khởi sắc. Một Than Cao Sơn khác xa hoàn toàn với trước. Đến nay, Than Cao Sơn đang có một lực lượng máy móc, thiết bị hùng hậu. “Công bằng trên mọi phương diện, đặc biệt là hưởng thụ” dường như đó là cả một định hướng xuyên suốt của Than Cao Sơn trong cuộc hành trình tìm đến cái mới của mình. Bản thân ông Lê Đình Trưởng tâm niệm: “Không có người không tốt, chỉ có người không biết tổ chức, không biết giáo dục, không biết xây dựng, không biết tập hợp và không biết động viên”. Đội ngũ công nhân, cán bộ của Than Cao Sơn bây giờ là một đội ngũ những con người được tôi luyện, giàu từng trải và hiểu biết, có trái tim và trí tuệ đáng trân trọng, biết gắn lợi ích chung với hạnh phúc của riêng mình, gia đình mình. Họ xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Ngành Than phải trở thành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”.
Ngoài có nhiều thành tích giữ được mỏ Cao Sơn, đưa sản lượng khai thác của mỏ lên cao, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, ông còn đặc biệt quan tâm đến sự ổn định lâu dài của Thợ mỏ. Ông Trưởng tâm sự: Trong ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, các thế hệ lãnh đạo Than Cao Sơn chọn nhân hòa”. Có lẽ ở nước ta, hiếm có một ngôi làng công nhân nào hiện đại mà vẫn trữ tình như làng mỏ Cao Sơn. Nếu như Giám đốc Nguyễn Duyệt được coi là “Thành hoàng làng” khai phá làng mỏ thì Giám đốc Lê Đình Trưởng là người có công xây dựng làng thành một khu quần thể đáng mơ ước của nhiều người dân và công nhân vùng mỏ. Trước đây, làng mỏ Cao Sơn là vùng bãi biển sình lầy, toàn lau sậy với vài ba căn nhà tranh tre vách nứa tồi tàn trên bãi sú vẹt. Người dân ngoài giờ làm việc còn phải đi bòn nhặt những sản vật từ biển để sinh sống. Nhưng sau khi được lãnh đạo Than Cao Sơn liên tục quan tâm tu sửa đường xá, đổ đất quy hoạch lại, những con đường lầy lội nay đã được thay thế bằng những tuyến đường bê tông trải nhựa thẳng tắp. Những ngôi nhà lá tranh tre được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang. Năm 1995, Công ty đã đổ đất lấn biển khoảng 30 ha phân cho công nhân làm nhà. Tiếp đó, vào năm 2002, Công ty tiếp tục đổ đất lấn biển trong quy hoạch trên 82 ha để làm nhà theo mẫu biệt thự và làm hồ sinh thái tạo cảnh quan môi trường hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống của con người. Công viên văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy cũng được khởi công từ đây. Trong nhiều năm kiên trì cải tạo, Công ty cùng với các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng khang trang cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… Riêng Cao Sơn Lưu Thủy là một công trình được thiết kế theo mô hình một công viên văn hóa, là sự kết hợp hài hòa cảnh quan tự nhiên với không gian yên tĩnh ven biển và vẻ đẹp của kiến trúc mang đậm văn hoá truyền thống. Công viên Cao Sơn Lưu Thuỷ có diện tích rộng gần 12.000m2, với thế nằm tựa sơn đạp thuỷ, có hệ thống cây xanh, tháp nước cùng nhiều công trình xây dựng độc đáo mô phỏng di tích văn hoá nổi tiếng khắp cả nước. Những công trình này phần lớn được xây dựng với kích thước gần tương đương với những di tích văn hoá nguyên bản. Thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát, mở tour tham quan mỏ than.
Từ một xóm thợ nghèo nàn, lạc hậu đến nay thành làng mỏ khang trang, hiện đại. Làng mỏ Cao Sơn nay đã trở thành những khu phố đông vui nhộn nhịp, có bãi tắm, câu lạc bộ văn hóa thể thao có nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, thư viện, sân bóng chứa cả 8000 người… thu hút đông đảo cán bộ, công nhân và nhân dân tham gia sinh hoạt sau mỗi giờ làm việc. Thợ mỏ hàng ngày, sau những giờ lao động mệt nhọc trên tầng than, dưới hầm mỏ lại đến đây để đắm mình trong bầu không khí trong lành miền biển. Và họ thầm biết ơn các thế hệ cán bộ, lãnh đạo mỏ có tâm đã xây đắp nên, trong đó có dấu ấn của Anh hùng Lao động Lê Đình Trưởng. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2008, khi ông đang giữ chức danh Thành viên HĐTV Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cong-trinh-ghi-dau-ahld-le-dinh-truong-201611121846085408.htm” button=”Theo vinacomin”]