Là đơn vị cơ khí chế tạo, sửa chữa thiết bị, phụ tùng hàng đầu của TKV, công tác kỹ thuật luôn được Công ty CP Chế tạo máy – VINACOMIN (VMC) quan tâm phát huy, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, là một trong những yếu tố quan trọng và cơ bản góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ SXKD của Công ty.
Để thực hiện hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu chế tạo, sửa chữa thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất của các đơn vị trong TKV, cùng với sự chỉ đạo, tạo điều kiện của TKV, sự phối hợp của các đơn vị thành viên, Công ty CP Chế tạo máy đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành; đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế, kỹ thuật, duy trì ổn định và phát triển sản xuất.
Nghiên cứu bản vẽ, chế tạo thiết bị Dự án cán thép Hòa Phát Dung Quất
Phó Giám đốc Công ty Lê Viết Sự cho biết, trong 3 năm 2016-2018 Công ty đã hoàn thành toàn diện kế hoạch SXKD, các chỉ tiêu chính như doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động, thu nhập của CBCN, NLĐ liên tục tăng trưởng. Như năm 2016, doanh thu của VMC đạt 1.094 tỷ đồng, năm 2017 đạt 1.123 tỷ đồng thì năm 2018 đạt 1.485 tỷ đồng, tăng 36% so với 2016; năng suất lao động tính theo giá trị doanh thu năm 2018 tăng 63% so với 2016; thu nhập bình quân của người lao động năm 2018 đạt gần 9 triệu đồng/người/tháng, tăng 44% so với 2016… Đạt được những kết quả trên là sự vào cuộc và cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các tập thể, đơn vị và CBCN, NLĐ trong Công ty, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ kỹ thuật từ các phân xưởng đến các phòng ban trong toàn Công ty.
Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác kỹ thuật đối với sản xuất cơ khí, Công ty đã luôn quan tâm đầu tư thực hiện, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Công tác kỹ thuật đã tham gia tích cực vào các lĩnh vực sản xuất, thực hiện tốt công tác chuẩn bị kỹ thuật, xử lý các vấn đề về kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của sản xuất; tiếp nhận, xử lý bản vẽ; chú trọng xây dựng quy trình công nghệ, biện pháp thi công, xây dựng định mức kỹ thuật; tích cực nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới và cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống…
Hệ thống cắt phôi thép phục vụ dây chuyền cán thép chống lò do VMC thiết kế, chế tạo
Một số kết quả của công tác kỹ thuật trong 3 năm qua như: Đưa dây chuyền cán thép chống lò vào hoạt động, ban đầu với một loại sản phẩm là thép cán SVP22, tiếp đó Công ty đã chủ động chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết và sản xuất ra các sản phẩm thép SVP22, SVP27, SVP17. Đặc biệt, đã nghiên cứu chế tạo thành công thép chống lò SVP33, đáp ứng các chủng loại thép chống lò cho các đơn vị sản xuất hầm lò trong TKV. Đồng thời, Công ty đã chú trọng xây dựng các bộ TCCS đối với các sản phẩm hàng hóa mà Công ty sản xuất, trong 3 năm qua Công ty đã xây dựng và ban hành 32 TCCS cho 47 dạng sản phẩm chủ lực của Công ty. Cùng với đó, thiết kế chế tạo 47 loại thiết bị cho dự án Nhà máy tuyển than Vàng Danh 2 như: băng tải; Xe dỡ tải; Sàng rung; Cấp liệu lắc; Gạt than điện; Bể cô đặc; Thùng khuấy Manhetit; Thùng pha keo tụ’ Bể ổn áp; Dao gạt toa xe; Cầu trục lăn…vv. Lập biện pháp thi công và tổ chức lắp đặt hoàn thiện toàn bộ dự án, đã vận hành ổn định đã bàn giao cho chủ đầu tư từ tháng 11/2017. Ngoài ra, Công ty đã chú trọng trong việc khai thác các sản phẩm cơ khí ngoài TKV, đã hợp tác với Tập đoàn Hòa Phát trong việc chế tạo các sản phẩm cơ khí của dây chuyền cán thép, các bản vẽ đều theo tiêu chuẩn Châu Âu, được khách hàng đánh giá cao.
Việc tiếp nhận, xử lý, lưu trữ và cấp phát các loại bản vẽ, tài liệu kỹ thuật được thực hiện theo quy định của Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001:2015 (trước đó là phiên bản ISO 9001:2008). Một số dự án lớn với khối lượng, giá trị lớn, phức tạp, nhất là khối lượng bản vẽ kỹ thuật rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao như Dự án nhà máy tuyển than Vàng Danh 2, Dự án cán thép Hòa Phát Dung Quất… đã được đội ngũ kỹ sư kỹ thuật nghiên cứu, đưa ra các phương án công nghệ phù hợp với thực tế sản xuất, đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật theo bản vẽ thiết kế đề ra, xử lý một cách kịp thời, quản lý bản vẽ và các tài liệu liên quan một cách khoa học, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các dự án.
Tại Phân xưởng Kết cấu Xây lắp, anh Nguyễn Ngọc Niên, thợ Gò bậc 7/7 cùng anh em công nhân đang nghiên cứu bản vẽ, chế tạo các chi tiết, thiết bị cho Dự án cán thép Hòa Phát Dung Quất, anh Niên cho biết: “Phân xưởng được giao nhiệm vụ chế tạo các sản phẩm cơ khí cho Dự án cán thép Hòa Phát Dung Quất với khối lượng bản vẽ lớn, phức tạp nhưng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công ty, của Phòng Kỹ thuật và Phân xưởng, các kỹ sư và công nhân đã cùng nghiên cứu, bóc tách, xử lý bản vẽ để chế tạo ra sản phẩm theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng kịp thời cho sản xuất, hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ được giao”.
Trong công tác xây dựng quy trình công nghệ, biện pháp thi công, đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kỹ thuật – công nghệ. Các biện pháp thi công được các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm biên soạn, bên cạnh đó còn có sự đóng góp của đội ngũ các cán bộ kỹ thuật, các cán bộ quản lý của các đơn vị và đặc biệt là sự góp ý của đội ngũ công nhân bậc cao trong việc đưa ra các ý tưởng, phương án tối ưu đối với từng công việc. Trong 3 năm qua đã có 624 quy trình công nghệ và 95 biện pháp thi công được lập cho các lĩnh vực gia công cơ khí, kết cấu thép, đúc, sửa chữa máy mỏ…, tiêu biểu như QTCN chế tạo bể cô đặc – Nhà máy tuyển than Vàng Danh 2; QTCN chế tạo cột chống thủy lực 2 chiều XDY, ZH1800; QTCN chế tạo các loại sàng rung: 284, 408, 500… cho Vàng Danh, Tuyển than Hòn Gai và Cửa Ông; QTCN chế tạo kết cấu thép, gia công cơ khí các thiết bị cho thiết bị cán thép Hòa Phát Dung Quất…
Cùng với đó, Công ty chú trọng công tác nghiên cứu KHKT, chế tạo sản phẩm mới và cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống. Năm 2018, thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo Bể cô đặc hiệu suất cao xử lý bùn nước cho Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2” ; triển khai đề tài cấp Tập đoàn “Nghiên cứu công nghệ, chế tạo thử nghiệm 01 bánh răng m30 Z144 máy xúc EKG 10m3 thay thế nhập khẩu”…, nghiên cứu chế tạo cột chống thủy lực GK110/98.00/2 lắp cho giàn mềm, chế tạo thép chống lò SVP33…
Công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được quan tâm, nhằm khắc phục hạn chế của thiết bị công nghệ, tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian gia công, góp phần giải quyết các việc khó, không để ách tắc sản xuất. Hàng năm, có từ 70-80 sáng kiến được xét duyệt, mang lại hiệu quả trong sản xuất. Tiêu biểu là Phương án xử lý sự cố động cơ cán DC750V – 2.500kW phân xưởng Cán; sáng kiến nghiên cứu ứng dụng phần mềm Inventor vào công tác thiết kế, kiểm bền các thiết bị dự án tuyển than Vàng Danh 2; sáng kiến tận dụng máy Dập 400T (KA9536) để làm máy cắt thép vì lò tại phân xưởng Kết cấu Xây lắp; sáng kiến cải tạo phần điện máy phay 6A56; sáng kiến xây dựng và thực hiện các giải pháp của chương trình “Xanh – Sạch – Đẹp – Văn minh”…
Theo Giám đốc Công ty Phạm Minh Tuấn, VMC luôn xác định công tác kỹ thuật có vai trò quan trọng trong sản xuất, là khâu then chốt đảm bảo cho sản xuất phát triển. Với khối lượng công việc lớn, công tác kỹ thuật trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong hệ thống quản lý chung của Công ty. Về nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2019-2025, Công ty tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư vấn, tham mưu về công tác kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng KHKT, công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất thường xuyên; xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật; quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ làm công tác kỹ thuật…, đáp ứng cho sản xuất và sự phát triển của Công ty.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cong-tac-ky-thuat-gop-phan-quan-trong-phat-trien-san-xuat-201911111651303694.htm” button=”Theo vinacomin”]