Sáng ngày 22/3/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được xây dựng từ năm 2005 nhằm đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố Việt Nam qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Đây là năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI 2017 được công bố. Báo cáo dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố.
Trong bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu vươn lên đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng PCI 2017. Điểm số Quảng Ninh đạt được là 70,7 trên thang điểm 100. Năm ngoái, Quảng Ninh ở vị trí số 2, còn Đà Nẵng dẫn đầu. Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2017 là Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh,…
Điều tra PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền các tỉnh thành trên cả nước. “So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực”, báo cáo PCI 2017 ghi nhận.
Điều tra PCI năm 2017 cho thấy một tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh. 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%.
“Rõ ràng, môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Theo đó 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Một phát hiện đáng chú ý của báo cáo PCI năm 2017 là dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa chưa được khắc phục. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp tới gần hai lần GDP) nhưng khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI (tới 70%). Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN…
Nhận xét về hành trình cải thiện môi trường kinh doanh qua báo cáo PCI 2017, các chuyên gia nhận xét, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm tiên phong. Trong khi đó điểm số PCI trung vị được cải thiện, dù đang có sự chững lại của các ngôi sao cải cách thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100, cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các Bộ, ngành Trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở. Theo hướng này, yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các Bộ, ngành theo nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng.
Báo cáo PCI 2017 cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có chất lượng quản trị doanh nghiệp còn thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Do đó, quốc tế hóa doanh nghiệp tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là hướng đi cấp thiết để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/cong-bo-pci-2017lan-dau-tien-quang-ninh-ve-dau-201803231644269653.htm” button=”Theo vinacomin”]