Để ổn định được tư tưởng người lao động đồng thời đảm bảo duy trì sản xuất, bên cạnh các biệp pháp điều hành SXKD linh hoạt thì việc quan trọng hàng đầu là phải thực hiện cho được “công bằng việc làm, công bằng thu nhập” đối với người lao động. Đó là quan điểm đồng nhất từ Đảng uỷ đến lãnh đạo Công ty CP than Đèo Nai để chủ động ứng phó với những khó khăn liên tiếp do tác động của suy thoái kinh tế trong nước và thế giới hiện vẫn đang còn diễn biến hết sức phức tạp. Đó còn là mục tiêu
CNCB Công ty CP than Đèo Nai nhận biết tình hình khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế khá sớm. Nói như Bí thư Đảng uỷ Công ty Nguyễn Văn Thụy, “Than Đèo Nai không bỡ ngỡ trước cái khó này”. Bởi, ngay khi triển khai học tập Nghị quyết TW 4, Đảng uỷ Công ty đã lồng ghép nội dung tuyên truyền đến toàn người lao động Công ty, trước hết là cán bộ đảng viên về tình hình sản xuất, tình hình tiêu thụ, kéo theo bức tranh doanh thu, tài chính không sáng màu.
Hầu hết CNCB Than Đèo Nai sau khi được “thông tư tưởng” đều hiểu, chia sẻ và quyết tâm đồng hành cùng Công ty trong khó khăn. Mục tiêu Công ty đặt ra là phấn đấu lo đủ việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là sau khi Tập đoàn thực hiện kế hoạch điều chỉnh, sản lượng than khai thác của Đèo Nai giảm 200.000 tấn, khối lượng đất đá bóc xúc cũng giảm gần 7 triệu mét khối; đồng nghĩa với việc doanh thu, việc làm ít đi. Để người lao động thực sự yên tâm, gắn bó lâu dài với Công ty, Đảng uỷ và lãnh đạo Công ty đồng nhất quan điểm là đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bộ phận trong dây chuyền sản xuất, kiên quyết thực hiện công bằng trong phân phối việc làm, phân phối thu nhập, tiền lương.
Cụ thể, trong điều hành sản xuất, Than Đèo Nai thực hiện rà soát toàn bộ các chỉ tiêu kỹ thuật. Trên cơ sở đánh giá, cân đối năng lực thiết bị, Công ty tiến hành niêm cất một số thiết bị chủ yếu như ô tô, máy xúc, máy khoan. Như ở Công trường máy xúc, Anh Nguyễn Văn Kiên, quản đốc P.X cho biết, công trường có 329 người, 27 thiết bị gồm máy xúc lật, máy xúc thuỷ lực và máy xúc điện. Sau khi rà soát, Công trường đã niêm cất 6 máy. Cấp ủy Phân xưởng cũng đã tiến hành họp bàn, sắp xếp, bổ sung lại lực lượng lao động ở mỗi tổ máy và thực hiện giảm ngày công lao động…Bí thư Nguyễn Văn Thụy cho biết thêm, Công ty còn chủ trưởng tăng cường công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Từ quý II, Công ty tạm dừng toàn bộ các hợp đồng thuê bốc xúc ngoài.
Việc bố trí, sắp xếp lao động dôi dư, dù không nhiều, được tiến hành hết sức cẩn trọng theo phương châm “bố trí công việc hợp lý và hài hòa” như tăng thêm số người trong mỗi tổ sản xuất, giảm số ngày công lao động. Nhất là khối lao động gián tiếp, cán bộ phòng ban, để tiết giảm thêm chi phí, Công ty bố trí đi làm 4 ngày/tuần.
Về phân phối tiền lương, thu nhập, do doanh thu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương của người lao động; vì vậy, Công ty đã có quyết sách giảm đơn giá tiền lương phù hợp theo từng nhóm ngành nghề, như: cán bộ quản lý từ cấp phó phòng, phó quản đốc trở lên giảm 20%; nhân viên các phòng ban, đốc công giảm 15%; các bộ phận vận hành xe gạt, thợ sửa chữa ô tô… giảm 10%. Riêng với nhóm ngành nặng nhọc, độc hại thuộc dây chuyền chính thì giữ nguyên theo đơn giá khoán của Tập đoàn để khuyến khích. Chẳng hạn, tại Công trường Máy xúc, trên cơ sở quy chế của Công ty, việc phân bổ lương, thưởng của Phân xưởng còn được xem xét theo đặc thù công việc, ưu tiên việc nặng nhọc và những người làm trong dây chuyền chính.
Nỗ lực về đích
Chúng tôi tới Than Đèo Nai đúng thời điểm Công ty đang phát động phong trào thi đua lao động sản xuất quý IV nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh của mọi nguồn lực vào thực hiện nhiệm vụ SXKD, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012.
Trên công trường, cuối ca 1, đầu ca 2, chúng tôi ghi nhận hình ảnh các tổ xe, máy đang tiến hành bàn giao ca, bàn giao khối lượng công việc một cách tuần tự, nghiêm túc. Tranh thủ lúc anh Phạm Thanh Minh, thợ bậc 7/7, tổ trưởng Tổ máy xúc PC11 đang lau dọn, kiểm tra, bảo dưỡng xe máy, phóng viên đã trò chuyện nhanh với anh. Anh Minh cho biết, công suất hiện tại của tổ máy xúc PC11 đạt 2.500 m3/ca, có thể cao hơn nữa nếu điều kiện tốt. Lúc khó khăn, anh em trong tổ luôn nhắc nhở nhau ý thức hơn trong thao tác vận hành thiết bị, giảm tối đa thời gian vô ích, tăng cường tiết kiệm nhiên liệu và cố gắng tận thu, sửa chữa thiết bị cũ, tránh thay mới.
Được biết, Than Đèo Nai cũng đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất trên cơ sở bám sát mục tiêu kế hoạch của Tập đoàn; gắn điều hành sản xuất với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặt khác, Công ty tổ chức xây dựng biểu đồ tác nghiệp làm cơ sở để tổ chức phối hợp hoạt động của các đơn vị và tạo được sự chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, từ đó hạn chế được sự mất đồng bộ trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, các chủng loại sản phẩm than đảm bảo yêu cầu tiêu thụ.
Nhờ đó, hết 9 tháng, Than Đèo Nai đã sản xuất 1,92 triệu tấn than, bằng 77% kế hoạch năm; than tiêu thụ 1,71 triệu tấn, bằng 70% kế hoạch năm; bốc xúc vận chuyển đất đá 19,8 triệu mét khối đất đá, bằng 82,3% kế hoạch năm điều chỉnh; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng. Quý 4, Công ty phát động toàn thể công nhân, cán bộ các đơn vị tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp được Tập đoàn chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập và đời sống người lao động.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cong-bang-viec-lam-cong-bang-thu-nhap-3331.htm” button=”Theo vinacomin”]