Đó là tâm sự rất mộc mạc của chàng thợ lò trẻ Nhữ Đình Hưng, một trong số những người thợ khai thác lò của Công ty CP than Mông Dương được vinh danh là thợ lò 300 triệu.
Dẫu đã liên hệ từ trước, nhưng khi đến tổ 3, phường Mông Dương, tôi vẫn chưa thể tim ngay được địa chỉ của người thợ lò này. May mắn cho tôi, khi hỏi một cụ ông bán chè xít gần công viên thợ mỏ, cụ chỉ ngay cho tôi địa chỉ cần tìm. Chỉ sau ít phút, thợ lỏ Nhữ Đình Hưng đã có mặt, dẫn tôi vào ngôi nhà anh đang ở.
Sở dĩ tôi gọi là “nhà anh đang ở” là bởi, quê anh mãi tận Bình Giang, Hải Dương. Cả bố mẹ, vợ và các con cũng đều ở quê, mình Hưng ở ngoài này với gia đình cô chú, cũng vừa phụ giúp cô chú việc nhà việc cửa.
Mười năm làm lò và những kinh nghiệm “bỏ túi”
Mở đầu câu chuyện, chàng thợ lò trẻ sinh năm 1986 có vẻ hơi lo lắng một chút bởi chưa được gặp gỡ, phỏng vấn bao giờ. Nhưng sau những phút chia sẻ ban đầu về chuyện nhà, chuyện nghề, anh đã thoải mái hơn rất nhiều. “Mình đi làm ở Khai thác 7 Mông Dương từ 2006” – anh bắt đầu câu chuyện giản dị như thế – “ Ban đầu mới vào, chưa được quen thực tế lò bễ, mình có chút bối rối. Nhưng vốn là con người lao động, chỉ sau khoảng 1 tuần là mình quen dần. Ở đây cũng hơn chục năm rồi, đời thợ lò có lúc gặp diện ngon, có lúc lại phải diện khó. Năm ngoái (2017), mình với anh em được giao khai thác vỉa G9 Vũ Môn Cánh Tây. Mình cũng chỉ cố gắng đi làm cho đủ ngày công để lương tháng được cao, chứ cũng không để ý là tổng thu nhập năm đạt đến mức 300 triệu, lại được góp mặt trong số thợ lò tiêu biểu của cả Tập đoàn”.
-Năm trước là thế, từ đầu năm đến nay thì sao? – tôi hỏi
– Năm nay Khai thác 7 mình chuyển diện, cũng có gặp khó khăn do vỉa ngấm nước, mình đi làm hiện tại mỗi tháng tầm khoảng 13-15 triệu đồng. Công ty cũng bố trí tàu chở người đưa thợ lò xuống đến tận nơi làm việc. Bọn mình chỉ cần mang theo đồ nghề cuốc xẻng, đi bộ khoàng 100m để đến vị trí làm việc.
– Mười hai năm làm nghề rồi, anh tích lũy được cho mình những kinh nghiệm gì để đi lò an toàn?
– Cũng có “dắt túi” được đôi chút. Mình được dạy và cũng chỉ cho những anh em trẻ rằng, dù ở vị trí nào cũng phải quan sát tinh tường giữ an toàn cho bản thân và đồng đội. Dù làm gì cũng phải làm cho chắc chắn, đúng quy trình, quy phạm. Nếu nhận thấy có dấu hiệu mất an toàn thì phải báo ngay cho cán bộ chỉ huy. Ví như lò mình sử dụng giá thủy lực XDY, nếu quan sát thấy nó bị nén mạnh thì phải sử dụng súng bơm dịch để củng cố lại. Cả khi vận chuyển vật liệu cũng phải chú ý lẫn nhau, cùng nhau thống nhất tín hiệu để làm cho hiệu quả.
Những tấm ảnh trong điện thoại
Bên cạnh những chia sẻ về công việc, Hưng cũng rất hào hứng khi nhắc đến tổ ấm nhỏ ở quê nhà. Vợ anh – Chị Nguyễn Thị Huệ và hai cháu trai Nhữ Đình Hải (4 tuổi) và Nhữ Đình Hoan (2 tuổi) chính là nguồn động viên để anh cố gắng phấn đấu mỗi lần vào ca. Anh cho tôi xem những tấm hình tự chụp của mấy bố con mỗi khi anh về quê thăm chúng. Đứa ôm vai, đứa bám cổ, nụ cười hồn nhiên trên mặt những đứa trẻ thật đáng yêu.
– Hàng tháng anh vẫn về quê thăm chị và các cháu chứ?
– Tất nhiên rồi, mình tranh thủ những ngày cuối tuần chuyển từ ca 1 về ca 3 thì về với các cháu.
– Than Mông Dương cũng có chính sách khuyến khích thợ lò ngày công cao và đảm bảo an toàn bằng việc tổ chức những chuyến đi nghỉ vào cuối tuần. Anh có tham gia những chuyến đi này không?
– Có, mình đi nhiều lần lắm, có lần đi Trà Cổ – Móng Cái, đi đảo Cát Bà, xa hơn có Hà Nội, Ninh Bình… Hầu hết anh em trong phân xưởng đều đi cả.
– Có dịp nào anh đưa chị nhà và các cháu đi chưa?
– Mình muốn lắm, cũng đang cố gắng phấn đấu để cho vợ với các con đi nghỉ mát cùng đoàn Công ty đây. Chỉ mong lúc nào cũng có sức khỏe, đi làm đều, rồi xây cho vợ con cái nhà chắc chắn ở quê. Thế mới yên tâm được.
Tôi cứ mãi suy tư, có lẽ mơ ước của anh cũng là giấc mơ chung của không ít thợ lò bây giờ… Chừng nào còn sức khỏe, chừng đó anh còn bám lò.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/con-suc-khoe-la-con-bam-lo-20180530111408304.htm” button=”Theo vinacomin”]