Những người chúng tôi gặp trên khai trường Than Núi Hồng hôm ấy đều là những thợ lái máy xúc lành nghề, gần như cả cuộc đời gắn bó với mỏ, đã có nhiều thành tích cấp Tập đoàn, Bộ Công thương và được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen. Bộc bạch, chia sẻ với chúng tôi về nghề, các anh chỉ có một tâm niệm thật giản đơn, còn sức khoẻ là còn làm việc và cống hiến.
Chúng tôi tới Phân xưởng Khai thác, Công ty than Núi Hồng để tìm hiểu hoạt động SXKD trong quý I. Trao đổi với chúng tôi, Quản đốc Nguyễn Hữu Hiệt cho biết, năm nay, Phân xưởng được Công ty giao nhiệm vụ thực hiện 500.000 tấn than. Gần 200 CNCB Phân xưởng đang rất cố gắng để hoàn thành kế hoạch, nhất là trong thời điểm cuối tháng 3, tình hình tiêu thụ than của Công ty có chuyển biến tốt hơn. Theo Quản đốc Hiệt, Phân xưởng đang quản lý hơn 70 đầu xe máy, thiết bị và đảm nhận tất cả các khâu từ khoan, bốc xúc, vận chuyển đến tiêu thụ. Với số lượng công việc đó, sự tự giác, trách nhiệm của mỗi người thợ rất quan trọng. Anh cũng không quên giới thiệu cho chúng tôi những cá nhân điển hình tiêu biểu trong Phân xưởng.
Anh Lê Mạnh Cường, Tổ trưởng Tổ máy xúc thuỷ lực gầu ngược ZX670 là một trong những cá nhân tiêu biểu đó. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, đen nhẻm vì dầu mỡ lẫn bụi than, anh Cường vui vẻ trò chuyện với chúng tôi bên bờ moong, tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Việt Xô, anh bắt đầu về Núi Hồng và gắn bó với công việc này từ đó đến nay. Nhẩm sơ, có lẽ cũng đã trên 25 năm công tác, “tột” bậc thợ 7/7 từ năm 2006.
Gọi là làm việc ở Than Núi Hồng nhưng do đặc thù hoạt động SXKD của Công ty có một bộ phận chuyên bốc xúc đất đá cho các đơn vị trong Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc, anh thường xuyên phải di chuyển, khi ở Núi Hồng, lúc lại đến Na Dương- Lạng Sơn, có khi làm ở Than Khánh Hoà, rồi lại về Núi Hồng. Yêu nghề, say việc nên anh luôn sẵn sàng khi lãnh đạo điều động. “Cũng may là mình có “hậu phương” vững chắc”, anh Cường chia sẻ. Vợ anh, chị Nguyễn Thanh Hải, trước cũng làm ở Núi Hồng, nay đang làm Hiệu trưởng trường mầm non Phú Xuyên.
Trong công việc chuyên môn, anh Cường luôn là người trách nhiệm, chịu khó học hỏi. Vì thế, khi Công ty đầu tư loại máy xúc mới nào, anh đều được cấp trên tin tưởng giao vận hành như máy E2503, máy CAT 330B, hay máy CAT365… Không phụ lòng tin tưởng của lãnh đạo, nhiều năm liền anh Cường đều đạt danh hiệu thợ giỏi cấp Công ty, Tập đoàn. Năm 2007, anh được tặng thưởng Bằng khen của Bộ Công thương. Năm 2010, anh Cường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…Năm 2008 – 2009, Tổ máy xúc Hitachi 870 do anh làm Tổ trưởng đạt năng suất kỷ lục của Tập đoàn.
Công nhân mỏ luôn vất vả, bận rộn. Hỏi anh có khi nào cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi ngành Than gặp khó, đồng lương của người thợ cũng vì thế mà eo hẹp hơn? Anh Cường cười hiền hoà, ai chẳng có lúc ốm đau, mệt mỏi, nhưng thay đổi công việc khác thì không. Nghề mỏ nặng nhọc nhưng đã cho anh công việc và thu nhập ổn định, dẫu chưa cao. Nghề mỏ cho anh một gia đình yên ấm. “Còn gì hạnh phúc hơn, sau mỗi ngày làm việc trở về nhà, mình có một tổ ấm, con cái học hành giỏi giang, tiến bộ. Mình như có một nguồn động viên, có thêm sức khoẻ để ngày mai làm việc…”
Là tổ trưởng tổ xúc tiêu thụ, Phân xưởng Khai thác, đến nay anh Học đã có hơn 30 năm gắn bó với Than Núi Hồng. Bằng những nỗ lực, cố gắng của bản thân cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trong suốt quá trình làm việc, anh Học luôn là người thợ tiêu biểu, là tấm gương sáng cho những lớp thợ trẻ sau này. Nhiều năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Công ty, Tập đoàn. Ở đơn vị, anh rất chịu khó mày mò, tìm tòi và đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần khai thông ách tắc trong sản xuất, tăng hiệu quả cho Công ty. Có thể kể đến như lắp bình hơi phụ, bình dầu phụ để bôi trơn xích xe di chuyển của máy EV.
Không chỉ là một người thợ lành nghề, anh còn là một tổ trưởng gương mẫu. Bằng nhiều biện pháp, cách thức tổ chức sản xuất linh hoạt, hợp lý nên Tổ xúc tiêu thụ của anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao, dù có những thời điểm đơn vị gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Bộc bạch với chúng tôi, anh Học cho biết, trong mỗi ca sản xuất, anh thường xuyên nhắc nhở, quán xuyến anh em thực hiện tốt công tác an toàn, chăm sóc kỹ lưỡng thiết bị. Anh cũng chỉ đạo anh em phải tăng cường kiểm tra thiết bị đầu ca, cuối ca; giao nhận ca cụ thể, rõ ràng; làm tốt công tác chuẩn bị và nhanh chóng có hướng khắc phục, sửa chữa sự cố thiết bị nhằm tăng năng suất thiết bị, giảm bớt giờ vô ích. Mặt khác, Tổ còn áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu; khoán quản chi phí hợp lý để khuyến khích người lao động. Lực lượng trong Tổ có cả những thợ bậc cao nhiều kinh nghiệm và cả lực lượng thợ trẻ giàu nhiệt huyết nhưng trong công việc cũng như cuộc sống, anh em trong Tổ luôn đoàn kết một lòng.
“Quan trọng nhất là người thợ phải biết tự giác với chính công việc của mình, chịu khó học hỏi và được lãnh đạo quan tâm kịp thời thì sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó” – anh Học khẳng định. Còn nói về tâm tư, nguyện vọng của bản thân, anh cười và chia sẻ “Đã gần như cả cuộc đời gắn bó với mỏ nên nghề giờ đây đã là nghiệp rồi. Tôi chỉ mong muốn làm sao có sức khoẻ thật tốt để tiếp tục được làm việc…”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/con-suc-khoe-con-lam-viec-4851.htm” button=”Theo vinacomin”]