Lâu ngày không gặp nhưng cựu thợ lò bậc 6/6 Nguyễn Văn Thuyết vẫn đầy trẻ trung, mặc dù anh đã ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, nghỉ hưu mấy năm nay. Vẫn trà đặc, vẫn thuốc lào liên tục, tôi ngần ngừ “Anh vẫn chưa bỏ thuốc?”. Anh bảo: “Bỏ sao được, bao nhiêu năm hút nó quen rồi. Hồi còn làm lò, trước khi vào ca phải “bắn” vài điếu. Ra lò cái là vơ lấy cái điếu ngay. Nhớ lắm. Đúng là nhớ ai như nhớ thuốc lào!”… Rồi anh cười khà khà. “Còn rượu sao anh?”. Anh lại cười: “Cũng vậy, không bỏ được nhưng uống ít hơn”. Câu chuyện làm tôi nhớ cái thời anh còn trẻ, cứ ăn sáng cũng phải tợp trên nửa cốc Liên Xô. Sức vóc và kinh nghiệm làm lò bao nhiêu năm của anh, giờ đây đổi lấy là một gia đình hạnh phúc. Hai vợ chồng đã nghỉ hưu. Hai con đã đi làm. Cháu gái lớn làm giáo viên. Cháu trai thứ hai cũng học xong Đại học Mỏ – Địa chất và đang hành trình nối nghiệp cha làm nghề mỏ…
Thấy tôi tần ngần trước một căn nhà rộng rãi ngay mặt đường, một con đường thẳng tắp, hai hàng cây xanh mát, anh bảo: “Ngày xưa, anh mua mảnh đất này, đường bụi và lầy lội lắm. Nhưng bây giờ con đường được đẹp như thế này là nhờ vào những di tích lịch sử gắn với giai cấp công nhân mỏ ở hai đầu con đường. Phía đầu đường để lên các mỏ Đèo Nai, Thống Nhất, Công ty Vật tư… chính là địa danh gắn với phong trào lịch sử những năm 1936 mà cao điểm là cuộc đình công của hơn ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Điểm cuối về phía bờ biển là địa danh lịch sử ghi lại sự đau thương, mất mát của những người thợ mỏ, những người làm cách mạng bị thực dân Pháp tra tấn, trong đó có hình phạt dã man nhất là cho vào bao tải có đá và ném xuống bờ biển này. Giờ đây, các điểm di tích này đều đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử, đồng thời cho xây dựng bia tưởng niệm những người đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng. Con đường cũng được làm đẹp hơn và được đặt tên là con đường Vũng Đục, nối với phố Bà Triệu. Tôi hỏi, sao lại có cái tên Vũng Đục anh nhỉ? Anh bảo, sở dĩ có tên Vũng Đục là bởi trước kia, đây là một khu vực có nhiều vũng sâu, nước xoáy, là nơi quần tụ của hàng ngàn loài sinh vật biển và một điều đặc biệt là ở đây có rất nhiều cá đục. Có lẽ vì thế người dân vạn chài xưa đã đặt tên cho khu vực này là Vũng Đục.
Rít điếu thuốc lào, nhả khói cuồn cuộn, Nguyễn Văn Thuyết chia sẻ: “Giờ nghỉ hưu rồi, tham gia sinh hoạt chi bộ khu phố, rồi tổ dân phố hay các hoạt động khác… thành thử ra, nhiều khi tìm hiểu về lịch sử mới thấy mình là thợ mỏ cũng đáng tự hào lắm chứ. Ngày xưa cứ mải mê đi làm, đôi khi mơ màng, không biết mình đang đứng trong hàng ngũ của giai cấp tiên phong cả trong lịch sử thời kỳ thuộc Pháp, thời kỳ đấu tranh cách mạng hay sứ mệnh quan trọng bây giờ là sản xuất than đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế”.
Hiện khu phố này hầu hết là gia đình thợ mỏ. Người làm mỏ Thống Nhất, Dương Huy. Người làm mỏ Khe Chàm, Mông Dương, Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai… Già có, trẻ có. Cánh thợ già đã nghỉ hưu hay trà lá, hội họp nên tìm hiểu nhiều thông tin hơn. Anh bảo: “Cuối tháng 9 vừa rồi, TP. Cẩm Phả đã khai trương đưa Bến thủy nội địa Vũng Đục vào hoạt động. Bến có khả năng tiếp nhận các phương tiện thủy nội địa có mớn nước khoảng 1,8m ra vào. Việc đưa Bến thủy nội địa Vũng Đục vào hoạt động không chỉ phục vụ công tác quản lý các tàu thuyền khi ra vào neo đậu tại khu vực này, đáp ứng nhu cầu đi lại, thăm quan ngắm cảnh Vịnh của người dân và du khách thập phương khi đến với Cẩm Phả mà còn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch Vịnh Bái Tử Long cũng như địa danh lịch sử này”.
Từ khi bến tàu hoạt động, khách qua lại con đường Vũng Đục đông hơn. Người ta đi lại để thăm vịnh đã đành, nhưng không ai không dừng lại thắp nén nhang tại bia tưởng niệm. Nhiều người tỏ ra rất ngỡ ngàng khi được giới thiệu về Vũng Đục, cũng bởi địa danh lịch sử này chưa được quảng bá rộng rãi. Trong cuốn sách “Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Quảng Ninh”, do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh biên soạn có viết: “Từ tháng 10/1948 đến tháng 1/1949, ở Cẩm Phả, Thực dân Pháp đã bắt của ta 61 người tham gia cách mạng, trong đó phần lớn là thợ mỏ. Chúng tra tấn dã man, giết chết 52 người, đem dìm xuống Vũng Đục 30 người, trong đó có 8 phụ nữ”. Một số người tuổi đời còn rất trẻ. Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận cái chết để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân TP. Cẩm Phả đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ. Đài tưởng niệm được xây dựng khá cao. Đứng trên đài tưởng niệm Vũng Đục, có thể phóng tầm mắt quan sát Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, tàu bè ra vào bến Vũng Đục tấp nập. Hàng năm, cứ vào dịp 12/11, ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ – truyền thống ngành Than, lãnh đạo Tập đoàn, TP. Cẩm Phả và tỉnh Quảng Ninh lại thành kính thắp nhang tưởng niệm những người đã anh dũng hy sinh.
Buổi nói chuyện như trầm xuống. Chị Nguyễn Thị Nga, vợ anh Thuyết, trước đây làm trong tổ nhà đèn cùng Công ty cũng thêm vào, ngay cạnh đài tưởng niệm, còn có ngôi đền Vũng Đục. Các chị vẫn thường đến lễ vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng. Nhắc đến chị làm tôi nhớ câu chuyện tình khá lãng mạn của anh chị. Thời trẻ, chị làm nhà đèn, anh làm thợ lò. Chị là người nghiêm khắc khiến cách thợ lò rất nể. Nhiều chàng còn cho là khó tính, khó gần. Cánh bạn Thuyết mới nảy ra bài toán: Đố thằng nào tán được con bé Nga nhà đèn sẽ thưởng mười két bia “tàu”. Hồi đó, hầu như vùng Mỏ chỉ uống bia Li Quan (Trung Quốc). Thuyết vào cuộc và không ngờ lại thấy Nga dễ gần đến vậy. Thế là một đám cưới giữa một chàng thợ lò với cô gái nhà đèn được tổ chức, trong đó không thể thiếu mười két bia được nhóm bạn góp lại như đã hứa… Chuyện tưởng như đùa. Vậy mà gia đình thợ mỏ này đã trải qua gần ba thập kỷ đầy hạnh phúc.
Chị Nga cho biết, ngôi đền Vũng Đục được xây dựng khá khang trang, quy mô, với diện tích rộng khoảng 3.000m2 trên khuôn viên tới hơn chục ha. Đền thờ các liệt sỹ Vũng Đục là nơi quy tụ linh hồn các liệt sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng vùng Mỏ, nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sỹ cách mạng và là nơi giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ công dân TP. Cẩm Phả về tinh thần đấu tranh anh dũng quật cường của cha ông. Cùng với ý nghĩa về lịch sử, khu Vũng Đục còn có vẻ đẹp tự nhiên không kém các khu hang động khác trong vùng vịnh Bái Tử Long. Đó là hệ thống khu hang động Vũng Đục, được liên kết bởi 5 hang động khá rộng và kỳ vĩ với các tên gọi như: Động Thiên Đăng – Long Vân – Ngỡ Ngàng – Hang Kim Quy – Hang Dơi.
Vũng Đục quả là một địa danh đáng được quan tâm hơn nữa…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/con-duong-vung-duc-201710311457021365.htm” button=”Theo vinacomin”]