Không ngại khó, ngại khổ, cứ mô hình nào hợp lý, cách làm nào hay góp phần chăm lo chu đáo đời sống thợ mỏ là CNCB ngành phục vụ Than Vàng Danh lại tích cực học hỏi, triển khai áp dụng. Thông qua những câu chuyện, những chia sẻ rất chân thành của các anh, các chị nơi đây, mới thấy đúng là nghề “làm dâu trăm họ” thực sự cần đến cái tâm trong sáng.
Trại nuôi lợn trên khai trường của Công ty CP Than Vàng Danh vẫn được ví như một “nhà máy xử lý rác thải đặc biệt”. Điều này được Trưởng ngành phục vụ Công ty Phạm Văn Tân lý giải, mô hình làm một trang trại chăn nuôi lợn bắt đầu triển khai từ năm 2004. Nó xuất phát từ việc trung bình mỗi ngày đơn vị phải phục vụ từ 5.000 – 6.000 suất ăn, vì thế lượng cơm thừa, canh cặn còn lại sau mỗi ca, mỗi ngày rất lớn, khoảng 1 tạ đến 2 tạ rác thải. Trong khi đó, đặc thù các nhà ăn của Công ty chủ yếu ở trên khai trường, ở những vùng sâu, vùng xa nên nhiều khi cơm thừa cho không chẳng ai lấy, bán không ai mua. Vấn đề môi trường lúc này đặt ra gay gắt bởi nếu không xử lý tốt lượng rác thải khổng lồ này thì không biết hậu quả sẽ đi đến đâu. Từ thực tế đó, ngành phục vụ đã chủ động đề xuất với ban lãnh đạo Công ty cho phép triển khai mô hình chăn nuôi phù hợp để một mặt tận dụng triệt để lượng rác thải, mặt khác những sản phẩm đó sẽ quay lại trực tiếp phục vụ bữa ăn cho công nhân mỏ. Quan trọng hơn nữa, đó đều là những thực phẩm sạch, nhất là trong bối cảnh hiện nay rau phun thuốc kích thích, thịt lợn tăng trọng siêu tốc đang tràn lan trên thị trường.
“Trước khi quyết định triển khai mô hình này, anh em trong ngành cũng trăn trở lắm. Bởi cũng đã đi tham khảo ở nhiều Công ty trong Tập đoàn mình, với loại rác thải này, các đơn vị thường đấu thầu bán ra ngoài cho gọn nhẹ, đỡ phức tạp. Ngành phục vụ cứ thêm việc gì là “khổ” việc đấy mà! Nhưng mình không nghĩ thế. Đôi khi phải gạt bỏ những cái nhỏ để vì cái chung, vì tập thể thì anh em mới được nhờ”, anh Tân bộc bạch.
Sau gần 7 năm triển khai, đến nay trại lợn của Công ty vẫn được duy trì ổn định, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong khoảng hơn 500 m2 trang trại, Công ty hiện đang nuôi trên dưới 100 con lợn. Ngành bố trí ba nhân công đi theo ba ca đảm nhận việc thu gom cơm thừa, canh cặn cuối mỗi ca, nấu cám và chăm sóc lợn. Như vậy, lượng rác thải sau mỗi bữa ăn công nghiệp của công nhân “không phải vứt đi cái gì”, vệ sinh môi trường được đảm bảo, lợn khi xuất chuồng sẽ được các bếp ăn Công ty mua lại với giá rẻ hơn thị trường. Nhận thấy đây là mô hình hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực nên tới đây ngành phục vụ Than Vàng Danh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Công nhân ăn giữa ca 1 bằng cơm hộp
Thông thường, bữa ăn giữa ca 1 của công nhân ở các đơn vị trong Tập đoàn chủ yếu là bánh mì, bánh nướng và sữa. Trước đây, Công ty CP Than Vàng Danh cũng áp dụng như vậy. Nhưng sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh em công nhân là nhiều khi hơi khó ăn, mùa hè còn đỡ chứ mùa đông, bánh mì khô cứng lại, rất khó nuốt… Thế là, Công ty đã nghiên cứu để có những thay đổi cho phù hợp. “Cơm tẻ là mẹ ruột”, với suy nghĩ đó, lãnh đạo Công ty đã quyết định sẽ làm cơm hộp đưa vào các vị trí làm việc cho công nhân.
Ý tưởng được hình thành, ngành phục vụ Công ty tích cực phối hợp với Công đoàn tổ chức học hỏi kinh nghiệm, cách làm ở nhiều nơi, cẩn thận, tỉ mẩn từ những việc nhỏ nhất như vỏ hộp để đựng cơm canh. Sau khi xem xét, Công ty quyết định dùng hộp nhựa của Xí nghiệp dịch vụ thiết bị hàng không đạt tiêu chuẩn cao, thay vì dùng loại hộp xốp như trên tàu hỏa, một lần rồi vứt đi, không đảm bảo vệ sinh. Ngay sau tháng đầu thực hiện đã nhận được những phản hồi rất tốt từ phía công nhân, có người còn trực tiếp đến gặp trưởng ngành bày tỏ mong muốn Công ty cứ tiếp tục làm cơm hộp cho anh em, công việc vất vả có bát cơm nóng, canh nóng ấm lòng lắm. Tuy vậy, việc làm cơm hộp ban đầu cũng gặp phải không ít khó khăn, thường xảy ra tình trạng mất hộp, mất vệ sinh môi trường. Từ thực tế đó, ngành phục vụ đã có những điều chỉnh, tuyên truyền về ý thức tự giác đến từng người, nhờ vậy đến nay mô hình này đã và đang được áp dụng rất thành công ở Than Vàng Danh. Anh Tân cho biết thêm: “Có một số đơn vị đến đây học làm cơm hộp cho công nhân nhưng do nhiều yếu tố nên vẫn chưa triển khai được. Bản thân tôi là người trực tiếp chỉ đạo rồi làm thì thấy rằng, vấn đề quan trọng nhất để thực hiện cách làm này là phải có phương án tổ chức hợp lý. Chẳng hạn, ở Than Vàng Danh do đặc thù khai trường không tập trung, phân tán, bán kính trung bình cách nhau khoảng 3 km, nơi xa nhất hơn 5 km, vì vậy ngành phục vụ phải thực hiện theo quy trình; hàng ca, cán bộ nhà ăn vận chuyển cơm hộp đến một vị trí nhất định trên khai trường, từng phân xưởng cắt cử người ra nhận. Ăn xong, phân xưởng có trách nhiệm đưa toàn bộ hộp nhựa về nhà giao ca. Việc này được ngành phục vụ làm rất quyết liệt, có sổ sách ghi chép, có quy chế rõ ràng, nếu phân xưởng nào để xảy ra tình trạng mất hộp, mất vệ sinh sẽ bị phạt”.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những việc làm tích cực của ngành phục vụ Công ty CP Than Vàng Danh. Chẳng thế mà, ở đây ngành phục vụ được thợ lò thực sự tin tưởng và họ luôn gắn bó mật thiết như trong một gia đình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/co-tam-huyet-tho-lo-moi-duoc-nho-354.htm” button=”Theo vinacomin”]