Quyết định bỏ làm thợ mỏ của Hường có thể được nhiều người cho là sáng suốt. Giờ Hường cũng đã có một cuộc sống khá giả. Nhưng những ngày tháng sống trong vòng tay anh em đồng nghiệp đã thực sự là những kỷ niệm đẹp của Hường khiến nhiều khi anh cảm thấy tiếc nuối.
Rồi Hường cưới vợ, không ai khác là một trong bốn cô gái mỏ cùng dãy. Đó là Miên, một cô gái khá hoạt bát và xinh đẹp. Ai cũng bảo Hường là người may mắn. Anh em trong phòng nhường lại cho Hường gian nhà tập thể này. Họ đi mỗi người ở một dãy nhà khác. Người ở ghép với bạn, người về ở với anh trai… Vậy nhưng ngày nào họ cũng lên nhà Hường chơi, đến bữa mới về, cứ như chưa chuyển đi vậy. Cuộc sống của vợ chồng Hường khi đó thật đạm bạc nhưng hạnh phúc ngập tràn. Niềm hạnh phúc đó dường như được nhân lên gấp bội khi cô con gái đầu lòng xinh xắn chào đời. Các chú chưa vợ ngày nào cũng cho quà. Khi thì bánh mì trong mỏ, khi thì đồ chơi được các chú tạo ra từ than, từ gỗ hòm mìn. Tâm – con gái Hường thích nhất là những con tôm, con cá, con cua được các chú đan bằng những sợi dây mìn đủ màu sắc. Tâm treo đầy những con tôm, cua, cá to nhỏ bám trên tường nhà, cứ như một thủy cung…
Cuộc sống của gia đình Hường đang trôi đi khá êm đềm thì một hôm, vợ Hường bàn với chồng sẽ bỏ công nhân để ra chợ buôn bán. Hường khuyên vợ không được. Nói là làm. Tất cả vốn liếng và tiền đi làm tích cóp, cô bỏ ra mua một ki – ốt bán hàng tạp hóa. Được một hai năm, tích cóp thêm, cô lại thuê một cửa hàng rộng hơn bên phía ngoài đường cho cả nhà chuyển ra đó vừa ở vừa bán hàng. Hàng ngày, đi làm về, Hường phụ giúp vợ bán hàng. Phải nói là, từ khi vợ Hường bỏ ra làm ăn buôn bán, kinh tế gia đình Hường khá hơn trông thấy. Vợ chồng Hường bỏ tiền mua lại được cái cửa hàng rộng rãi này, không phải thuê nữa. Trong nhà sắm sửa được đủ thứ. Rồi Hường cũng bỏ công nhân về cùng vợ buôn bán. Thấm thoắt cũng đã gần mười năm, con gái Hường cũng đã lớn, cuộc sống tiện nghi trong nhà không thiếu gì, buôn bán cũng có của ăn, của để. Nhưng chỉ có điều Hường vẫn thấy nó thiếu một cái gì đó, khó lý giải.
Một buổi chiều cuối thu lãng đãng, Hường để vợ bán hàng một mình, lấy xe máy phóng đến khu tập thể, nơi vợ chồng Hường đã có những ngày tháng hạnh phúc. Từ xa, Hường nhìn lên vạt đồi, các dãy nhà vẫn thế, chỉ được sơn sửa lại và nhà nào cũng xây thêm một gian bếp vì giờ không còn hộ tập thể nữa, đã là gia đình riêng cả rồi. Nhà thì xây phía trước, nhà thì xây phía sau. Nhà trồng thêm cây bàng, cây phượng phía trước cho mát. Những vạt rau phía sau đồi xanh mướt. Mới đứng ở phía dưới, tiếng đàn của Thanh đã vẳng đến tai anh. Thằng Thanh vẫn chơi đàn hay quá. Tiếng con trẻ rúc ríc nô đùa. Mà còn có cả tiếng cười người lớn nữa. Đây rồi, cái thiếu của Hường đây rồi. Bao nhiêu năm mải buôn bán, làm ăn, dường như vợ chồng Hường đã quen với cái cảnh tấp nập, hối hả của thương trường và mất dần cảm giác thư thái của xóm thợ ngày nào. Hường chống xe, đứng một hồi lâu nhớ lại một thời đầy kỷ niệm dội về và nghe những nốt nhạc tại căn phòng của Thanh vang ra quen thuộc. Anh mỉm cưởi bước lên bậc. Nghe tiếng Hường, cả dãy nhà ai cũng bước ra cửa cười vang.
“Chà chà, hôm nay rồng lại đến nhà tôm, hơi lạ đấy” – Thanh ôm đàn chạy ra nói to. Hường trả lời: “Phải nói là tôm đến nhà rồng mới đúng chứ”. Rồi họ cùng cười vang. Hường chào và hỏi thăm từng người như đi đâu xa về. Cả dãy nhà hôm đó chỉ nấu có một nồi cơm ngồi cả trong nhà Thanh uống rượu. Bộ bàn ghế được Thanh chế tác từ những mảnh gỗ hòm mìn sơn vecni thật đẹp cho cả ra ngoài sân lấy chỗ ngồi. Mặc dù không được đầy đủ mọi người do phải đi ca hhưng hôm đó Hường uống nhiều mà không thấy say. Anh uống rượu và nói nhiều, tâm sự nhiều. Anh liên tục nói: “Tôi thèm được như các ông”. Hường nhắc đi nhắc lại. Cứ mỗi lần như vậy, Thanh lại trả lời: “Có mà chúng tôi thèm được như vợ chồng ông mới phải chứ”.
Tan cuộc, Thanh sợ Hường uống nhiều rượu, anh cất xe máy của Hường rồi gọi cho Hường một chiếc xe taxi về nhà. Hường nằm vật ra giường, nói với vợ: “Có lẽ… tôi xin quay lại làm thợ mỏ thôi…”. Vợ Hường cười mỉm: “Thôi ngủ đi ông nội, người ta nhận ông về rồi làm chế độ cho ông nghỉ hưu à…”. Bên ngoài, tiếng toe toe, kình kịch của chuyến tàu kéo than mỏ vọng về. Hường ngủ thiếp đi lúc nào không biết…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/co-le-toi-xin-quay-lai-lam-tho-mo-thoi-4491.htm” button=”Theo vinacomin”]