Cơ giới hoá có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn, tăng năng suất lao động, giảm giá thành trong khai thác than; đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nguồn nhân lực huy động cho ngành Than có nhiều bất lợi do ảnh hưởng của các ngành kinh tế khác trong xã hội; hơn nữa, điều kiện khai thác than ngày càng xuống sâu, đi xa; dẫn đến giá thành khai thác gia tăng trong khi giá bán thị trường đi xuống… cơ giới hoá đang được xem là lời giải tối ưu cho vấn đề tăng năng suất, giảm giá thàn
Thời gian qua, Lãnh đạo Tập đoàn đã rất chú trọng đến công tác đổi mới công nghệ khai thác, có nhiều chủ trương áp dụng công nghệ mới, tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành sản xuất. Các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã và đang tích cực nghiên cứu, đưa vào áp dụng các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, như đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn tại nhiều cuộc họp điều hành sản xuất, tỷ lệ áp dụng cơ giới hoá, nhất là trong khai thác than hầm lò trong Tập đoàn vẫn chưa cao, chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Chẳng hạn, trong khai thác than lò chợ. Hiện tại, toàn Tập đoàn có 14 đơn vị khai thác than hầm lò với 164 lò chợ khai thác đồng thời. Chủ yếu là công nghệ giá XDY, giá khung, giá liên kết xích, TLĐ, công nghệ ngang nghiêng và buồng thượng, chỉ có 4 lò chợ máy khấu hoặc máy bào và 1 lò chợ dàn siêu nhẹ. Ngoài ra, sử dụng công nghệ đào lò lấy than để tận thu các khu vỉa nhỏ lẻ, trụ bảo vệ không thể áp dụng được các công nghệ khác tiên tiến hơn.
Việc áp dụng công nghệ CGH đồng bộ trong khai thác chưa ổn định, đạt hiệu quả thấp, một số lò chợ CGH đồng bộ đã tạm dừng để sửa chữa (Vàng Danh, Mạo Khê). Riêng lò chợ CGH đồng bộ tại Công ty than Khe Chàm đạt 97,0% công suất theo thiết kế, lấy ví dụ năm 2006 thực hiện 388.168 tấn/ 400.000 tấn.
Tương tự, trong công tác đào lò, cùng với các đơn vị khai thác, Tập đoàn có 2 đơn vị chuyên đào lò; thực hiện khoảng 300.000 mét mỗi năm, với tổng số 338 gương lò thi công đồng thời. Tuy nhiên, chiếm 69% là công nghệ khoan nổ mìn, xúc bốc thủ công; bán CGH (sử dụng xe khoan, máy xúc) là 30,4%; Còn lại, chỉ 0,7% là đào lò bằng máy Combain. Trong công tác vận tải hầm lò, hầu hết các đơn vị đã đầu tư nâng cấp hệ thống vận tải chính bằng băng tải B800 -1200mm để chở than, đầu tư các thiết bị vận tải người, vật tư thiết bị… nhưng chưa đồng bộ đến nơi thi công, sản suất; có nơi còn vận chuyển thủ công hoặc đi bộ với chiều dài lớn.
Quyết liệt nhiều nhóm giải pháp
Để đẩy mạnh công tác cơ giới hoá trong khai thác than và đào lò; đổi mới công nghệ nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả khai thác trong năm 2015 và các năm tiếp theo, theo Ban KCM, Tập đoàn quyết liệt hơn trong thực hiện các nhóm giải pháp:
Đối với khai than thác lò chợ, cần lựa chọn, áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác đồng bộ phù hợp điều kiện mỏ địa chất của các vỉa than, hoặc là áp dụng công nghệ khai thác CGH đồng bộ khấu than hết chiều dày vỉa; hoặc là công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạ trần thu hồi than nóc bằng máng cào sau.
Ngoài việc tiếp tục áp dụng các công nghệ hiện đang phù hợp với điều kiện địa chất mỏ gồm: giá thủy lực di động XDY, giá ZH, GK, liên kết bằng xích, cột thủy lực đơn; đầu tư theo hướng thay dần giá XDY bằng giá ZH, GK, liên kết bằng xích để tăng năng suất lao động, công suất lò chợ và giảm nguy cơ mất an toàn. Giảm dần công nghệ khai thác khấu buồng; đào lò lấy than. Công nghệ lò chợ chống gỗ chỉ áp dụng cho phá hỏa ban đầu lò chợ.
Cùng với đó, cần tiếp tục đánh giá, hoàn thiện các công nghệ khai thác CGH đồng bộ dàn chống VINAALTA đã đầu tư tại Vàng Danh, Nam Mẫu; tổ hợp dàn 2ANSH + máy bào than ở Công ty than Hồng Thái, Mạo Khê; Triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu đề tài khai thác trụ bảo vệ các đường lò dọc vỉa vận tải; khai thác không để lại trụ bảo vệ lò dọc vỉa vận tải; Nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm các công nghệ khai thác mới như: công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng dàn mềm ZRY tại các vỉa than có góc dốc từ 450 ÷ 750; công nghệ khai thác chèn lò tại cánh Nam mỏ than Mạo Khê, mỏ hầm lò Núi Béo.
Trong công tác đào lò, cần triển khai áp dụng đồng bộ các thiết bị khoan, xúc bốc và vận tải than, đất đá đào lò với công nghệ bán cơ giới; Tăng cường áp dụng CGH đào lò bằng combain phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ; Tăng cường áp dụng chống lò bằng các loại vì neo như: neo bê tông cốt thép, neo dẻo cốt thép, bêtông phun trong đào lò.
Với công tác vận tải hầm lò, cần áp dụng các thiết bị vận tải liên tục có năng suất lớn (băng tải) để vận chuyển than, đất đá thay thế cho các thiết bị vận tải không liên tục có năng suất thấp (xe goòng, tời trục…); Sử dụng các thiết bị vận tải phù hợp để vận chuyển người, vật tư thiết bị giảm thời gian đi lại, vận chuyển thủ công nâng cao năng suất và an toàn lao động; Tiến hành cơ giới, cơ khí hoá toàn bộ hoặc từng phần các khâu bốc xếp trung chuyển vật liệu, thiết bị trong hầm lò.
Đối với khai thác than lộ thiên, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trình tự khai thác – đổ thải – thoát nước tối ưu cho vùng Cẩm Phả và vùng Hòn Gai, đặc biệt vùng giáp ranh, vùng chồng lấn các mỏ lộ thiên – lộ thiên; lộ thiên – hầm lò trong TKV và các mỏ của Tổng Công ty Đông Bắc, nhằm giảm tỷ lệ tổn thất, nâng cao chất lượng than, khai thác triệt để tài nguyên, tận dụng không gian, tăng dung tích đổ thải trong, giảm cung độ vận tải, giảm ảnh hưởng khai thác giữa lộ thiên – hầm lò… Song song với đó, cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ vận tải đất, than: bằng băng tải; ô tô chạy điện công suất vận tải lớn; hình thức vận tải hỗn hợp ôtô – băng tải; ô tô – trục tải, trục nâng tại các mỏ để phát huy các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm của từng hình thức vận tải. Đồng bộ lựa chọn thiết bị để phù hợp giữa tải trọng ô tô và công suất, năng suất máy xúc; Cải tạo tầng khai thác, đường mỏ để phù hợp với phương tiện vận tải.
Với công tác sàng tuyển, chế biến than, tiến hành quy hoạch công tác chế biến than tại các vùng theo định hướng: tăng sản lượng chế biến than tại các nhà máy sàng tuyển tập trung, hạn chế chế biến tại mỏ nhằm thu hồi than chất lượng cao; Lựa chọn công nghệ tuyển hợp lý để đáp ứng với công nghệ khai thác lò chợ Cơ giới hoá đồng bộ (than lẫn đá nhiều hơn, chất lượng than xấu hơn) nhưng vẫn đảm bảo tuyển được các chủng loại than theo yêu cầu tiêu thụ.
Trong công tác giao nhận than, tăng dần khối lượng vận chuyển bằng băng tải, giảm vận chuyển bằng ô tô; Đầu tư thiết bị giám định khối lượng (cân băng tải), giám định chất lượng (máy lấy mẫu tự động trên băng tải) để tăng năng suất lao động và chất lượng công việc; Xây dựng mô hình chuẩn và soát xét lại định biên, định mức lao động tại các công ty sàng tuyển, kho vận cho phù hợp với Quy hoạch chế biến và công tác giao nhận mới (hiện đang triển khai).
Tuy nhiên, cũng theo Ban KCM, trong công tác quản lý và triển khai áp dụng cơ giới hoá, cần đặc biệt lưu ý không áp dụng dàn trải hoặc theo phong trào mà phải cân nhắc việc triển khai áp dụng cơ giới hoá đồng bộ hoặc từng phần phù hợp với điều kiện địa kỹ thuật của vỉa than, gương lò, của từng đơn vị. Đối với dạng công nghệ mới theo chương trình Cơ giới hoá khai thác than và đào lò, khi triển khai áp dụng thử nghiệm cần có cơ chế áp dụng, chế độ theo dõi đánh giá trong thời gian nhất định, để chuyển áp dụng chính thức thì mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Quan trọng hơn cả, để đẩy mạnh công tác cơ giới hoá trong khai thác than và đào lò, ngoài sự nỗ lực của các Ban chuyên môn, Cơ quan quản lý, cần có sự chung tay, đồng lòng, quyết tâm của tất cả các đơn vị trong toàn Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/co-gioi-hoa-cach-toi-uu-de-tang-nang-suat-giam-gia-thanh-201511301605563933.htm” button=”Theo vinacomin”]