Mùa xuân 1973, Đại hội mừng công Bộ đội Trường Sơn được Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào dự và nói chuyện thân mật. Cán bộ nghe hấp dẫn bởi cách diễn đạt rất thanh thoát của Tổng tư lệnh. Ông chẳng dùng những danh từ to tát nhằm gây ấn tượng hay hạ nhục kẻ địch. Trong cách so sánh lực lượng, không một lúc nào ông tỏ ý coi thường đối phương, không cường điệu khả năng của ta, rất tỉnh táo tự thấy mình. Sức thuyết phục của Đại tướng là thế…
– “Chúc Đại tướng khỏe” – Tiếng đáp đồng thanh, vỗ tay vang dậy, kéo dài. Tổng tư lệnh tươi cười, giơ hai tay vẫy cảm ơn.
– Chúng ta nói chuyện thân mật với nhau rồi. Sau đây, tôi muốn xem một số trọng điểm, thăm mấy đơn vị để cảm nhận rõ hơn về sức chịu đựng kiên cường của bộ đội, thanh niên xung phong chúng ta.
Hai sư đoàn 472 và 571 được giao trách nhiệm tổ chức bảo đảm hành trình thị sát của Đại tướng. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính ngồi xe cùng Đại tướng. Mặt trời gần tròn bóng, xe của Đại tướng và đoàn hộ tống đến địa điểm tạm dừng bên dòng sông Nậm Nghi trên đường 24A. Mọi người vào nhà nghỉ.
Cơm trưa xong, tôi đến xin chỉ thị lúc nào có thể tiếp tục lên đường.
Đại tướng cười vui vẻ:
– Ở đây đồng chí là chủ.
– Báo cáo! 13 giờ đi được không ạ?
– Tốt lắm. Cơm xong, nghỉ 15 phút là đủ.
Đúng giờ tôi đến nhà khách, Đại tướng đã sẵn sàng. Anh Bùi Đình Kế, Phó văn phòng Quân ủy kiêm Bí thư của Tổng tư lệnh khẽ nhắc tôi: “Để bảo vệ sức khỏe của anh Văn, chiều nay cố về đến Xuân Sơn nhé!”.
Theo gợi ý đó, tôi bớt nội dung giới thiệu một số trọng điểm. Tới đèo Cốc Mạc, Đại tướng ra hiệu dừng lại ngắm địa thế con đường phải qua chỗ địch đánh phá ác liệt. Ông đi vào trận địa cao xạ dưới chân trọng điểm, đến từng khẩu đội xem cách bố trí, thăm các chiến sĩ và nghe tiểu đoàn trưởng báo cáo trận đánh đạt hiệu quả nhất tại trọng điểm này… Đại tướng hoan nghênh, đánh giá cao chiến thuật tác chiến bảo vệ giao thông thắng lợi. Ông bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ…
Quay ra, tôi thoáng nghe tiếng líu ríu: “… Đại tướng nắm tay tớ mà rung cậu ạ…”, “… Ông cụ nắm đến chặt…”. Tôi bỗng nhận thấy nét tinh tế của người lính, họ hiểu tấm lòng qua cái bắt tay của cấp trên!
Từ trận địa pháo, đoàn xe đi thẳng tới Ka Tốc. Anh Nguyễn Đàm-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 571 chờ đón dẫn đoàn đi theo đường 20A. Ngọn Phu La Nhích đột ngột nhô cao bên nậm Talê. Đường lên đèo đỏ đọc, ngoằn nghèo. Dọc đường, công binh đã dọn dẹp cho giảm bớt dữ dằn, song với những xác xe cong queo đỏ quạch, những bệ pháo vỡ… ghi nhận những trận chiến ác liệt đã diễn ra trên dãy núi… Đoàn xe lên tới đỉnh đèo, chỗ có ba đường rẽ. Một chiến sĩ gái quân phục màu rêu đứng trước hầm chữ A phất mạnh lá cờ hiệu chỉ đường xuống ngầm.
Đại tướng mở cửa bước ra. Cô chiến sĩ sững người, đưa tay lên vành mũ, nói lúng búng:
– Cháu… cháu chào Đại tướng ạ!
Tổng tư lệnh đáp lễ, cười hiền hậu, bắt tay chiến sĩ gái:
– Đồng chí tên gì? Quê ở đâu?
– Dạ! Cháu Trần Thị Ngân, người Nam Hà.
– Đồng chí nhập ngũ năm nào?
– Cháu nhập ngũ năm bảy hai ạ!
– Đồng chí nhập ngũ đúng vào lúc Tổng thống Mỹ muốn làm nhụt tinh thần chiến đấu của quân và dân ta bằng máy bay B52 đấy! Đại tướng cười hồn hậu Đồng chí đã dự mấy trận chiến đấu rồi?…
Tôi chợt nhận thấy nét đối xử bình đẳng của Tổng tư lệnh trong cách xưng hô với mọi lứa tuổi. Có lẽ vì thế nữ chiến sĩ dần bớt e ngại, mạnh dạn báo cáo những trận chiến đấu chống máy bay Mỹ phá hoại…
Đứng trên đỉnh đèo, Tổng tư lệnh nhìn bao quát cả vùng núi rừng trước mặt bị bom phá hủy trụi từng mảng. Con sông Talê uốn khúc ôm lấy chân núi đã bị bóc hết lớp cây, trơ đất đỏ rực… Vậy mà con “đường ngầm” qua sông vẫn không dứt. Đoàn xe tải chở hàng từ hậu phương vào vẫn nườm nượp băng sông, vượt đèo ra tiền tuyến. Chờ đoàn xe tải qua hết, đoàn ô tô con bò dần xuống mép nước. Theo hiệu lệnh, những anh lái trẻ yên trí giữ đều tốc độ băng trên mặt ngầm phẳng rộng. Nước tóe sang hai bên trắng xóa. Lên khỏi ngầm, Đại tướng yêu cầu dừng lại, xuống hỏi chuyện các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Người trung đội trưởng công binh 7 năm liền trụ bám đoạn đường báo cáo với Đại tướng những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời chiến đấu của mình…
Đại tướng lắng nghe, đôi mắt ông thoắt mờ đi như bị hút vào cuộc chiến vô cùng dũng cảm của đội quân “Trường đồng vách sắt” gái trai quên mình cho sự nghiệp cứu nước… Đại tướng choàng tay ôm lấy người cán bộ hơn hai nghìn ngày đêm dầm mình trong lửa đạn. Ông siết chặt tay từng chiến sĩ, rồi xúc động: “Tôi cảm ơn các chiến sĩ Trường Sơn anh hùng, những người con ưu tú của Tổ quốc góp phần làm nên thắng lợi rất to lớn của dân tộc… Trước khi lên đường, Đại tướng nhìn khắp cán bộ, chiến sĩ trong buổi tiễn chân. Ông trầm giọng: “Rồi đây, tuyến giao thông chiến lược Hồ Chí Minh sẽ không dừng ở mức độ hiện nay, mà phải mở rộng, rải đá để có thể vận tải được cả những tháng đầu mùa mưa, xe chạy được hai chiều không giảm tốc độ… Không lâu nữa đâu, con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại sẽ góp công lớn vào kỳ tích hoàn toàn giải phóng miền Nam, làm rạng rỡ dân tộc và thỏa hồn bao người đã khuất…”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-thi-sat-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-xuan-1973-4100.htm” button=”Theo vinacomin”]