Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, nhà máy Tuyển Nam Cầu Trắng sẽ phải hoàn thành việc di dời và chấm dứt hoạt động sản xuất, tiêu thụ than. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của Công ty Tuyển than Hòn Gai – Vinacomin. Đặc biệt là những người lao động đang làm việc tại khu vực Nam Cầu Trắng.
Để tìm hiểu sâu hơn về những nỗ lực của Công ty trong việc giải quyết vấn đề tái cơ cấu, phóng viên Tạp chí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hữu Lý – Chủ tịch Công đoàn Công ty và ghi nhận một số ý kiến của người trong cuộc về vấn đề này.
1.Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi hôm nay. Thưa ông, có thể nói rằng, Tuyển than Hòn Gai là đơn vị lần đầu tiên trong Tập đoàn được yêu cầu thu hẹp sản xuất thông qua việc chấm dứt hoạt động ở khu vực Nam Cầu Trắng. Ông có thể chia sẻ đôi điều về bài toán khó chưa từng có tiền lệ này?
Ông Bùi Hữu Lý: Khác với các đơn vị khác trong Tập đoàn khi thực hiện tái cơ cấu, Tuyển than Hòn Gai có lẽ là đơn vị đặc biệt khó. Theo phương án Công ty đã trình với Tập đoàn, tổng số lao động cần thiết để duy trì ổn định sản xuất sau khi Nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng ngừng hoạt động là 1.347 người. Hiện tại, Công ty có tới 1.887 người. Như vậy, số lao động dôi dư sẽ là 540 người. Dẫu rằng thông qua các Nghị quyết có liên quan của Tỉnh ủy, của Tập đoàn trong những năm trở lại đây thì đây không phải là một sự thay đổi đột ngột. Song, việc thực hiện như thế nào lại là một bài toán khiến chúng tôi vô cùng lo lắng và trăn trở. Thêm đó, chúng tôi vẫn phải ưu tiên tập trung hoàn thành nhiệm vụ SXKD Tập đoàn giao. 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty đều đạt trên 80% kế hoạch năm. Và cho đến giờ phút này, chúng tôi vẫn đang gấp rút nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ quý IV một cách hiệu quả nhất. Việc giải quyết song song cả 2 vấn đề khiến cho Tuyển than Hòn Gai đang phải gấp rút hoàn thành sao cho kịp tiến độ đã đề ra.
2.Như ông đã chia sẻ, thời điểm chấm dứt hoạt động của Nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng cũng là lúc 540 người trở thành lao động dôi dư. Cách giải quyết của Công ty đối với các trường hợp này như thế nào?
Ông Bùi Hữu Lý: Việc giải quyết số lượng lao động này như thế nào cho thỏa đáng, hợp lý cũng là một vấn đề mà chúng tôi đặc biệt lưu tâm. Trước tiên, đối với những người đủ độ tuổi về hưu trước tuổi, chúng tôi đã thực hiện vận động, động viên, khuyến khích khoảng 30 trường hợp.
Chúng tôi cũng đã trình phương án xử lý lao động dôi dư để Tập đoàn phê duyệt. Theo đó, đề nghị Tập đoàn cho phép giữ lại một số lao động đã có tay nghề cao, công nhân công nghệ sàng tuyển, thợ sửa chữa để phục vụ sau khi nhà máy tuyển di chuyển vào khu vực phường Hà Khánh. Tổng số lao động này khoảng 90 người, họ sẽ được tính vào định biên lao động của Công ty và được bố trí làm tại Phân xưởng Sàng mới và một số đơn vị sản xuất khác.
Một phương án nữa là chúng tôi thực hiện điều chuyển lao động trong nội bộ TKV. Chúng tôi cũng đã có những buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị trong khối sàng tuyển, kho vận như Tuyển than Cửa Ông, Kho vận Đá Bạc, cũng như một số đơn vị sản xuất, tiêu thụ than trong vùng Hạ Long như Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai, Núi Béo. Con số này ước tính khoảng 100 người.
Với 320 người lao động còn lại, do không có nhu cầu hoặc không đáp ứng đủ điều kiện điều chuyển nội bộ hay nghỉ hưu trước tuổi, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trước khi tiến hành, chúng tôi sẽ giới thiệu lý lịch trích ngang của số lao động này đến các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh Quảng Ninh, cũng như các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh và trên địa bàn Thành phố Hạ Long.
3.Có thể thấy, trong khoảng thời gian hơn 2 tháng sắp tới, Tuyển than Hòn Gai sẽ phải “gồng mình” hết sức để có thể thực hiện hoàn thành đồng bộ các mục tiêu đề ra. Đếm ngược đến thời điểm sắp tới, điều quan trọng trong giai đoạn này đối với Công ty là gì, thưa ông?
Ông Bùi Hữu Lý: Trước mắt, chúng tôi ưu tiên thực hiện kế hoạch năm 2018 căn cứ theo điều hành của Tập đoàn và đã ban hành các văn bản điều hành kế hoạch sản xuất, tiêu thụ quý IV/2018 với nhiều biện pháp điều hành quyết liệt, cụ thể. Đối với Dự án Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai, Công ty cũng đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện theo các ý kiến của Bộ Công Thương và gửi báo cáo giải trình Bộ vào ngày 09/10 vừa qua. Công tác chuẩn bị mặt bằng thi công đang được gấp rút hoàn thiện. Sau khi hồ sơ thiết kế và dự toán được phê duyệt, nhà thầu sẽ thi công 3 ca liên tục nhằm đưa các hạng mục chính của nhà máy vào vận hành chính thức vào ngày 31/12/2018. Dù cố gắng hết mình trong sản xuất nhưng vẫn phải tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn lao động.
Đối với việc tái cơ cấu, chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện tuyên truyền để người lao động nắm rõ và chia sẻ với tình hình chung của Công ty. Công ty cũng đã có một số đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, Bộ Công Thương, Tỉnh Quảng Ninh có chế độ đãi ngộ cho CNVC-LĐ Công ty về quyền lợi được hưởng và ưu tiên sử dụng một phần đất dự án để làm nhà ở tái định cư tại khu vực Nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng sau khi ngừng hoạt động. Song song đó, rất mong các cấp, các ngành có liên quan có chính sách hỗ trợ trợ cấp cho người lao động của Công ty trong trường hợp mất việc làm do thu hồi đất dẫn đến thu hẹp sản xuất.
Công ty cũng đề nghị Tập đoàn xem xét, tạo điều kiện cho người lao động Công ty được hưởng mức trợ cấp tối đa từ quỹ đổi mới cơ cấu lao động, đồng thời hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đơn vị tiếp nhận lao động của Tuyển than Hòn Gai. Trong năm vừa qua, Công ty không thực hiện chương trình tham quan du lịch mà dùng khoản phúc lợi đó để hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty cũng mong Tập đoàn sẽ xem xét các quy chế, các nguồn quỹ để làm sao hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng cùng với khoản hỗ trợ từ quỹ phúc lợi của Công ty để thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Xin cảm ơn ông!
Anh Nguyễn Đình Thuận – Tổ trưởng Tổ tiêu thụ số 1 ( Phân xưởng Cảng):
“Tôi về làm ở Tuyển than Hòn Gai từ năm 1987, qua nhiều lần thuyên chuyển, năm 2001 tôi được về đầu quân cho Tổ tiêu thụ số 1 của Phân xưởng Cảng Nam Cầu Trắng. Từ khi nghe tin Nhà máy sẽ di dời vào Hà Khánh, ban đầu anh em chúng tôi cũng có sự lo lắng, hoang mang. Nhưng sau một thời gian dài được lãnh đạo Công ty, lãnh đạo Phân xưởng khuyến khích, động viên, mỗi ngày làm việc mới, anh em trong tổ tôi luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau, nâng cao sản lượng tiêu thụ. Lương bình quân của chúng tôi mỗi tháng cũng đạt 6-7 triệu đồng. Dù thời gian tới, ai còn việc làm, ai phải ra về thì chúng tôi vẫn tự bảo nhau: Còn ngày nào ở vị trí làm việc là phải cố gắng hết sức mình ngày đó.”
Chị Trần Thị Thu Trang – Tổ trưởng sản xuất Bếp ăn số 3 (Phân xưởng Đời sống):
“Với nhiệm vụ phục vụ bữa ăn công nghiệp suốt 3 ca sản xuất, chị em bếp ăn chúng tôi luôn cố gắng sao cho các anh em có những món ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Là người của Công ty đã 13 năm nay, tôi hiểu rằng, việc thực hiện tái cơ cấu là nhiệm vụ chung. Tôi cùng các chị em luôn tin tưởng vào sự lãnh chỉ đạo của Tập đoàn cũng như của lãnh đạo Công ty Tuyển than Hòn Gai sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để chị em chúng tôi tiếp tục có việc làm, tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề như bao năm qua.”
Chị Nghiên Thị Hậu – Công nhân cấp dưỡng (Phân xưởng Đời sống):
“Hai vợ chồng tôi đều đang làm việc tại Công ty Tuyển than Hòn Gai. Chồng tôi thì lái xe tại Phân xưởng Vận tải 3. Nhà đi thuê, hai đứa con còn nhỏ tuổi, thu nhập của hai vợ chồng chi tiêu cho mọi sinh hoạt còn nhiều đắn đo. Vậy nên, mới đầu nghe tin việc di dời nhà máy tuyển, tôi rất lo rằng, mình sẽ làm ở đâu, nếu không còn có việc làm thì phải làm thế nào? Sau này, khi hiểu được chủ trương của Công ty, tôi càng phải giữ tâm lý vững vàng, nhất là công việc nấu nướng tiếp xúc với lửa như chúng tôi. Là một an toàn vệ sinh viên, tôi hiểu rằng: Chöøng nào chúng tôi còn làm việc tại đây, mọi việc vẫn phải trôi chảy, phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến phút cuối cùng.”
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-tai-co-cau-o-tuyen-than-hon-gai-vinacomin-tieng-long-nguoi-trong-cuoc-201811011446024072.htm” button=”Theo vinacomin”]