Không cần quá hô hào khẩu hiệu hay phải tổ chức thật nhiều các hoạt động phong trào “bề nổi” mà chỉ từ những việc làm giản dị tưởng chừng rất nhỏ đã thể hiện trách nhiệm và cái tâm của những người làm công đoàn đối với công nhân, người lao động ở Công ty Cổ phần than Vàng Danh.
Chuyện “tiếp dân”
Cửa phòng của Chủ tịch Công đoàn Than Vàng Danh Vũ Đình Việt hé mở sau tiếng gõ cửa nhè nhẹ và lời mời vào. Một bà cụ khoảng gần 70 tuổi e dè bước vào. Dù đang dở công việc tiếp khách, anh Việt xin phép được dừng ngang để tiếp bà cụ. Sau khi ngồi xuống ghế và cầm chén trà nóng mà anh Việt mời, bà cụ đã bớt phần rụt rè mà trình bày vấn đề cần hỏi. Đại ý câu chuyện là con trai bà trước làm công nhân của Than Vàng Danh, do sức khỏe không đảm bảo nên xin chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty. Bà muốn hỏi về việc con trai bà chưa được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Sau khi nghe bà trình bày và xem kỹ lại các giấy tờ liên quan, anh Việt cẩn thận giải thích rất rõ ràng rằng mọi chế độ của con trai bà cụ khi nghỉ đã được Công ty chi trả theo đúng quy định; đồng thời hướng dẫn bà cụ về việc nhận tiền trợ cấp thất nghiệp cho con. Như hiểu ra được mọi việc, bà cụ vui vẻ cảm ơn trước khi chào mọi người trong phòng ra về.
Sau đó, tôi có hỏi anh Việt rằng, mỗi ngày anh phải “tiếp dân” nhiều trường hợp hỏi về chế độ chính sách của người lao động như thế này không? Anh Việt vui vẻ mà rằng, cũng có thời điểm nhiều, thời điểm ít, nhưng tựu chung chủ yếu là người lao động chưa hiểu hết hoặc chưa nắm rõ những quy định về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Với chức năng là người đại diện tiếng nói cho người lao động nên họ cũng hay tìm đến tổ chức Công đoàn của Công ty để hỏi và nhờ tư vấn về những vấn đề còn khúc mắc xung quanh công việc và chế độ mà họ được hưởng. “Trách nhiệm của chúng tôi là giải thích để người lao động hiểu, nếu quyền lợi của họ chưa được đảm bảo thì sẽ phải phối hợp với chuyên môn, phòng ban liên quan để giải quyết thấu đáo. Cánh cửa phòng Công đoàn luôn mở rộng cửa để tiếp đón người lao động” – Chủ tịch Công đoàn Vũ Đình Việt cười tươi khẳng định.
Tặng áo… để chị em Nhà ăn “chuyên nghiệp hơn”
Còn nhớ hôm ấy tại Nhà ăn số 3, khu vực phục vụ CBCN khu văn phòng của Công ty CP than Vàng Danh, nhìn các chị em phục vụ ai nấy đều mặc áo sơ mi màu tím bằng lăng giống nhau, tôi đem thắc mắc này hỏi chị Nguyễn Thị Hồng Duyên – Phó Quản đốc Phân xưởng Đời sống, thì nhận được câu trả lời: “Đó là đồng phục của chị em nhà ăn do chính Chủ tịch Công đoàn Công ty tự “bỏ tiền túi” mua tặng. Chủ tịch là người rất “tâm lý” và quan tâm đến người lao động lắm nhà báo ạ”.
Niềm vui của chị em Nhà ăn số 3 (Ảnh Phạm Cường)
Lại đem chuyện này hỏi Chủ tịch Công đoàn Việt, anh cười và chia sẻ: “Chuyện nhỏ ấy mà. Thấy chị em phục vụ tại khu nhà ăn Văn phòng thường xuyên phải tiếp các đoàn khách đến thăm và làm việc tại Công ty. Muốn chị em trông đẹp hơn, lịch sự và chuyên nghiệp hơn ngay từ hình thức, để từ đó thấy tự tin và có động lực làm tốt hơn công việc phục vụ những bữa ăn thơm ngon cho mọi người nên mình đã nghĩ ra việc tặng đồng phục cho các chị em”. Quả thực, nhìn chị em mặc những chiếc áo đồng phục thấy đẹp và chuyên nghiệp hơn hẳn. Việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa tinh thần thật sự thiết thực.
Những chuyến đi nghĩa tình
Ở Công ty CP than Vàng Danh vẫn đang duy trì một việc làm rất ý nghĩa và nhân văn, đó là vào mỗi dịp cuối năm, chuyên môn cùng Công đoàn phối hợp tổ chức những chuyến đi thăm và tặng quà cho các gia đình có công nhân từng làm việc tại Công ty mất do tai nạn lao động. Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Bùi Văn Giảng, người nhiều năm trực tiếp tham gia những chuyến đi này chia sẻ, việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình công nhân mất do tai nạn lao động vào dịp cuối năm đã được Công ty duy trì thực hiện cũng gần chục năm. Đối tượng được thăm và tặng quà là bố mẹ đẻ hoặc vợ con của người công nhân đã mất. Thường những chuyến đi sẽ được bắt đầu trước dịp Tết nguyên đán khoảng 15 đến 20 ngày và địa bàn thì trải rộng từ Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định đến Thái Bình, Thanh Hóa. “Công việc cuối năm thì ai nấy đều bận rộn nhưng năm nào chúng tôi cũng không quên chuẩn bị kỹ càng cho những chuyến đi này. Từ phần quà cho đến những địa chỉ cụ thể của từng gia đình công nhân đều được chúng tôi ghi chép lại cẩn thận. Thậm chí có những địa chỉ rất khó tìm, chúng tôi phải vẽ lại đường đi để lần sau đến không phải tìm kiếm lâu. Tôi nhớ mãi có năm trời rét lắm, tìm về một gia đình công nhân ở tận một làng quê nghèo của Thanh Hóa mãi mới thấy nhà, tặng quà và hỏi thăm gia đình công nhân xong thì trời cũng nhá nhem tối. Đến lúc quay ra, cả lái xe và tôi đều không định hướng được đường. Trời thì rét, bụng cũng đói mà chúng tôi cứ loanh quanh mãi cho đến tận tối muộn mới tìm được đường ra. Chuyến đi ấy thật sự đáng nhớ. Rút kinh nghiệm cho những lần đi sau, những địa chỉ khó tìm như vậy chúng tôi đều vẽ sơ đồ lại để tránh mất thời gian.” – anh Giảng chia sẻ thêm.
Có cả 1001 những câu chuyện, những kỷ niệm xung quanh những chuyến đi như thế, vất vả có, bận rộn có nhưng niềm vui thì cũng đong đầy. Và có lẽ niềm vui lớn nhất mà những người làm Công đoàn nhận được qua những chuyến đi ấy là sự xúc động, là những tình cảm trân quý từ những người thân hay gia đình của công nhân được thăm và tặng quà. Giá trị vật chất của những phần quà không phải là nhiều nhưng ở đó chứa đựng sự quan tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với những gia đình chính sách của lãnh đạo và CBCNV trong Công ty. Chính vì ý nghĩa nhân văn ấy mà có thể nói rằng những chuyến thăm và tặng quà này là những chuyến đi mang đầy nghĩa tình. Và dù phải bỏ công sức, thời gian nhưng những người làm Công đoàn Than Vàng Danh vẫn cảm thấy thực sự vui khi được trực tiếp mang những phần quà chứa đựng tình cảm, sự sẻ chia đến tận tay những gia đình công nhân chính sách, để phần nào họ cảm thấy được quan tâm, động viên và thêm ấm áp mỗi khi Tết đến Xuân về.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-nguoi-lam-cong-doan-201706060912134644.htm” button=”Theo vinacomin”]