Năm 2006, tôi đến nhà ông Triệu Quang Mạnh ở tổ 11A- Khu Hai Giếng (thị xã Cẩm Phả) tỉnh Quảng Ninh. Tuy ở tuổi 92 ông vẫn đi lại nhanh nhẹn hoạt bát, ưa thích trồng hoa, cây cảnh. Khi hỏi về ngày đình công năm 1936 mà ông là người trực tiếp tham gia, ông kể lại:
“Tối ấy tôi sang nhà ông Thọ, cùng cảnh thợ quen nhau từ tấm bé nên chúng tôi coi nhau như anh em. Tôi làm phụ thợ máy – anh em gọi đùa là tài xế bơm dầu. Thấy tôi vào, Thọ và Vinh đang ngồi trên ghế băng kéo tôi lại:
Ngồi xuống đây! Tài Thiều vừa phổ biến ngày mai toàn mỏ đình công, anh được phân công gác ở dốc Đại Lý (Thị ủy Cẩm Phả cũ), đứng ở dưới gốc cây Cu Ca. Sáng sớm mai trước 4 giờ, anh phải có mặt ở đấy. Nhớ mang theo cái gậy để hộ thân.
Nhiệm vụ của anh là cản tất cả người đi làm, vận động, nhắc nhở, giải thích, cùng lắm là ép buộc bắt họ về hết. Lệnh đình công bắt đầu từ 6 giờ sáng. Mọi người tập trung ở cổng kho, chỗ văn phòng Chủ Nhất, đưa yêu sách cho nó, đòi tăng lương, giảm giờ làm…
Sáng hôm sau chưa đến 4 giờ, tôi đã có mặt ở chân dốc chờ một lúc mới thấy mọi người lục đục kéo nhau đi làm. Tôi dõng dạc phổ biến nội dung như lời các anh đã dặn. Vừa nghe dứt, mọi người reo hò, tung mũ, tung nón hưởng ứng đình công và quay về không ai đi tiếp nữa.
Tôi được phân công gác ở gốc cây cạnh cột đồng hồ. Vinh gác ở dốc Trục Hai. Có bất trắc gì cứ gọi to lên sẽ có người ứng cứu. Chúng tôi gác đến 15 giờ (tức 3 giờ chiều) thì tự do về hòa vào đoàn người ngồi đình công ở cổng kho khu văn phòng mỏ Cẩm Phả (nay là vị trí Phân xưởng rèn của Công ty Cổ phần Công nghiệp Ô tô, có cổng sắt quay về phía điểm bán xăng dầu của Công ty Vật tư, chân dốc lên Công ty than Đèo Nai…). Hôm sau, không ai bảo ai, chúng tôi tự động có mặt ở vị trí được phân công hôm trước. Một vài người đến chân dốc nghe ngóng, tôi hô lớn: “Yêu cầu anh chị em tiếp tục về nghỉ, kiên quyết đòi chủ mỏ tăng lương, giảm giờ làm”. Nghe tôi nói thế mọi người truyền người nọ đến người kia kéo nhau về tập trung hết ở cổng kho và văn phòng tên Chủ Nhất làm việc.
Trong Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, lệnh đình công hai hôm rồi vẫn có người làm việc. Chúng tôi đến đẩy cổng vào gọi to vào bên trong nhưng cửa bị khóa chặt. Hỏi ra mới biết tên cai Bệu – Cai gác cổng đã khóa và giữ chìa khóa không cho anh em tham gia đình công. Thế là, chúng tôi kéo đến nhà tên Cai Bệu nhưng không thấy hắn. Vợ hắn lắp bắp: “mãi sáu giờ tối – giờ mở cổng cho công nhân ra – nên chưa kịp về”. Chúng tôi chờ mãi sau đành gọi vợ hắn ra, chỉ mặt: Chúng tôi cảnh cáo cai Bệu phá hoại đình công. Nếu chồng chị còn tiếp tục như thế sẽ nhừ đòn, chết không kịp ngáp! Vợ hắn dúm lại nhận lời hứa về nói cho chồng biết.
Chúng tôi hẹn nhau sáng mai đón đường cai Bệu đi làm, phổ biến, giải thích việc đình công. Nếu hắn không nghe, đánh cho một trận. Biết tin, cai Bệu bỏ trốn không dám đi làm mang theo cả chìa khóa. Cổng nhà máy không mở, công nhân đi làm thấy vậy, tự động xếp hàng đứng trong đội ngũ tham gia đình công.
Cuộc đình công bước sang ngày thứ ba. Cai Hai vận động số phu ở thuê nhà bố vợ hắn – là ông Đoàn – Duân lên làm ở tầng 5 Lộ Trí. Anh em trong đội bảo vệ đình công đã vây bắt Cai Hai, cảnh cáo hắn là tay sai của chủ mỏ. Bọn mật thám đánh hơi báo đồn lính khố xanh mang súng lên giải vây cho cai Hai. Bọn lính vừa đến ngã ba thì gặp anh em đưa Cai Hai về phố. Sau một hồi đấu khẩu, ta đồng ý áp giải đưa Cai Hai về đồn. Tên đeo súng đi trước, hai tên đi kèm, sau cùng là đội lính khố xanh áp giải. Phía anh em đình công có 4 người đi xen với tốp lính. Gần đến cổng một công nhân cầm chiếc guốc mộc đập vào mặt Cai Hai để cảnh cáo rồi giải tán. Cai Hai sợ không đi được nữa nhưng cậy thế lính đồn, mở miệng chửi láo đe dọa anh em, lập tức mọi người xúm lại túm áo ngực Cai Hai. Bọn lính phải dùng báng súng gạt anh em ra. Cai Hai chạy vào đồn, tên lính gác vội vàng đóng cổng lại.
Để trả thù, ngay tối hôm đó bọn chúng vô cớ bắt một công nhân về giam trong đồn. Nghe tin, hàng trăm người kéo đến phản đối việc bắt người vô cớ của nhà chức trách. Trong lúc dòng người ùn ùn kéo tới, trời lại tối chẳng may một công nhân bị ngã xuống rãnh nước sâu bị rách, xước cả chân tay. Thấy thế bọn lính đồn khố xanh quay mặt làm ngơ, anh em kịp thời cử ra một nhóm đến nhà tên đại lý VAVASXURE để kiện về hành động bắt người của đồn lính khố xanh và yêu cầu đại lý can thiệp thả người bị bắt. VAVASXURE phải đồng ý gọi điện cho đồn trưởng. Sau đó tên đại lý phải đi xuống đồn nhưng mới đến nhà dây thép (Bưu điện Cẩm Tây bây giờ) đã nghe tiếng hò reo ầm ĩ. Người bị bắt đã được thả. Chúng còn phải đưa y tá đến phát thuốc và băng vết thương cho anh công nhân bị ngã ở rãnh nước trước cửa đồn.
Cuộc đình công kéo dài sang ngày thứ năm. Sur Vec Lant Tuệ đưa phu tại nhà đi làm ở lò thoát nước tầng 11. Tuệ mồm hò hét bạo dạn nhưng đến cửa lò chỉ chui vào nghe ngóng. Số anh em công nhân đến nơi thấy khu sở mới, sở cũ vắng ngắt không có một ai. Anh em thấy chai nước lã để ở cửa lò đã vung tay đập vỡ nát và kéo nhau về cổng kho.
Khí thế cuộc đình công ngày càng sôi sục. Chủ mỏ yêu cầu gặp đại diện công nhân ở cổng nhà Chủ Nhất. Tên Chủ Nhất Sanh Le Đơ Vin công bố lên lương cho cu li:- Nam giới từ 22 xu lên 3 hào một ngày – Nữ giới từ 2 hào lên 2 hào 7 xu một ngày.
Số đại diện anh em công nhân cử ra nhất loạt không chấp nhận, tiếp tục đưa ra yêu sách và tuyên bố tiếp tục đình công đến khi nào chủ mỏ phải nhượng bộ… Gạo thiếu rồi gạo hết. Ban lãnh đạo cuộc đình công vận động anh em “lá lành đùm lá rách”, kiên quyết duy trì đình công. Nhà máy sợi Nam Định đã gửi ra ủng hộ anh em 2 tạ rưỡi gạo. Nhà máy xi măng Hải Phòng cũng gửi ra ủng hộ 2 tạ gạo nữa. Số gạo này ban lãnh đạo cuộc đình công đã nhận và để ở nhà ông Lý Cán và một số gia đình ở Cẩm Bình, tổ chức đưa dần lên nơi tụ tập cuộc đình công, nấu cháo chia cho những anh em trực tiếp duy trì đình công, giúp họ hăng hái và yên tâm đòi chủ mỏ thực hiện yêu sách…
Ngày thứ bảy, Thống sứ Bắc Kỳ phối hợp với chủ mỏ điều về Cẩm Phả hai đại đội lính lê dương người Pháp và bọn lính khố đỏ đi theo. Chúng ngồi thành dãy trên những xe ô tô nhà binh đổ xuống cổng kho và văn phòng Chủ Nhất – nơi công nhân đang tập trung đình công. Bọn lính tây và lính khố đỏ súng cắm lưỡi lê sáng quắc lăm lăm trong tay uy hiếp anh chị em công nhân. Công nhân ta nghìn người như một đoàn kết nhất trí thành một khối giữ vững “kỷ luật & đồng tâm” không làm điều gì quá khích nên bọn chúng đành bó tay không kiếm được cớ gì để đàn áp. Chúng đành khoác súng đi tuần tra khu vực xung quanh kho và dọc các đường phố lấy lệ là bảo vệ trị an. Tối đến, chúng tập trung tại đồn khố xanh ăn, ở. Vài ngày sau, chúng rút về Tiên Yên, Móng Cái.
Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, công nhân không đi làm, tầu chở than nằm tràn ở ngoài bến. Dư luận tiến bộ thúc ép, giục giã. Ngày thứ tám của cuộc đình công, chúng ra tuyên bố như sau: Lên lương cho nam giới 3 hào 3 xu, nữ giới 3 hào… Đồng ý giảm giờ làm từ 10 tiếng xuống 8 tiếng một ngày. Đồng ý nấu nước gạo rang cho anh chị em công nhân uống hàng ngày, không để công nhân phải uống nước lã. Chủ mỏ chịu cấp phát dụng cụ để công nhân làm việc…
Sáng hôm sau, từ trên các tầng than, hầm mỏ đến xưởng máy, bến tầu… tiếp tục trở lại sản xuất bình thường, nhưng trong lòng công nhân mỏ đã có nhiều đổi khác. Họ ý thức được sức mạnh của giai cấp mình. Khắp thị xã Cẩm Phả, các nhà, hàng hiệu buôn bán cũng phấn khởi ủng hộ hàng trăm bánh pháo để công nhân mỏ đốt mừng thắng lợi.
* Tái bút: Năm 2011 ông Triệu Quang Mạnh đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 97.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-ngay-dinh-cong-nam-1936-201608291216588793.htm” button=”Theo vinacomin”]