Tôi gặp anh và nghe anh tâm sự vào một buổi sáng tháng 6 trong trẻo, khi tiếng ve đang ngân nga rộn rã khắp khuôn viên xanh của Công ty CP Chế tạo máy – VINACOMIN (VMC). Trùng hợp thay khi hôm đó cũng là sinh nhật lần thứ 54 của anh, đánh dấu 32 năm anh gắn bó, trọn tình vẹn nghĩa với nghề. Anh là Bùi Xuân Hạnh – một trong ba Phó Giám đốc của VMC.
Câu chuyện nghề của anh bắt đầu với hình ảnh một chàng trai từ vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh, đã trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 1981. Không như nguyện vọng ban đầu là được vào khoa Chế tạo máy, anh được nhà trường phân vào học tại Khoa Kỹ sư kinh tế, ngành kỹ sư Kinh tế cơ khí. Mong muốn tìm tòi, khám phá về nghề, anh tiếp tục hoàn thành chương trình học kỹ sư chế tạo máy và thiết bị mỏ tại Trường Đại học Mỏ Địa chất.
Năm 1986, khi được Bộ Mỏ và Than phân công công tác về Công ty Cơ khí mỏ (vừa được thành lập sau khi tách Liên hiệp Than Hòn Gai thành 4 Công ty), anh Bùi Xuân Hạnh được Giám đốc Công ty phân công về phòng Kế hoạch kinh tế, làm nhân viên phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn, từng bước làm cán bộ điều hành, quản lý các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khá rộng, từ công tác kế hoạch, quản trị chi phí, quản lý định mức, tiền lương, điều hành sản xuất chung trong đó có các công trình lớn của Công ty.
“Thấm thoát đã 32 năm rồi, tôi rời gia đình, quê hương, xách ba lô đi nhận công tác ngay sau khi nghe xong bài phát biểu bế mạc Đại hội Đảng lần thứ VI, được làm việc trong các giai đoạn lịch sử thăng trầm của Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, qua các bước chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV, rồi Công ty CP Chế tạo máy như hôm nay.
Từ nhỏ cho đến khi mới vào nghề, tôi là một người khá nhút nhát, có nhiều ý tưởng nhưng lại ít thể hiện mình trước đám đông, thường được thầy cô và bạn bè gọi là “nghịch ngầm”. Một phần từ tố chất, quan trọng hơn là quá trình công tác và rèn luyện tại đây đã từng bước hình thành nên phong cách làm việc của tôi: Thẳng thắn, cụ thể, linh hoạt, nghĩ trước các phương án dự phòng để dẫn dắt anh em thích nghi hoàn cảnh.
May mắn của tôi là đã được trui rèn trong suốt thời kỳ đổi mới, qua biết bao khó khăn của Công ty trong 15 năm nằm ngoài ngành Than (1986 – 2001) đến những bước chuyển mình sau khi sát nhập vào Tổng Công ty Than Việt Nam (2001), dần ổn định và từng bước phát triển như hôm nay. May mắn hơn là tôi đã được làm việc trong một môi trường nhiều người mơ ước, có những cán bộ lãnh đạo đến những đồng nghiệp, công nhân thực sự đoàn kết, tâm huyết với nghề cơ khí quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ ” – Anh bộc bạch.
– Khoảng thời gian gắn bó tại VMC chắc hẳn để lại trong anh nhiều kỷ niệm khó quên?
– Đây là nơi tôi có gia đình, có sự nghiệp, nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được. Trong công việc được giao nhiều việc lớn nên cũng nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, kể cả với một số đồng chí lãnh đạo Tập đoàn các thời kỳ.
Rồi anh nhớ lại, vào tháng 8/2008, khi 3 máy rót than tại cảng Cửa Ông gặp lốc xoáy bị đổ sập, cắt nguồn xuất than lớn nhất của Tập đoàn, nguy cơ gây ảnh hưởng đến SXKD nhiều đơn vị và cuộc sống của hàng ngàn thợ mỏ. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đoàn Văn Kiển, TGĐ Trần Xuân Hòa, gần như toàn bộ Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị liên quan đã ngày đêm bàn cách khắc phục sự cố. Sau khi nghe các phương án, Tập đoàn đã tin tưởng giao cho VMC và Tuyển than Cửa Ông, trong vòng một tháng, mỗi đơn vị thiết kế, chế tạo, lắp đặt một hệ thống thiết bị công suất 800 T/h để rót than xuống tàu nhỏ, chuyển tải ra tàu lớn, duy trì tiêu thụ than. Đồng thời, VMC được giao lập phương án để tháo dỡ 2 máy rót HITACHI SL1 và SL2, khẩn trương khôi phục 1 máy rót để phục vụ giao than lên tàu lớn. Hai máy rót bị đổ ra phía biển, việc tháo dỡ hết sức nguy hiểm, nguy cơ gây đổ sập tiếp sẽ làm nhiều bộ phận hư hỏng thêm và tiềm ẩn mất an toàn cho người lao động.
Anh Hạnh được Lãnh đạo Công ty giao nhiệm vụ tham gia lập phương án và trực tiếp chỉ huy toàn bộ quá trình chế tạo lắp đặt hệ thống rót tạm và tháo dỡ, khôi phục 2 máy rót SL1, SL2 tại công trường. Một hôm, trước khi cùng Thủ tướng đi công tác Châu Âu, TGĐ Trần Xuân Hòa đã đến công trường kiểm tra và động viên, TGĐ gọi anh Hạnh ra căn dặn, ngắn gọn nhưng đầy đủ, đại ý là: “Em cố gắng không để xảy ra thêm một sự cố nào nữa. Khi nào rót tấn than đầu tiên xuống tàu, hãy điện cho anh vào bất kỳ giờ nào”.
Và các anh đã phối hợp với Tuyển than Cửa Ông làm được những điều đó. Khoảng gần 1 tháng sau khi được giao nhiệm vụ, vào khoảng 21 – 22 giờ đêm, máy rót tạm của VMC đã rót than xuống tàu. Ngay lập tức, anh Hạnh đã gọi điện báo cáo thủ trưởng Trần Xuân Hòa. Khi nghe TGĐ trả lời ngắn gọn: “Cảm ơn mọi người, tiếp tục cố gắng nhé”, anh đã không kiềm được mà trào nước mắt. Sau đó, mỗi máy rót được khôi phục thành công, cả người của VMC và Tuyển than Cửa Ông lại ôm nhau rơi lệ vì mừng vui.
Phó giám đốc Bùi Xuân Hạnh báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về thiết kế tổng mặt bằng và các bước kế hoạch triển khai thực hiện công trình nhà máy tuyển quặng Bauxite Nhân Cơ năm 2013
Không chỉ cùng những đồng nghiệp dưới mái nhà VMC tạo nên những kỳ tích, Phó Giám đốc Bùi Xuân Hạnh còn là người “gieo mầm” cho những sáng kiến. “Một số sáng kiến nổi bật tôi đã chủ trì, phối hợp với các anh lãnh đạo Công ty và anh em liên quan thực hiện như các phương án thiết kế, thi công, phương án chạy thử Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai, Nhân Cơ… Không chỉ làm sáng kiến, quan trọng hơn là anh đã động viên, tạo điều kiện, hỗ trợ cấp dưới tạo ra nhiều sáng kiến. Nhờ đó, trong môi trường của VMC, luôn có những sản phẩm mới, công trình mới, luôn cải tiến các mặt quản lý, do đó công tác sáng kiến không ngừng phát triển.
Trước khi chia tay, Phó Giám đốc Bùi Xuân Hạnh chia sẻ đầy chân thành: “Rất mong có cơ hội vào một dịp gần nhất, anh có thể cùng những phóng viên Tạp chí TKV trở lại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, để giới thiệu và cùng lắng nghe những ghi nhận của anh em trong ấy về những công trình mang dấu ấn của VMC”. Quả thực, trong anh còn nặng lòng với nghề lắm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-mot-nguoi-nang-long-voi-co-khi-201807211250592592.htm” button=”Theo vinacomin”]