Chuyện gì sẽ xãy ra nếu mỗi người trên thế giới này làm một việc tốt cho ba người. Và mỗi người được giúp đỡ sẽ đi giúp đỡ ba người khác thay vì trả ơn những người đã giúp mình. Cứ như thế nhân lên, chắc chắn thế giới này sẽ tràn ngập tình yêu thương và tất yếu sẽ có chuyện cổ tích xảy đến giữa đời thường.
Bức thư là những dòng cảm xúc chân thành từ đáy lòng chị về tình người trong hoạn nạn. Song tuyệt nhiên không một chút phàn nàn, không một chút chán chường mà trái lại, từng câu, từng chữ trong lá thư toát lên một sức sống mãnh liệt, một tinh thần lạc quan, tràn đầy tình yêu cuộc sống.
Nhớ ngày đó, năm 2001, Chị Lâm bị tai nạn gẫy đốt sống, liệt toàn thân, sức khỏe suy giảm 91%. Với chị Lâm lúc ấy, “đất, trời” đã thực sự sụp đổ. Đã có lúc chị muốn từ bỏ cuộc sống bởi chị nghĩ rằng “sống mà nằm liệt giường, liệt chiếu còn có ý nghĩa không hay sẽ chỉ là gánh nặng cho người thân và gia đình”. Khi mà chị chới với nhất, khi mà chị đã mất hết niềm tin, hy vọng thì chị liên tiếp nhận được sự giúp đỡ từ Công ty Tuyển than Hòn Gai cùng Công đoàn và Phân xưởng nơi chị công tác. Có thể nói, sự giúp đỡ kịp thời của Công ty lúc ấy như “chiếc phao cứu sinh” kết nối và níu kéo chị ở lại với cuộc sống này.
Không những thế, từ đó đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, các tổ chức công đoàn, phụ nữ của Công ty Tuyển than Hòn Gai và Tập đoàn vẫn luôn đồng hành với cuộc sống của chị. Tạp chí TKV cũng thường xuyên thăm hỏi chị và đã trở thành chỗ dựa tinh thần để chị chia sẻ mọi buồn vui. Với động lực ấy, với cái tình ấy, thì sao chị có thể phụ lòng. Chị đã sống tốt và luôn có ý chí vượt lên số phận. Từ “cửa tử thần”, từ chỗ “nằm liệt giường” chị đã gượng dậy, đã có thể di chuyển được nhờ xe lăn và điều đặc biệt là chị đã truyền được tình yêu cuộc sống cho con mình và luôn căn dặn con hãy biết chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh trong khả năng của mình có thể.
Một câu chuyện khác cũng rất cảm động là trường hợp gia đình chị Phạm Thị Thúy – công nhân phân xưởng Tuyển than 3 – công ty Tuyển than Cửa Ông và anh Vũ Văn Long – lái xe ở Công ty Than Cọc Sáu. Khi “Tình giai cấp” đến thăm và tặng số tiền không nhiều (10 triệu đồng), chị Thúy như được tiếp sức để có thêm nghị lực “xoay xỏa” cùng lúc lo cho con ốm đau, chồng bệnh tật không biết sẽ ra đi lúc nào. Mới đây thôi, trong lần đưa chồng đi xạ trị ở Viện K Trung ương, chị lại phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Khó khăn thêm chồng chất khó khăn thế nhưng trò chuyện với phóng viên Tạp chí lần này, chị không khóc nữa. Một phần là vì phía sau chị bây giờ luôn có sự động viên chia sẻ của đồng nghiệp, bạn bè, cơ quan nhất là sau khi có bài báo “Phép nhiệm màu nào cho bé Loan”. Với sự giúp đỡ, động viên đó, chị Thúy tin sẽ có phép nhiệm màu, sẽ có chuyện cổ tích ngay trong cuộc sống đời thường hôm nay.
Lại nhớ, trong một buổi lễ kỷ niệm ngày 8-3, Chủ tịch Trần Xuân Hòa đã kể cho nữ CNCB toàn Tập đoàn nghe về những tấm gương phụ nữ biết vượt khó để lạc quan, yêu đời; trong đó cô gái mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Phương Anh với giọng hát trong vắt, với nghị lực sống mãnh liệt thể hiện qua đôi mắt tinh anh đã gây ấn tượng đặc biệt với Chủ tịch. Vâng, phía sau Phương Anh luôn có những “điểm tựa” vững chãi của bạn bè, của thầy cô, gia đình mà nhất là những tấm lòng nhân hậu, biết chia sẻ, biết yêu thương trên khắp dải đất hình chữ S này.
Trong Tập đoàn hiện nay, với trên 136 ngàn CNCB, chắc chắn có những hoàn cảnh gia đình khó khăn, có những công nhân rất cần được giúp đỡ, đặc biệt là những người lao động không may bị tai nạn. Những sự hỗ trợ kịp thời lúc hoạn nạn, ốm đau dẫu chỉ đơn giản là những lời hỏi thăm, động viên cũng mang một ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn. Ngay như cô bé Phương Anh, ngồi trên xe lăn mà vẫn muốn qua giọng hát của mình hối thúc mọi người hãy biết trận trọng những giá trị yêu thương thì tại sao chúng ta, những người may mắn hơn rất nhiều người lại không cùng nhau hành động vì tinh thần “tương thân tương ái”, để ngày càng có nhiều hơn những câu chuyện cổ tích, để những câu chuyện cổ tích ấy thành hiện thực. Và đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn cao cả mà Quỹ “Tình giai cấp” Tạp chí TKV hướng đến với mong muốn làm cầu nối những tấm lòng hảo tâm đến những với những hoàn cảnh công nhân cán bộ trong Tập đoàn không may gặp hoạn nạn.
Quỹ “Tinh Giai cấp” xin kể tặng bạn đọc một câu chuyện cảm động về cậu bé Trevor Mc Kinney 12 tuổi, sống ở bang California. Khi thầy giáo của cậu bé đó ra một bài tập với nội dung: “Hãy nghĩ ra một ý tưởng để thay đổi thế giới và biến nó thành hành động”. Trevor với trái tim nhân ái đã nghĩ ra một ý tưởng thay đổi thế giới đầy lòng nhân văn: Cậu sẽ giúp đỡ 3 người và mong muốn mỗi người trong ba người đó sẽ tiếp tục giúp đỡ ba người khác và lại mong muốn những điều tương tự từ những người được giúp đỡ ấy. Cậu gọi đó là “đáp đền tiếp nối” và mong muốn sự “đáp đền tiếp nối” đó sẽ được kéo dài, được nhân rộng, để cả nhân loại đều được nhận sự giúp đỡ.
Và Trevor đã làm gì? Cậu cho một cậu bé lang thang 35 đô la số tiền tiết kiệm của cậu nhờ những ngày đi phát báo. Cậu giúp một bà lão cô đơn sống một mình bằng cách dọn dẹp, sơn phết cho khu vườn mà bà rất yêu quý nhưng kiên quyết không nhận tiền công do bà trả. Cậu đã khiến bà lão cảm động và âm thầm thực hiện ý tưởng đẹp đẽ của cậu mà bà đã khám phá được. Khi từ giã cõi đời, bà đã để lại di chúc chia đều số tiền bà đã tích cóp được cho 3 người quen mà bà nghĩ rằng họ cần giúp đỡ. Trevor không hề biết rằng, ý tưởng và hành động của mình về câu chuyện “đáp đền tiếp nối” đã tạo thành một phong trào “đáp đền tiếp nối rộng lớn”.
Câu chuyện về Trevor có một kết thúc buồn. Vì muốn giúp đỡ một người bị 1 băng đảng côn đồ hành hung, Trevor đã không ngại ngần lao vào cứu người ấy và bị những kẻ trong băng đảng đó đâm chết. Cậu bé Trevor ra đi mãi mãi ở tuổi 12. Nhưng câu chuyện “đáp đền tiếp nối” của Trevor đã thực sự tạo ra những điều kỳ diệu. Trevor đã làm thay đổi trái tim nhiều người, giúp họ nhận ra rằng họ phải sống tốt hơn nữa, phải biết giúp đỡ những người xung quanh nhiều hơn nữa, phải biết yêu thương nhiều hơn nữa và biết cho nhiều hơn biết nhận.
Ngày cậu bé Trevor mất, đã có hàng nghìn, hàng nghìn đến từ khắp nơi đứng quanh ngôi nhà Trevor ở. Họ thắp hàng nghìn, hàng nghìn ngọn nến để tạm biệt Trevor, cầu cho Trevor sẽ được Chúa mãi mãi che chở khi lên Thiên đàng. Trevor không còn, nhưng những việc Trevor đã làm thì sống mãi trong trái tim những người ở lại.
Đôi khi bạn cho ai đó tình yêu thương, không phải để người đó sẽ trả lại bạn tình yêu đó, mà để người đó truyền yêu thương đó đi cho những người khác, để tình yêu thương, lòng nhân ái sẽ luôn còn mãi, luôn là lẽ sống của tất cả nhân loại.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-co-tich-giua-doi-thuong-co-khong-1393.htm” button=”Theo vinacomin”]