Dự án khu Liên hợp Gang thép Lào Cai do Công ty cổ phần đầu tư Gang thép Lào Cai (Tổng Công ty khoáng sản-Vinacomin) làm chủ đầu tư có tổng mức dự toán xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Được cấp phép từ đầu tháng 9/2009, song công việc chuẩn bị đầu tư, san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng… đến năm 2010 mới triển khai do những khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Trở lại Công ty những ngày cuối năm, chúng tôi ghi nhận được những chuyển biến tích cực, từ không khí lao động khẩn trương trên công trườ
San gạt mặt bằng chuẩn bị xây dựng văn phòng điều hành
Quả thực, có đi tận nơi, có thấy tận mắt mới hiểu được những cố gắng của những CBCN gắn bó với dự án từ những ngày đầu bởi “vạn sự khởi đầu nan”. Bên cạnh khó khăn về vốn, về giải phóng mặt bằng như đã đề cập, khi bắt tay vào quá trình đàm phán hợp đồng EPC, Công ty và liên danh nhà thầu chưa đi đến thống nhất chung một số nội dung. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch đã đề ra. Chia sẻ khó khăn này, Giám đốc Tuyên cho biết, tháng 10 vừa qua, Phó Tổng giám đốc Phùng Mạnh Đắc cùng đoàn cán bộ khoa học công nghệ của Tập đoàn đã kiểm tra và đánh giá thực tế về dự án. Gần đây nhất, ngày 16/11/2011, Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với liên danh nhà thầu nhằm tháo gỡ vướng mắc. Về phía Công ty, quan điểm đặt ra là làm thật chắc và hạn chế đến mức thấp nhất sự phụ thuộc vào tổng thầu sau này. Công ty cũng đã có phương án chia tách thực hiện dự án theo từng phần và đang tích cực chuẩn bị lực lượng, tìm kiếm đối tác tư vấn thiết kế, giám sát thi công, trong trường hợp không thống nhất về nội dung và đi đến ký kết hợp đồng EPC với Công ty MCC 13 thuộc Tập đoàn xây dựng, luyện kim Trung Quốc.
Thời gian này, trên công trường, Ban dự án do Phó giám đốc Lê Công Thành làm trưởng ban và 100% các cán bộ kỹ sư của Công ty thường xuyên bám nắm thực địa để kịp thời xử lý các phần việc phát sinh và đốc thúc các đơn vị thi công khẩn trương. Theo Phó Ban quản lý phụ trách kỹ thuật Đặng Xuân Giang, hiện tại công ty đang triển khai gói thầu dựng khối Văn phòng gồm 2 tòa nhà. Quá trình thi công không gặp khó khăn gì, có chăng chỉ là ảnh hưởng của thời tiết. Cũng theo anh Giang, hầu hết lực lượng của Ban quản lý nói riêng, của Công ty nói chung đều còn rất trẻ (như kỹ sư Nguyễn Tiến Lâm, sinh năm 1986), họ tìm đến và gắn bó với công ty bởi môi trường thân thiện, thỏa sức cho nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ với tương lai rộng mở ở phía trước.
Song song với quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, Công ty cổ phần đầu tư Gang thép Lào Cai đã sớm triển khai kế hoạch thu hút và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dự án với phương châm “con người mới chính là yếu tố tạo nên thành công của dự án”. Theo dự kiến, khi đi vào hoạt động, Khu Liên hợp gang thép Lào Cai sẽ cần tới 600 – 700 lao động trong dây chuyền chính và khi giai đoạn hai hoàn thành, số lao động sẽ lên tới cả ngàn người. Vì thế, Công ty đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo nghề tuyển dụng 450 công nhân và cử đi đào tạo ở các trường Cao đẳng luyện kim Thái Nguyên, Cao đẳng nghề Phú Thọ. Riêng đội ngũ cán bộ kỹ thuật – rường cột của Nhà máy, ngoài số kỹ sư đang làm việc hiện nay, Công ty đã “chiêu mộ” thêm được 60 kỹ sư có trình độ từ Cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành tự động hóa, cơ điện, luyện kim… Công ty còn liên hệ với trường Đại học Bách khoa, Cao đẳng nghề luyện kim để đào tạo chuyên sâu về các phần việc cụ thể trong Nhà máy thép trên cơ sở kiến thức chuyên ngành đã học và xin chỉ tiêu đi thực tập tại các doanh nghiệp. Từ 60 người này, Công ty sẽ lựa chọn 45 kỹ sư, tiếp tục cử đi đào tạo, hướng dẫn vận hành tại nước ngoài để chuẩn bị đón đầu và nắm bắt quá trình chuyển giao công nghệ ở nhà máy nay mai.
Với những chuyển biến tích cực này cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân Công ty, đích đến năm 2013 Khu liên hợp gang thép Lao Cai đi vào hoạt động là điều hoàn toàn mang tính hiện thực.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-bien-tich-cuc-o-du-an-gang-thep-lao-cai-785.htm” button=”Theo vinacomin”]