Khi tôi viết những dòng chữ này, trong tôi hiển hiện hai điều rõ ràng nhất: Một là, sự đồng tâm chia sẻ khó khăn, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ không một chút tính toán, vụ lợi. Hai là, sự bền bỉ, quyết tâm, khó không nản nơi vùng đất Kẻ Nưa. Theo cách đó, chữ “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ đã tỏa sáng lấp lánh, một thứ ánh sáng tự thân, bình dị mà đầy ý nghĩa…
1.Sau một thời gian Nhà máy luyện Ferocrom dừng hoạt động, Tập đoàn một lần nữa chỉ đạo Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa – TKV (VTCC) thực hiện tái cơ cấu và điều chỉnh bộ máy hoạt động của Công ty để đảm bảo tiếp tục triển khai có hiệu quả việc khai thác, chế biến quặng cromit.
Tại buổi lễ ra mắt ban lãnh đạo điều hành mới của Công ty, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc TKV – nói, TKV cam kết dự án này sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, thu hồi triệt để cromit và các khoáng sản khác đi kèm, nhằm cung cấp đủ quặng cho Nhà máy luyện Ferocrom, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và xây dựng Công ty CP Cromit Cổ Định – Thanh Hóa thành doanh nghiệp vững mạnh.
Bày tỏ thiện chí của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch thường trực tỉnh – khẳng định, Thanh Hóa sẽ làm hết trách nhiệm trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như các công việc liên quan trong quá trình công ty triển khai khai thác và sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
2.Quyết tâm không để Cromite Cổ Định dừng lại phía sau – đó không chỉ là “mệnh lệnh” mà còn là tâm huyết của những người đứng đầu Tập đoàn.
Trên tinh thần đó, các ban chuyên môn, các đơn vị trong toàn Tập đoàn đã vào cuộc, mỗi đơn vị có một thế mạnh riêng nhằm giúp Cromit Cổ Định hồi sinh, nhà máy luyện Ferocrom có thể hoạt động trở lại.
Sự khẩn trương, hối hả là không khí chủ đạo tại VTCC khi chúng tôi có mặt tại đây vào một ngày trung tuần tháng 10. Cả Nhà máy ngổn ngang như một đại công trường đang trong thời gian tu sửa, bảo dưỡng. Kỹ sư Nguyễn Mạnh Nam (Phòng Tuyển khoáng – Luyện kim, Tổng công ty Khoáng sản – TKV) cho biết, nhiệm vụ của các anh ở đây là giúp VTCC bảo dưỡng các động cơ điện, hệ thống điện, thiết bị cơ khí, đồng thời hỗ trợ đào tạo công nhân kỹ thuật vận hành lò luyện… Hơn một tháng xa gia đình vào đây túc trực bên Nhà máy, anh bảo, không chỉ anh và tất cả anh em ở đây đều đồng lòng mang hết kinh nghiệm, kiến thức mình có được để giúp VTCC. “Nói nghe có vẻ sáo rỗng nhưng thật lòng, anh em chúng tôi chưa bao giờ có quan niệm là đang làm việc cho VTCC hay cho Công ty chủ quản. Với chúng tôi, công việc là công việc chung và phải nỗ lực để hoàn thành”. Anh cũng cho biết thêm phần việc của các anh ở đây sắp kết thúc, hiện các anh chỉ làm nốt các công tác bảo dưỡng hệ thống đo lường điều khiển PLC, SCADA thu bụi túi vải, cân định lượng và điều khiển lò điện.
Tại khu vực ép viên, Quản đốc Dương Văn Chức của Công ty CP Công nghiệp Ô tô – Vinacomin (VMIC) đang chỉ đạo anh em bảo dưỡng khu vực này. Là đơn vị vào Cromit đông nhất với 17 người, anh Chức bảo anh em đã xác định, khi nào xong công việc mới về, không về nghỉ cuối tuần giữa chừng vì tiến độ công việc rất gấp. Bên cạnh bảo dưỡng khu vực ép viên, thợ của VMIC còn giúp VTCC bảo dưỡng hệ thống thủy lực khu lò luyện Fero – đây là phần việc tương đối khó, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao.
“Hiện tại, mọi thiết bị của Trạm biến áp đều ổn, công tác bảo dưỡng đã xong, Trạm vận hành ổn định, an toàn nhưng vẫn chưa có nhân viên vận hành nên chúng tôi đang đào tạo thợ kỹ thuật của VTCC”, anh Trần Huy đến từ Công ty nhiệt điện Cao Ngạn của Tổng công ty Điện lực – TKV vừa hướng dẫn một vài nhân viên trong Trạm biến áp 110kV vừa trao đổi nhanh với chúng tôi. “Chúng tôi cố gắng để anh em vận hành của VTCC sớm nắm bắt các quy trình vận hành trạm điện bởi đây là công việc rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác vận hành Nhà máy. Biết gì là chúng tôi sẽ chia sẻ hết”, anh Huy bộc bạch.
Với thế mạnh về cơ khí, những người thợ của Công ty CP Chế tạo máy – Vinacomin giúp VTCC bảo dưỡng các thiết bị công tác như máy xúc gầu ngược bánh xích, cẩu tự hành 4,5 tấn, máy xúc lật bánh lốp, đồng thời bảo dưỡng các thiết bị cơ khí như hệ thống phối liệu bunke, máy rung, bunke cân điện tử, tời trục nghiêng cấp liệu lò… Ở thời điểm chúng tôi đến Nhá máy, những người thợ của VMC vừa xong các công đoạn, phần việc cuối cùng của mình và đang rút quân về. Anh Nguyễn Văn Trung, kỹ sư của VMC hóm hỉnh: Anh em chúng tôi xong việc ở đây rồi, giờ ở lại cũng chẳng còn tích sự gì cả. Tuy nhiên, bất cứ khi nào Công ty cần, chúng tôi sẽ lại sẵn sàng có mặt ngay.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại VTCC, một số các đơn vị chung tay giúp Công ty vượt khó như Công ty CP Phát triển Công nghệ và Thiết bị Mỏ – Vinacomin, Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc – Vinacomin… đã hoàn thành xong phần việc của mình và không còn ở VTCC nữa nhưng tinh thần giúp đỡ “như làm công việc của chính mình” là dư âm mà anh em Cromit Cổ Định vẫn nhắc về họ với sự hàm ơn trìu mến.
3.Trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, các thế hệ thợ mỏ Cổ Định luôn tự hào về một thời vang dội, về những thành tích trong lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Mỏ đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác. Còn ngày hôm nay, tinh thần ấy được thế hệ kế thừa thể hiện một cách rõ ràng nhất bằng cách nỗ lực để mỏ hồi sinh, để Nhà máy tái khởi động.
Ông Lê Hùng Cường – Giám đốc VTCC – cho biết: Mặc dù bộn bề khó khăn, tuy nhiên anh em không hề bi quan. Có nhưng thời điểm khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nhưng tất cả đều trên dưới một lòng. “Ngoài nỗ lực tự thân, VTCC được hỗ trợ rất nhiều từ Tập đoàn, từ tỉnh và địa phương. Những sự giúp đỡ quý giá đó đã làm chúng tôi vững tin hơn trong quá trình tái khởi động Nhà máy”, ông Cường chia sẻ.
Kỹ sư Lê Văn Sơn – Quản đốc Phân xưởng Ferocrom, người gắn bó với Nhà máy ngay từ những ngày đầu – cho biết, khi đi vào hoạt động, công nghệ của Nhà máy là tuyển thu hồi tinh quặng Cromit cấp hạt 0,02-0,2mm, không tính đến việc thu hồi niken và coban trong cấp hạt thô sau này. Khi Nhà máy chính thức vận hành trở lại sẽ cần khoảng trên 200 nhân lực kỹ thuật mà Nhà máy mới chỉ có 40 người bởi vậy hiện tại, anh em trong phân xưởng đang tự bồi dưỡng nghiệp vụ, người có kiến thức bồi dưỡng thêm cho những người khác; đồng thời học hỏi từ những đồng nghiệp đến từ các đơn vị đến giúp đỡ. Bên cạnh đó, Cromit Cổ Định cũng đang ráo riết “tuyển quân”. “Bây giờ, với chúng tôi, học được gì là phải tranh thủ học hỏi ngay để sau này có thể vận hành Nhà máy suôn sẻ”, anh Sơn cho biết thêm.
“Nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”… những cụm từ đó đang đúng với Cromit Cổ Định hơn bao giờ hết. Hiện tại, toàm bộ chị em các phòng ban Công ty đang chia nhau ra làm các công việc nấu nướng, phục vụ cho các đơn vị bạn đến giúp Công ty. Hỏi một chị trong Phòng Tổ chức Hành chính có “ngại” không chị cười, hồn hậu bảo: Sao lại ngại? Họ đến giúp mình không hề nề hà thì mấy việc cơm nước, dọn dẹp phòng ốc có đáng gì đâu.
Cuối tháng 10, băng-rôn đỏ với dòng chữ: “Quyết tâm đưa Nhà máy Ferocrom chạy trước ngày 12/11” treo trang trọng ngay tiền sảnh Công ty thể hiện quyết tâm cao độ của những người nơi đây. Với họ, để cho Nhà máy chạy lại là quyết tâm, là danh dự, là công việc, thậm chí đối với nhiều người còn là “bát cơm manh áo” để duy trì cuộc sống hàng ngày nơi vùng đất Kẻ Nưa huyền thoại này.
Chia tay Cromit, tôi còn nhớ mãi câu nói của ông Nguyễn Anh Toán – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty – “Dẫu đâu đó có những vị lão thành cách mạng, những con người đã có công xây dựng mỏ còn nhiều băn khoăn trăn trở, nuối tiếc, thậm chí cả những sự trách cứ nhưng mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đóng góp để giữ gìn dựng xây đất mỏ ngày càng ổn định và phát triển”. Đó cũng là tâm nguyện chung của những người đã, đang và sẽ gắn bó với mỏ, quyết tâm để mỏ “hồi sinh”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chung-tay-201811081102307839.htm” button=”Theo vinacomin”]