Tạp chí Time của Mỹ ra đời năm 1923. Trong hơn tám mươi lăm năm qua, đã có năm lần hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam xuất hiện trên trang bìa tạp chí này.
Lần thứ nhất chân dung Bác Hồ xuất hiện ở bìa số ra ngày 22.11.1954 với chủ đề “Hồ Chí Minh của Đông Dương”. Bài viết cho ảnh trang bìa là nói về sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc Việt Nam sống dưới chế độ cách mạng của chính quyền Hồ Chí Minh. Tác giả mô tả lại quang cảnh Hà Nội ngày giải phóng, khi đoàn quân Việt Minh từ rừng núi tiến về. Tiếp đó hành trình cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh được kể lại cùng với quá trình diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ấn tượng về lãnh tụ Việt Minh được thể hiện qua câu chuyện sau được tác giả bài viết kể lại. Một người dân Việt Nam ở trong thành phố vừa được giải phóng nói rằng mình đã được thấy ông Hồ. “Ông ấy là tấm gương sống của một nhà cách mạng. Ông ấy có một cuộc đời riêng không thể nào chê trách được. Ông ấy ăn mặc giản dị. Ông ấy là một người thông minh. Ông ấy nói tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt. Ông ấy rất khéo léo: khi ông ấy nói chuyện với mọi người ông ấy nói thẳng thắn để đứa bé lên tám cũng hiểu được. Ông ấy nhẫn nại vô cùng. Ông ấy đã hy sinh cả cuộc đời riêng của mình cho cách mạng”.
Tác giả dẫn thêm lời của nhà cách mạng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nói về Hồ Chí Minh: “Đó là một người đáng yêu và thân thiện vô cùng…, một con người hết sức mong muốn hòa bình”. Trong mắt người viết: “Hồ Chí Minh là một người mảnh khảnh, ôn hòa, nói năng chậm rãi, thái độ cương quyết nhưng không làm ai giận. Ông là người biết ngồi ghé vào mép ghế, tay khoanh vào lòng. “Các chú phải biết nêu gương khiêm tốn, khổ cực cho mọi người”, đôi khi ông khuyên bảo các đồng sự vậy, rồi bước đi qua các làng mạc, với chiếc ba lô trên vai. Hồ Chí Minh làm việc từ 16 đến 18 tiếng một ngày, thường có chiếc áo khoác vắt vai vì hình như ông hay bị lạnh. Ông tự coi mình là con người của thế giới. “Moskva là thành phố anh hùng”, có lần ông vui vẻ nói, “nhưng Paris mới là nơi vui sống”.
Miền Bắc không khoan nhượng
Di sản của Hồ Chí Minh
“Khi vị Chủ tịch Bắc Việt Nam qua đời vì bệnh tim tuần trước ở Hà Nội, ông đã để lại một di sản hoàn thành rất ấn tượng. Ông đã đưa lại ý niệm quốc gia cho nước Việt Nam. Ông đã tiến tới thể hiện một hình thức “chủ nghĩa cộng sản dân tộc” vừa giúp ông tách ra khỏi quỹ đạo Xô – Trung, nhưng lại vừa thúc đẩy cả hai cường quốc đó ve vãn ông. Với nguồn tài nguyên hạn chế của một dân tộc châu Á nghèo khổ – cộng với sự giúp đỡ từ Bắc Kinh và Moskva – ông đã chống lại được hỏa lực to lớn của một nước công nghiệp mạnh nhất trên trái đất. Khi làm thế, ông đã buộc một tổng thống Mỹ phải rời khỏi nhiệm sở và làm hoen ố ký ức về một tổng thống khác. Ông đã đi sâu vào xã hội Mỹ thông qua cuộc chiến tới mức tác động đến giới trẻ phản kháng, đến những người da đen lo lắng không yên, đến những cận vệ binh của các giá trị cũ đang bị đe dọa – chính ngay hình ảnh của đất nước. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là dành để tạo ra một nước Việt Nam thống nhất, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Ông được nhân dân cả hai miền Bắc – Nam gọi là “Bác Hồ”. Không một lãnh tụ dân tộc nào còn sống hiện nay ngoan cường đứng vững được lâu đến thế trước mũi súng kẻ thù. Sự qua đời của ông chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng lan xa ở Bắc Việt Nam, ở châu Á và ngoài đó nữa”.
Di sản Hồ Chí Minh để lại là một ban lãnh đạo đất nước ổn định, vững chắc với những người kế tục sự nghiệp của ông Hồ đã được rèn luyện, thử thách trong cách mạng và kháng chiến. Bài viết cũng nói đến một di sản nữa là kinh nghiệm của Hồ Chí Minh biết giữ thăng bằng giữa Xô – Trung vì quyền lợi dân tộc. Ông Hồ đã có nghệ thuật chính trị này từ trong quá trình hoạt động cách mạng lâu dài của mình. Tác giả bài viết kể lại sự kiện Hồ Chí Minh giúp đỡ cho đội OSS của Mỹ năm 1945 tại Việt Bắc. “Những cuộc tiếp xúc chân thành của ông với người Mỹ đã khích lệ ông Hồ hy vọng vào sự giúp đỡ của Mỹ cho Việt Minh. Frank White, cựu phóng viên Time, nhớ lại là đầu năm 1946, khi đang là thiếu tá quân đội Mỹ, ông được ông Hồ mời dự một bữa tiệc tiếp khách chính thức tại Hà Nội. Khách mời bữa đó gồm các vị chỉ huy và viên chức cao cấp của Pháp, Trung Quốc và Anh. White là sĩ quan cấp thấp nhất và là người Mỹ duy nhất được xếp ngồi cạnh ông Hồ. “Thưa ngài Chủ tịch”, White nói nhỏ vào tai ông Hồ, “tôi e là sự sắp xếp chỗ ngồi thế này sẽ gây sự oán giận”. “Phải, tôi biết”, ông Hồ đáp, “nhưng tôi còn biết nói chuyện với ai khác?”. Một cách hiển nhiên, ông Hồ vẫn nghĩ người Mỹ là dân tộc mà ông có thể trò chuyện”.
Bài viết kết luận: “Những người kế tục ông Hồ có khả năng sẽ đi theo con đường một cách không chệch hướng như ông đã từng trong một thời gian. Nhưng chính sự vắng mặt của ông sẽ dẫn tới sự thay đổi bản đồ chính trị hoàn toàn đến mức những người theo bước ông sẽ buộc phải tìm kiếm một con đường mới, không đoán trước được. Kết quả sẽ không nhất thiết có lợi cho Mỹ, nhưng Bắc Việt Nam vắng ông Hồ sẽ là một thế lực khác trên thế giới”.
Hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh năm lần được đưa lên trang bìa của tạp chí Time, trong đó bốn lần là chân dung toàn mặt bìa, cho thấy mối quan tâm của dư luận Mỹ nói riêng, thế giới nói chung, đối với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu của chúng ta, cũng như đối với quá trình lịch sử của nước Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, Việt Nam còn là chủ đề xuất hiện trên nhiều số khác của Time.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chu-tich-ho-chi-minh-trong-mat-bao-chi-quoc-te-4832.htm” button=”Theo vinacomin”]