Bài học sâu sắc của cuộc Cách mạng vĩ đại cách đây đã 67 năm cho thấy chỉ khi nào những người lãnh đạo nắm được lòng dân, tin vào sức mạnh của dân, thì những đường lối đúng đắn mới trở thành hiện thực trong cuộc sống. Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám thành công, Tạp chí Vinacomin giới thiệu đến độc giả chiến thắng lịch sử này dưới góc nhìn của Giáo sư sử học Dương Trung Quốc.
Lịch sử ghi lại rằng: năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ nước Nga của cuộc cách mạng vô sản đưa ra quan điểm: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” và tiên đoán cuộc cách mạng ở Việt Nam sẽ diễn ra như sau: “Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố theo kiểu các cuộc cách mạng châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc theo phương pháp của các nhà cách mạng trước đây”. 21 năm sau, cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra đúng như vậy.
Năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, ở chiến khu, Nguyễn Ái Quốc viết “Diễn ca Lịch sử nước ta” kết thúc bằng câu :“45 sự nghiệp hoàn thành”. 4 năm sau đó câu thơ trở thành hiện thực.
Tháng 10/1944, Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi đồng bào toàn quốc chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”. Thực tế cho thấy Cách mạng tháng Tám thành công sớm hơn cả thế nữa.
Và khi thời cơ đã hiện rõ, vị tổng công trình sư của cách mạng Việt Nam thể hiện một ý chí sắt đá: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Như vậy, tầm nhìn sáng suốt và quyết tâm sắt đá của bộ máy lãnh đạo đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng.
Cơn lốc
Lịch sử cũng ghi nhận: Tối 13/8/1945, ngay khi vừa nghe tin phát xít Nhật đầu hàng, Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dạy giành lấy quyền độc lập của nuớc nhà !… Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng ! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”
Ngày 14 và 15/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào vạch rõ: “Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành quyền độc lập”.
Ngày 16 và 17/8/1945 Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc hình thức tiền thân của chính quyền cách mạng, định quốc kỳ và quốc ca. Quốc dân Đại hội ra lời hiệu triệu: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”
Đơn vị vũ trang Đại đội Việt-Mỹ làm lễ xuất quân và Nam tiến, hướng về đánh quân Nhật đồn trú ở Thái Nguyên… Lịch sử ghi tiếp: ngày 18/8, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa giành chính quyền; 19/8, Hà Nội tổng khởi nghĩa…, 23/8, kinh đô Huế và tỉnh Thừa Thiên khởi nghĩa…, ngày 25/8, thành phố Sài Gòn chính quyền về tay nhân dân… ; ngày 30/8, tại Huế, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị…
Diễn biến của cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc diễn ra mau lẹ như một cơn lốc. Và trong một thời gian dài, người viết sử phóng bút viết về sự kiện vĩ đại này như một kịch bản hoàn chỉnh thể hiện rất đậm nét theo trình tự từ trên xuống dưới, từ Bắc vào Nam, từ Trung ương xuống địa phương để thể hiện rõ cái nguyên lý kinh điển: có đường lối đúng, có sự lãnh đạo sát sao thì mọi chủ trương đều thành hiện thực nhờ vào một kỷ luật chặt chẽ của tổ chức cách mạng…
Bóng cờ nhô trên nước lụt
Cho đến một lần, Ban liên lạc các cựu chiến sĩ của Đội Thanh niên Ngô Quyền, một trong những lực lượng nòng cốt tham gia tổng khởi nghĩa ở Hà Nội họp mặt truyền thống vào năm 1998. Khi ôn lại ký ức những ngày cách mạng sôi nổi, mọi người nhắc tới người lãnh đạo cao nhất của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô là đồng chí Nguyễn Khang, xứ ủy viên Bắc Kỳ. Mọi người ghi nhận rằng, cũng trong tối 13/8, đồng chí Nguyễn Khang đã cùng đảng bộ Hà Nội đã bàn bạc để đi đến quyết định sẵn sàng huy động quần chúng nổi dậy.
Nhưng cho đến 17/8, nhận thấy thời cơ đã đến sau khi cao trào cách mạng của quần chúng dâng cao trong khi lực luợng quân Nhật và chính quyền thân Nhật đã mất hết ý chí, đảng bộ Hà Nội đã quyết định Tổng khởi nghĩa vào lúc chưa nhận được Bản quân lệnh số 1 phát ra từ chiến khu Tân Trào cách đó đã mấy ngày. Tổng khởi nghĩa đã thành công trọn vẹn chỉ trong một buổi sáng ngày 19/8/1945.
Dự buổi gặp mặt đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và chính vị tư lệnh lực lượng vũ trang cách mạng đã xác nhận một sự thực là: trong khi đơn vị vũ trang chính quy nhất của cách mạng là Đại đội Việt-Mỹ còn chưa giải quyết được quân Nhật ở Thái Nguyên thì tin Hà Nội đã khởi nghĩa thành công làm mọi người vừa phấn khởi vừa ngỡ ngàng. Đồng chí Thận (bí danh của Tổng Bí thư Trường-Chinh) là người tính rất thận trọng đã yêu cầu phải thẩm tra kỹ.
Đến khi đã biết chắc là Hà Nội đã giành được chính quyền và báo cáo với Bác thì vị chỉ huy tối cao của cuộc cách mạng ra lệnh: Tất cả bằng những phương tiện nhanh nhất phải về ngay Hà Nội.
Đại tướng kể lại rằng, khi đó nước lụt mênh mông nhưng cứ càng về gần tới Hà Nội thì càng thấy nhiều bóng cờ đỏ sao vàng. Bất cứ nơi nào nhô lên khỏi mặt nước lụt là ở đó đã có lá cờ mới cách đó chỉ mấy ngày đã được Quốc dân Đại hội công nhận là quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Thật là một cảnh tượng không thể nào quên…
Trong hồi ức của mình Giáo sư Trần Văn Giàu, năm 1945 là người chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn cũng thuật lại rằng, cho đến lúc quyết định khởi sự cuộc nổi dậy giành chính quyền thì Nam Bộ vẫn chưa nhận được Quân lệnh số 1 của Trung ương gửi vào. Nhưng khi nghe tin Hà Nội đã thành công, thì đó chính là mệnh lệnh phát ra từ trái tim và bản lĩnh của người cách mạng. Với Sài Gòn, cũng như Nam Bộ mới trải qua thất bại đẫm máu của Khởi nghĩa Nam Kỳ thì càng không thể manh động được.
Nhưng tin tức từ Hà Nội và nhiều địa phương khác khiến những người lãnh đạo quả quyết khởi động. Và Sài Gòn, đầu não chính trị ở phương Nam đã giành được chính quyền trong ngày 25-8, chỉ cách 1 tuần sau Hà Nội !
Như vậy, tính năng động từ phía dưới không trái ngược với sự chỉ đạo từ phía trên. Nó là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, của sự tôi luyện qua thử thách thực tế và quan trọng hơn nữa là nó nắm bắt được lòng dân.
Ý chí nhân dân thúc giục lãnh đạo hành động
Ông Lê Trọng Nghĩa, một trong những người lãnh đạo chủ chốt cuộc Tổng khởi Nghĩa ở Hà Nội kể lại rằng: sở dĩ Hà Nội quyết định hành động trước khi nhận được lệnh của Trung ương vì lẽ chính nhân dân đã thức tỉnh, tác động vào những người lãnh đạo. Buổi sáng ngày 17/8/1945, khi cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức triệu tập tại Nhà Hát Lớn với mục đích được thông báo là để ủng hộ chính phủ thân Nhật thì những người lãnh đạo của Hà Nội chỉ chủ trương đả phá mục tiêu đó.
Nhưng chính diễn biến của sự kiện, đặc biệt là ý chí của người dân đã thúc giục những người lãnh đạo phải hành động. Ông kể rằng Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ Nguyễn Khang vào buổi sáng còn đắn đo bao nhiêu thì sau khi chứng kiến sự kiện và gặp gỡ nhân dân thì đến buổi chiều hăng hái, quyết tâm hành động bấy nhiêu.
Ông Nghĩa khẳng định rằng, chính vì nắm bắt được mạch đập của dân mà người lãnh đạo đã thành công trong một sứ mệnh tưởng chừng vô cùng khó khăn, trong khi mọi sự lưỡng lự hay dao động vào thời điểm này có thể làm thời cơ vượt qua trong khoảnh khắc của lịch sử.
Bài học sâu sắc của cuộc Cách mạng vĩ đại cách đây đã 67 năm cho thấy chỉ khi nào những người lãnh đạo nắm được lòng dân, tin vào sức mạnh của dân, thì những đuờng lối đúng đắn mới trở thành hiện thực trong cuộc sống. Chân lý này vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình mới hiện nay.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chien-thang-cua-long-dan-va-suc-manh-nhan-dan-2646.htm” button=”Theo vinacomin”]