Trong một khuôn viên nhỏ xinh ở tổ 105 khu 10 phường Cửa Ông có một người phụ nữ là Chiến sỹ Thi đua toàn quốc đầu tiên và duy nhất của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông năm 1986. Đó là bà Lê Thị Thìn. Về hưu đã gần 30 năm nay, nhưng mỗi khi nhắc về quá khứ oanh liệt năm xưa – một thời đầy những thăng trầm không thể nào quên, ánh mắt bà lại rực sáng.
Bà Lê Thị Thìn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Nguyễn Thị Định – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và các đại biểu nữ Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông tại Đại hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh năm 1986
Bà tiếp tôi trong căn phòng nhỏ, dù chỉ vẻn vẹn chưa đầy mười mét vuông, nhưng là nơi cất giữ những tấm ảnh kỉ niệm đen trắng, những tấm bằng khen, giấy khen đã nhuốm màu thời gian. Với bà, đó là những kỷ vật vô giá. Vừa lấy giấy khen cho tôi xem, bà vừa bảo: “Thế cháu muốn nghe chuyện gì nào? Cũng đã lâu rồi, bà nhớ được gì bà sẽ kể cháu nghe hết”.
Sinh năm 1938, năm Rồng nên bà cũng được đặt tên theo con giáp ứng với năm sinh. Đến khi 12 tuổi, bà vận chiếc áo xanh, thắt đai, đeo guốc mộc cho thêm cao, bước những bước đầu tiên vào Xí nghiệp Than Cẩm Phả (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông). Dù tuổi đời còn rất trẻ, bà đã sớm nhận ra những bất công của người phụ nữ trước khi có chính phủ về tiếp quản. Bên cạnh việc phải làm việc suốt tám tiếng không có giờ ăn, các chị, các mẹ còn không được hưởng bất cứ một chế độ nào khi mang bầu, sinh con. “Ngày xưa quanh Xí nghiệp có bao hàng rào dây thép gai. Có người còn phải nhờ bế con chui qua hàng rào dây thép để cho con bú trộm. Như bà Trương Thị My có báo về chụp ảnh đấy” – bà kể. Ngày trước, giờ làm bị bóc lột nặng nề lắm. Cũng tám tiếng nhặt than trên băng tải nhưng không có giờ nghỉ, giờ ăn cố định. Bữa cơm công nhân lại càng khó ăn hơn. Mỗi người mang một bò gạo, đủ các loại hẩm, sạn, trắng, đỏ… Tất cả cho vào một nồi thổi lên ăn chung. Không chỉ vậy, người nào có sức khỏe còn làm thì còn ăn, người nào ốm mà nghỉ lấy một ngày ốm thì bị cho thôi việc hẳn. Thiếu thốn là vậy, nhưng từ lớn đến bé, vì miếng cơm manh áo mà ai ai cũng tự nhủ phải cố gắng nắm tay nhau vượt qua.
Năm 1955 khi vùng mỏ được giải phóng, bà Thìn được đổi thẻ lương, từ “thẻ trẻ con” sang “thẻ người lớn”. Cho đến lúc này, đời sống anh chị em trong Xí nghiệp mới được cải thiện: Xí nghiệp bán vé xuất gạo, có bữa ăn công nghiệp, có bồi dưỡng ca đêm, bồi dưỡng độc hại. Khi công nhân ốm thì có ngày nghỉ. Riêng chị em càng phấn khởi, thay vì bị thôi việc khi thai sản thì nay được hưởng trợ cấp 2 tháng lương sau sinh, cứ 10h trưa được về cho con bú. Tinh thần thoải mái, mọi người lại càng hăng say lao động miệt mài. Bản thân bà lại càng vì thế mà yêu chế độ mình, được làm chủ mà làm việc tích cực hơn.
Là Tổ trưởng tổ lao động tại Tổ Máng ngoài kíp 1, công việc chính của bà là đón những thùng than từ mỏ ra, dùng xẻng và xà-beng chọc than từ thùng rơi xuống băng chuyền để chuyển vào nhà sàng. Công việc đòi hỏi người làm phải có sức khỏe vô cùng tốt. Giai đoạn những năm 60 của thế kỉ trước, những thanh niên nhà sàng Cửa Ông ngoài việc phải đảm bảo tiến độ sản xuất còn phải trực chiến khi có máy bay địch. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có – Đâu khó có thanh niên”, bà Lê Thị Thìn còn đảm nhận công việc cầm súng lên trận địa pháo cao xạ, sẵn sàng chiến đấu mỗi khi máy bay địch tới. Trận địa nằm trên đồi có tên gọi là đồi Nhà sàng Tuyển than, với vị thế trọng yếu, sát đường Quốc lộ 18A, nối liền giữa miền đông và miền tây của tỉnh. Từ trên đồi pháo có thể nhìn ra toàn cảnh nhà máy, xí nghiệp, bến cảng Cửa Ông… Bên cạnh đó, cứ mỗi địa điểm địch ném bom khiến tiến độ lao động đình trệ, bà lại dẫn các chị em nhanh chóng san lấp hố bom để mau chóng khôi phục sản xuất. Khi máy bay địch đi khỏi, bà cùng mọi người trở lại nhà sàng tiếp tục công việc. Bà cùng đội Tự vệ nhà sàng đã đóng góp sức mình đẩy lui nhiều đợt không kích do kẻ thù gây ra, giảm thiểu nhiều thiệt hại cho đơn vị. Cứ như vậy, Tổ của bà được vinh dự trở thành Tổ Xã hội chủ nghĩa, trong nhiều năm liền luôn đứng đầu về thành tích sản xuất cũng như các cuộc thi đua mà Xí nghiệp đề ra.
Khi hai miền đất nước bị chia cắt, bà Thìn cùng chồng lại phải xa nhau. Chồng bà quê ở Bình Định, trước đây là cán bộ của Bộ Nội vụ ra tiếp quản vùng mỏ từ năm 1955. Sau đó, vì công tác bận rộn nên ông lại phải Nam tiến. Bà ở lại miền Bắc với ba đứa con thơ. Con nhỏ, chồng xa, có những ngày đi họp đại hội Đoàn, không ai trông giúp nên bà phải bế con đi theo, vừa trông con, vừa nghe cán bộ phổ biến. Nỗi nhớ chồng và ước mong thống nhất như hòa làm một. Điều đó đã trở thành nguồn động lực to lớn, thôi thúc bà luôn hăng hái thi đua sản xuất. Đặc biệt, năm 1957, bà cùng các thanh niên vùng Mỏ đã có cơ hội được gặp Bác Hồ tại sân vận động Hồng Gai cũ. Bà còn nhớ như in lời Bác hôm ấy. Bác khen thanh niên vùng Mỏ lao động chăm chỉ, biết tiết kiệm từng giọt dầu, cái chèn, hòn phấn, hòn than… Bác còn căn dặn thế hệ thanh niên vùng Mỏ phải nỗ lực phấn đấu, sản xuất ra những viên than có chất lượng để đổi lấy bánh mì, lúa gạo, súng đạn… phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Vậy là với bà Thìn, mong mỏi thống nhất nước nhà càng mãnh liệt hơn.
Đến ngày non sông thu về một mối, niềm vui đoàn tụ với chồng cũng là lúc nhà sàng Cửa Ông lại rơi vào tình trạng khó khăn. Bà vẫn còn nhớ giai đoạn 79 – 80 của thế kỉ trước, khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra. Toàn Xí nghiệp cùng chung số phận với cả nước: Một hạt gạo cắn làm ba. Nước ta cùng hỗ trợ hai nước Lào và Campuchia chống thù trong giặc ngoài. Tình hình sản xuất lại càng khốn khó. Đồng lương của công nhân có khi chậm đến 2-3 tháng. Cùng với sự chỉ đạo sát sao từ Đảng và lãnh đạo Xí nghiệp, bà cùng chị em không ngại khó, ngại khổ, phấn đấu đạt các mục tiêu sản xuất đã đề ra. Tổ của bà luôn đạt ngày công cao, giờ công nhiều, lại tháo vát trong sản xuất. Còn nhớ những bữa ăn “Phở không người lái”, tức bánh phở chỉ chan nước sôi, nhưng không thể làm chùn ý chí quyết tâm và tinh thần yêu nước của tập thể anh chị em nhà sàng Xí nghiệp Bến Cửa Ông. Bà tự nhủ “Mình đã từng làm nô lệ, mình biết cái khổ của chế độ cũ rồi. Với chế độ mới được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều, mình biết mình được tự chủ, mình càng phải cố gắng nhiều, bảo vệ quyền làm chủ của mình”.
Với sức trẻ tràn đầy nhiệt huyết, bà dồn hết cho công việc. Những nỗ lực ấy đã được ghi lại bằng bảng thành tích sáng ngời: 23 năm liền là Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1985), Chiến sĩ Thi đua toàn quốc (1986); Huân chương Lao động hạng Ba (1987), Bằng khen Phụ nữ Ba đảm đang thời kì đổi mới (2005) cùng nhiều giấy khen có giá trị khác. Bà cùng các anh chị em công nhân khác của vùng Mỏ Quảng Ninh như ông Lê Ngọc Vừng (lái xe mỏ Cao Sơn), ông Nguyễn Văn Bộ (đơn vị Hầm lò), ông Nguyễn Văn Thiều (mỏ Đồng Triều)… vinh dự được tham gia Đại hội Anh hùng Lao động. Bà còn được Nhà nước tạo điều kiện sang Đức để tham quan, học tập xây dựng Xã hội chủ nghĩa.
Không chỉ là cánh chim đầu đàn trong phong trào thi đua đạt năng suất cao, cùng tập thể nhà sàng vững vàng tay máy, tay súng duy trì sản xuất trong suốt thời kì chiến tranh oanh liệt, ở thời bình, ai ai cũng ngưỡng mộ gia đình bà – một gia đình hiếm hoi có 4 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Đặc biệt, những người con, người cháu của bà cũng đang công tác tại chính đơn vị mà bà đã cống hiến sức trẻ – Công ty Tuyển than Cửa Ông. Giờ đây, ở độ đuổi gần bát thập, những căn bệnh tuổi già vẫn làm phiền bà mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng bằng chính quá khứ oai hùng, bà đã truyền lại cho con cháu lòng quyết tâm, bền bỉ gắn bó với ngành Than.
Những dịp gặp mặt, ôn lại truyền thống vẻ vang của Công ty Tuyển than Cửa Ông, bà lại được ngồi trong hàng ghế những nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Được gặp và trò chuyện cùng bà, tôi như thấy được một bức tranh lao động nhộn nhịp của nhà sàng trong một giai đoạn lịch sử đầy tự hào. Trong giai đoạn khó khăn của ngành Than hiện nay, những tấm gương như bà khiến chúng ta thêm yêu quý, trân trọng truyền thống đất mỏ; là nguồn lực tiếp thêm lòng nhiệt thành, niềm tin cho thế hệ trẻ ngành Than vững bước để vượt qua, trưởng thành hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chien-sy-thi-dua-toan-quoc-le-thi-thin-va-nhung-dieu-chua-ke-201608011717582508.htm” button=”Theo vinacomin”]