Với đặc thù là đơn vị sản xuất kinh doanh đa ngành ở các lĩnh vực sản xuất than, cơ khí, vật liệu xây dựng, kinh doanh tổng hợp, khách sạn điều dưỡng, Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc (VVMI) – một trong những đơn vị thuộc khối các Tổng Công ty của TKV đã và đang quyết liệt triển khai tái cơ cấu theo tinh thần Chỉ thị 102 của Tập đoàn và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Vậy VVMI đã triển khai Chỉ thị 102 ra sao?
Triển khai đồng bộ và bài bản
Thực hiện Chỉ thị số 102/CTLT/TGĐ-CĐTKV (tháng 5/2017) của Tập đoàn về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lực lượng lao động, trên thực tế, Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc là một trong những đơn vị tiêu biểu trong khối các Tổng Công ty của TKV thực hiện đồng bộ và quyết liệt các nhóm giải pháp để tinh gọn cơ cấu tổ chức, tinh giảm lao động theo chỉ đạo của Tập đoàn. Nhằm triển khai một cách bài bản, VVMI đã kịp thời thành lập 2 tổ công tác để rà soát kỹ lưỡng và tiến hành xây dựng mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ các phòng ban, phân xưởng, định biên lao động theo vị trí việc làm. Căn cứ quy mô, ngành nghề SXKD, dây chuyền công nghệ sản xuất và bố trí thiết bị, mô hình tổ chức sản xuất của Tổng Công ty xây dựng theo 3 khối: khối sản xuất than, khối sản xuất xi măng và khối sản xuất kinh doanh khác.
Đối với các đơn vị sản xuất than: năm qua, Tổng Công ty tiếp tục thu gọn đầu mối, tinh giản lực lượng lao động phù hợp với điều kiện sản xuất than hơn như: sáp nhập bộ phận Tổ chức lao động với Hành chính y tế; sáp nhập Cơ điện với An toàn; chuyển bộ phận văn phòng Đảng đoàn về Phòng Tổ chức hành chính; sáp nhập các phân xưởng có quy mô lao động nhỏ… Như vậy, mô hình tổ chức của các đơn vị sản xuất than chỉ còn từ 6 – 7 phòng ban quản lý và từ 3 – 5 phân xưởng sản xuất.
Đối với các đơn vị sản xuất xi măng: mô hình tổ chức phòng ban quản lý của các đơn vị sản xuất xi măng thống nhất xây dựng một mô hình chung gồm 06 phòng (Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Kế toán thống kê tài chính, Phòng Kế hoạch – Vật tư, Phòng Kỹ thuật, Phòng Cơ điện – An toàn – Môi trường và Phòng Thị trường). Với phân xưởng của các đơn vị sản xuất xi măng do quy trình, công nghệ sản xuất xi măng nên mô hình chung gồm 3 phân xưởng (Phân xưởng Clinker, Phân xưởng Cơ điện và Phân xưởng Thành phẩm). Riêng Công ty cổ phần Xi măng La Hiên do đặc thù có 2 dây chuyền sản xuất clinker, có mỏ khai thác đá vôi và đất sét để cấp nguyên liệu cho sản xuất xi măng nên thêm 02 phân xưởng (thêm 01 Phân xưởng Clinker và Phân xưởng Khai thác) so với mô hình chung.
Đối với sản xuất kinh doanh khác: mô hình tổ chức phòng ban quản lý của các đơn vị trên đều có hoạt động sản xuất nên thống nhất xây dựng một mô hình chung gồm 04 phòng (Phòng Hành chính – Nhân sự, Phòng Kế toán thống kê tài chính, Phòng Kỹ thuật – Cơ điện – An toàn, Phòng Kế hoạch – Vật tư). Riêng đối với Công ty cổ phần khách sạn Thái Nguyên, Trung tâm điều dưỡng ngành Than hoạt động kinh doanh dịch vụ nên thống nhất xây dựng một mô hình chung gồm 02 phòng quản lý (Phòng Hành chính – Nhân sự và Phòng Kế toán – Kế hoạch).
Đồng thời với việc sắp xếp tinh gọn đầu mối, Tổng Công ty đã thực hiện các chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân người lao động có tài năng, tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Điển hình như xây dựng Quy chế quản lý lao động tiền lương có quy định về trả lương khuyến khích để thu hút lao động có tài năng, trình độ chuyên môn cao với các hình thức: bổ sung hệ số khuyến khích vào đơn giá sản phẩm; hàng tháng bình xét, suy tôn những CNVC có trình độ tay nghề giỏi được khuyến khích tiền lương từ 450 000 đồng – 1300 000 đồng/tháng theo từng ngành nghề; thực hiện trả lương lũy tiến đối với khâu xúc, khoan và vận chuyển theo khối lượng công việc tăng thêm trong ca, cụ thể: (i)năng suất ca thực hiện đạt từ 110% đến dưới 115% so với định mức thì phần vượt định mức được tăng 150% đơn giá tiền lương sản phẩm, (ii) năng suất ca thực hiện đạt từ 115% trở lên so với định mức thì phần vượt định mức được tăng 200% đơn giá tiền lương sản phẩm. Đối với thợ lò (i)Tiền lương từ ngày công thứ 19 đến 20 công trả bằng 110% đơn giá ngày công sản phẩm,(ii) Tiền lương từ ngày công thứ 20 đến 21 công trả bằng 120% đơn giá ngày công sản phẩm, (iii)Tiền lương từ ngày công thứ 23 trở lên trả bằng 150% đơn giá ngày công sản phẩm. Áp dụng cơ chế trả lương chuyên cần đối với thợ vận hành khoan xúc gạt, thợ sửa chữa… khi người lao động có số ngày công đi làm lớn hơn số ngày công quy định theo tháng thì tiền lương được tăng thêm 10% so với tiền lương theo đơn giá sản phẩm. Tổng Công ty đã ban hành hướng dẫn trả lương theo giờ, lựa chọn đối với một số công việc nhằm sử dụng lao động có hiệu quả khuyến khích người lao động tăng thời gian làm việc hữu ích trong ca. Mặt khác, để thực hiện tinh giảm lao động, Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc đã tiến hành xã hội hoá các công việc như nấu ăn ca, bảo vệ văn phòng, tạp vụ vệ sinh.
Kết quả đáng ghi nhận từ những con số biết nói
Sau khi triển khai theo Chỉ thị số 102 của Tập đoàn, có thể thấy bước đầu đã đem lại nhiều kết quả khả quan cho VVMI. Đáng ghi nhận có thể thấy rõ như: bộ máy tổ chức của Tổng Công ty và các đơn vị đã được tinh gọn nhiều, chức năng nhiệm vụ của các phòng ban được cụ thể, rõ ràng, trách nhiệm của CBCNV với nhiệm vụ được giao được nâng cao; lực lượng lao động được tinh giảm, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, góp phần tăng năng suất lao động, hạ giá thành tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từ đó tạo điều kiện để Tổng Công ty và các đơn vị phát triển ổn định, vững chắc. Tỷ lệ lao động quản lý, phục vụ phụ trợ đã giảm và tỷ lệ lao động công nghệ đã được tăng lên theo quy định của Tập đoàn.
Cụ thể hơn kết quả thực hiện: Về sắp xếp tinh gọn đầu mối, toàn Tổng Công ty trước sắp xếp có 148 phòng ban, phân xưởng, sau khi sắp xếp lại còn 116 phòng ban, phân xưởng, giảm 33 phòng ban, phân xưởng; Về tinh giảm lao động, trước sắp xếp là 4.371 người, sau khi sắp xếp lại còn 3.963 người, giảm 408 người (lao động quản lý giảm 132 người, lao động phục vụ, phụ trợ giảm 253 người).
Bài học kinh nghiệm là gì?
“Tinh gọn đầu mối, tinh giảm lao động” luôn là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, quyền lợi của người lao động. Vì vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc, bài học kinh nghiệm rút ra về cách triển khai như thế nào để Chỉ thị 102 thiết thực và hiệu quả nhất chính là trước hết, phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn thanh niên đến chuyên môn, từ đó phải tạo được sức mạnh đoàn kết, thống nhất thực hiện. Đồng thời tất cả những chủ trương chính sách, nhất là vấn đề tái cơ cấu đều cần được bàn bạc kỹ lưỡng, công khai minh bạch đến người lao động để cùng đóng góp ý kiến; giúp cho ý thức của CNCB thực sự có những sự thay đổi căn bản và thấm nhuần phương châm “không quyết liệt và đổi mới về mọi mặt thì không thể tồn tại được”.
Năm 2018, dựa trên những kết quả đạt được cũng như đúc rút kinh nghiệm thực hiện của các năm trước, Tổng Công ty sẽ bám sát chỉ đạo của TKV để tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu lao động. Tiếp tục tập trung rà soát các lĩnh vực quản lý, chủ động xem xét lại định biên và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị. Song song với đó thực hiện các chính sách đãi ngộ thu hút, giữ chân người lao động có tài năng, tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao giữ được cán bộ giỏi có nhiều kinh nghiệm, công nhân lành nghề, tránh thất thoát nguồn nhân lực… Đồng thời đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần giúp Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc phát triển ngày càng bền vững.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chi-thi-102-nhin-tu-cach-trien-khai-cua-vvmi-201803141116493123.htm” button=”Theo vinacomin”]